Đại tướng Hoàng Văn Thái và bài hát Phất cờ Nam Tiến

05:14 AM, Thứ tư, 18/12/2024
305

Tác giả: Phan Đông Viên

 

Ông Hoàng Văn Xiêm sinh ngày 1/5/1915 ở làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là thị trấn Tiền Hải) huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Thuở nhỏ học giỏi tốt nghiệp loại ưu tiểu học Pháp Việt, thời đó tốt nghiệp bằng này là đã nói tiếng Pháp thành thạo! Nhà nghèo, 13 tuổi đã phải đi làm thuê, 15 tuổi chứng kiến cuộc nổi dậy của nhân dân Tiền Hải hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hoàng Văn Xiêm đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của phong trào Cách mạng cộng sản -18 tuổi đi làm phu mỏ ở mỏ than Hồng Gai, Quảng Ninh rồi mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng. Vì tham gia bãi công nên năm 1936 bị đuổi về quê quán.

Với lòng hăng say đấu tranh và đầu óc tổ chức sẵn có, Hoàng Văn Xiêm đã vận động thanh niên trong làng và địa phương lân cận thành lập Đoàn thanh niên Dân chủ để có cơ hội lập các hội như: Hội Tương tế, Hội Hiếu, Hội Đá bóng, Hội Nhạc âm, Hội đọc báo... Với danh nghĩa mở lớp dạy Nhạc âm, Hoàng Văn Xiêm tập hợp các hội viên tham gia hoạt động đoàn thể.

Được giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938, bị truy bắt, ông phải chạy lên vùng Hiệp Hòa, Lạng Giang. Được học lớp huấn luyện chính trị do ông Hoàng Quốc Việt và Trần Đăng Ninh dạy, sau đó được cử sang Trung Quốc học trường Quân sự Liễu Châu.

Ngày 28/1/1941 (mùng 2 tết năm Tân Tỵ) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước. Một tháng sau ông Hoàng Văn Xiêm cũng về nước và được đổi tên là Hoàng Văn Thái.

Tháng 3/1941 ông Hoàng Văn Thái được cử lên tăng cường cho khu Du kích Bắc Sơn. Ngày 19/5/1941 Mặt trận Việt Minh được thành lập, Đội Du kích Bắc Sơn đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất. Lãnh đạo Mặt trận Việt Minh quyết định thành lập một lực lượng vũ trang mới, sau đó ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 người, là các trung đội trưởng, tiểu đội trưởng hoặc đội viên chọn lọc từ các đơn vị cứu quốc quân và các đội du kích lẻ ở địa phương, ông Hoàng Văn Thái được phân công phụ trách công tác tình báo và kế hoạch tác chiến của Đội.

Từ khi tổ chức Hội Nhạc âm ở quê, ông Hoàng Văn Thái đã biết dạy ký âm và tập sáng tác. Trong ảnh lễ ra mắt Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại cánh rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng, có ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy, ông Hoàng Sâm đội trưởng, ông Hoàng Văn Thái là người cầm cờ đỏ sao vàng đứng giữa hàng trước đội quân. Lúc đó ông đã có bài hát Phất cờ Nam tiến với nguyện vọng sẽ đưa phong trào cách mạng và lực lượng vũ trang tiến dần từ miền núi về đồng bằng rồi lan ra cả nước. Sau lễ ra mắt Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944 thì chỉ trong hai ngày 25 và 26/12/1944 quân ta tấn công thắng lợi hai Đồn Pháp: Phay Khắt (xã Tam Kim - huyện Nguyên Bình - Cao Bằng) và Nà Ngần (xã Hoa Thám - huyện Nguyên Bình - Cao Bằng) trong hai trận chiến thắng đó, bài Phất cờ Nam tiến đã được hát vang theo Đội quân ra trận. Đêm 4 rạng sáng 5/2/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lại mở cuộc tấn công Đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) tại đây bài Phất cờ Nam tiến không chỉ hát trong lúc hành quân ra trận mà còn vừa được hát vang vừa đánh trận.

Căn cứ thành tích chiến đấu qua nhiều chiến dịch, nhất là Chiến dịch Thu Đông 1947, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh phong tướng đợt đầu cho những sĩ quan chủ chốt, tiêu biểu của quân đội ta, tại buổi lễ phong tướng này, ông Hoàng Văn Thái được phong Thiếu tướng. Hàng chục năm sau, với binh nghiệp vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề, ông Hoàng Văn Thái được vinh thăng các quân hàm cao quý: Trung tướng năm 1958, Thượng tướng năm 1974 và Đại tướng năm 1980.

Nếu ca khúc về tình yêu gọi là tình ca, thì những ca khúc về chiến tranh có thể gọi là chiến ca và thường chia làm hai loại:

Loại 1: Đã khét mùi khói súng, ố màu lửa đạn - là những chiến ca đã từng trực tiếp theo lính ra trận.

Loại 2: Tưởng vọng và chia sẻ - là những chiến ca sau hoặc xa mặt trận, chỉ gián tiếp mô phỏng sự khốc liệt của chiến tranh và chia sẻ với những hy sinh bi tráng của người lính.

Đại tướng Hoàng Văn Thái chỉ viết một bài, mà bài đó thuộc loại đặc sắc, vì đã theo ông và đồng đội ra trận suốt ba trận đầu thắng lợi của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, và sau này Phất cờ Nam tiến lại vang lên trên những đoàn tàu hỏa chở vệ quốc quân tình nguyện vào Nam chiến đấu chống Pháp từ ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945. Trong các trận chiến ở Nam bộ giữa ta và giặc Pháp, một số nhân chứng cách đây 20 năm còn kể lại có bốn bài hát đi theo chiến sĩ ra mặt trận, đó là Tiến quân ca của Văn Cao (Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc...), Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao (Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường...), Phất cờ Nam tiến của Hoàng Văn Thái (Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến, trời phía Nam dân chúng đang chờ ta...) và bài Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn (Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến, rền khắp trời, lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền...).

Với bề dầy thành tích chiến đấu trong quân đội và cống hiến của một chính trị gia trong vị trí lãnh đạo một số cơ quan ngoài quân đội của Chính phủ, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã để lại sự kính phục cho toàn quân, toàn dân về tinh thần và đạo đức cách mạng, mà sự gần gũi nhất trong tình cảm của mọi người với Đại tướng chính là sự thấu hiểu và chia sẻ qua khúc chiến ca Phất cờ Nam tiến nổi tiếng một thời, vì đây là hành khúc đầu tiên của quân đội ta vừa là khúc thúc quân trong lúc xung trận, vừa là khúc khải hoàn khi thắng trận trở về, lại là một tác phẩm của vị Tổng tham mưu trưởng lừng danh đầu tiên của quân đội ta: Đại tướng Hoàng Văn Thái./.

 

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều