"Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” MỘT ĐỜI VỚI HÀ NỘI....

07:00 AM, Thứ hai, 14/10/2024
188

Tác giả: Nhà báo Phạm Hồng Tuyền

 

MỘT ĐỜI VỚI HÀ NỘI....

 

Hà Nội. Tháng Giêng năm 30 thế kỷ trước

 

Thành phố ngày mùa đông vắng vẻ, xao xác trong gió mùa đông bắc thổi về lạnh thấu. Trên tầng 2 nhà thương phố Hàng Trống, một người đàn ông cao gầy, dáng vẻ trí thức với gọng kính tròn, bồn chồn, sốt ruột, đi đi lại lại trước cửa phòng hộ sinh. Đó là học giả Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong tạp chí, ông đang nóng lòng chờ đón người con thứ 9 ra đời.

 

Mấy năm trước hai vợ chồng ông đau xót tiễn biệt lần lượt ba con gái bé bỏng, những đứa trẻ vừa ra đời chẳng bao lâu, vì bệnh tật mà lìa xa bố mẹ. Vì vậy khi có một sinh linh mới xuất hiện ông bà rất đỗi vui mừng, nhưng cũng thấp thỏm, lo lắng. Cánh cửa phòng hộ sinh bật mở:

 

- Xin chúc mừng tiên sinh! Ông bà đã có một bé trai!

 

Ôi, vậy là người con thứ 9, cũng là con trai thứ 4 đã đến với cuộc đời! Mà .... Đây quả là đứa bé đặc biệt, quanh mình cậu bao bọc một màng trong, nghe nói ai sinh ra trong bọc như vậy đều rất có tài. Ông đặt tên con trai mình là Phạm Tuyên.

 

Sinh ra có chút khác người nên cậu bé Tuyên được mẹ chiều hơn các anh chị khác, có gì ngon mẹ lại để dành, bà hay nằm xôi chim chim và cậu rất thích món này. Năm cậu 3 tuổi cả gia đình rời Hà Nội vào kinh đô Huế. Ngôi biệt thự Hoa Đường bên dòng An Cựu là nơi cậu bé Tuyên trải qua những năm tháng thơ ấu êm đẹp với tiếng nói, tiếng cười ríu rít, tiếng đàn, tiếng hát rộn rã. Tuy sống trên đất Huế nhưng trong gia đình vẫn giữ tiếng nói Hà Nội gốc, nếp ăn nếp ở, mọi sinh hoạt vẫn giữ cốt cách, phong thái như ngoài ấy. Có năng khiếu âm nhạc thiên bẩm, lên 9 tuổi Phạm Tuyên đã tập viết nhạc, thấy người ta viết bản “Sóng Danube” cậu cũng sáng tác ngay bản “Sóng Sông Hương”, rồi gửi ra nhà xuất bản ở Hà Nội. Ai dè nhà xuất bản cử người vào muốn gặp trao đổi, cậu bé ngượng quá trốn biệt.

 

Thế rồi.... năm 1945 gia đình gặp biến cố. Cậu trai trẻ Phạm Tuyên rời Huế về lại Hà Nội, nơi nhà người chị lớn vẫn đang sống ở phố Hàng Da. Cũng từ đây cậu một thân, một mình bước vào đời với muôn vàn khó khăn, chông gai. Cậu tự ôn thi và trở thành một trong ba người đỗ Tú tài toàn miền Bắc, rồi lặn lội vượt đường xa lên chiến khu Việt Bắc để học Pháp lý. Trường giải tán do bị giặc Pháp ném bom, chàng thanh niên chuyển sang Trường Lục quân khóa 5 - khóa Tổng phản công, sau khi tốt nghiệp trở thành Đại đội trường Thiều sinh quân, sang Quế Lâm, đến Nam Ninh (Trung Quốc) làm giáo viên Văn Thể Mỹ ở Khu học xá Trung ương và bắt đầu có những sáng tác âm nhạc đầu tiên được công chúng biết đến.

 

 

Trong những năm tháng xa quê hương nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn ngóng trông về Hà Nội, nơi mẹ ông cùng anh chị em vẫn sống ở đó. Ngày 10/10/1954 Hà Nội được tiếp quản, tin tức lan sang Khu học xá khiến người thầy giáo trẻ khấp khởi vui mừng, vậy là cuộc đoàn tụ cùng gia đình dần trở thành hiện thực. Và dịp may đã đến, năm 1955 ông cùng đoàn văn công Khu học xá về Hà Nội, vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác Hồ xem. Chuyến đi này có cả người con gái ông yêu (sau này là bạn đời của ông trong suốt hơn 50 năm) và ông kịp ghé thăm người thân, nhưng đó cũng là lúc ông biết tin đau lòng - người mẹ kính yêu đã rời cõi tạm được 2 năm, năm 1953. Ngay lúc ấy ông thầm hứa với lòng mình sẽ trở lại Hà Nội để gắn bỏ cuộc đời với thành phố thân yêu.

 

Năm 1958 nhạc sĩ Phạm Tuyên rời Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới ở Đài Tiếng nói Việt Nam, bắt đầu quãng thời gian không bao giờ rời xa Thủ đô. Người ta vẫn nhắc đến ông như “người chép sử bằng âm nhạc”, ở mỗi thời điểm, khoảnh khắc lịch sử ông lại có những bài ca bất hủ, sống mài cùng thời gian. Và những tác phẩm ấy luôn có Hà Nội chứng kiến, chỉ có ở Hà Nội, vào những thời khắc thiêng liêng.

 

Tháng 12 năm 1972, Hà Nội bước vào 12 ngày đêm khói lửa. Đa phần người dân đã đi sơ tán tới các vùng nông thôn lân cận, chỉ những ai có nhiệm vụ quan trọng thực sự mới trụ lại thành phố trực chiến. Nhạc sĩ Phạm Tuyên, một nhà báo dùng âm nhạc làm vũ khí, đã ở lại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam 58 phố Quán Sứ, để duy trì làn sóng phát thanh trong những ngày khó khăn ấy. Vợ và con gái út đi sơ tán về Hưng Yên cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, con gái lớn cùng trường cấp 3 Đoàn Kết thì về Quốc Oai, căn nhà trong khu tập thể Đài TNVN 126 Đại La tạm khóa cửa để đẩy. Đêm đêm, trong hầm trú ẩn ở cơ quan ông lặng lẽ hoàn thành các công việc cho sóng phát thanh và manh nha ý tưởng những sáng tác của mình. Để bày tỏ tình cảm khi phải xa cách vợ con cũng như rất nhiều người dân Hà Nội đang nơi sơ tán, lòng vẫn hướng về Thủ đô, ông đã viết một ca khúc trữ tình thật da diết, lắng sâu “Hà Nội những đêm không ngủ”. Một tiếng lòng tự sự giữa những ngày gian khó của Hà Nội, nhưng vẫn đầy lạc quan, tin rằng Hà Nội sẽ chiến thắng. Và quả thật sau 12 ngày đêm quật cường, quân và dân Hà Nội đã làm nên trận Điện Biên Phủ trên không vang dội, mở ra thời kỳ hòa bình cho Thủ đô. Ở thời điểm lịch sử ấy nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có ngay khúc tráng ca “Hà Nội - Điện biên phủ", bài hát đầy tự hào, vang lên đanh thép như một lời tuyên ngôn với thế giới rằng Thủ đô Hà Nội luôn đứng vững bất chấp mọi thử thách dù khùng khiếp đến thế nào. Cụm từ “Hà Nội - Điện Biên Phủ" lần đầu xuất hiện trong bài hát của ông đã trở thành tên gọi của chiến thắng, làm rúng động cả thế giới, có tính chất quyết định đến tiến trình trên bàn đàm phán hiệp định Paris. Nhưng ít người biết rằng căn nhà nhỏ của gia đình nhạc sĩ đã bị bom Mỹ phá tan trong chính cuộc không chiến ấy, ngôi nhà có cửa sổ màu xanh cùng mảnh vườn xinh xăn với biết bao kỷ niệm của ông cùng vợ con. Nén nỗi đau thương cá nhân, ông dồn tâm huyết để viết nên bàn anh hùng ca rực lửa, ca ngợi Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

 

Hòa bình lập lại, sau một thời gian ở tạm tại khuôn viên Đài TNVN 58 Quán Sứ, gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển về Khương Thượng, khu lắp ghép đầu tiên của Hà Nội. Ngày ấy, được ở trong những khu nhà cao tầng, căn hộ có bếp và khu vệ sinh khép kín quả thật là một niềm vui lớn với nhiều người. Chính tại nơi đây, hàng xóm đa phần là trí thức, công nhân viên chức, tình nghĩa hàng xóm đầm ấm, mọi người quan tâm lẫn nhau tuy hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình đã có những năm tháng đáng nhớ, sức sáng tạo nghệ thuật của ông gắn với cuộc sống ở Thủ đô được ghi nhận qua nhiều ca khúc đi cùng năm tháng.

 

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, dõi theo đoàn quân tiến về Sài Gòn, dự cảm về ngày toàn thắng đang đến gần, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã bật lên tiếng reo vui dâng trào trong ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng". Nơi sáng tác ra những dòng nhạc bất hủ ấy chính là hành lang tầng 3 nhà A5 Khương Thượng, lúc đêm khuya, nhạc sĩ ra ngoài căn hộ để khỏi ảnh hưởng tới giấc ngủ của vợ con. Và 4 năm sau, tháng 2 năm 1979, một ca khúc khác, như lời hịch kêu gọi toàn dân, vang vọng núi sông “Chiến đấu vì độc lập tự do" với câu mở đầu: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" cũng đã ra đời từ căn gác ấy.

 

Người dân khu tập thể Khương Thượng rất tự hào vì có người nhạc sĩ của nhân dân sinh sống ở đây, họ thích thú khi bất chợt nghe thấy tiếng đàn của ông vang lên, họ chào hỏi, nói chuyện vui vẻ khi gặp ông đang xếp hàng mua gạo, họ sẵn sàng giúp ông khi thấy ông xách nước từ vòi nước công cộng lên tầng 3, có người chỉ cần nghe tiếng “pạch pạch” cũng biết là ông đi xe máy về.... Những người hàng xóm tốt bụng nhiều khi cũng tạo cảm xúc để nhạc sĩ viết ra các bài hát có tính phổ cập cao trong quần chúng.

 

Thời gian dần trôi... Sau bao năm cống hiến cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Văn hóa Thông tin, đã đến lúc ông về nghỉ hưu theo chế độ của nhà nước. Nhưng công việc sáng tạo thì đâu có tuổi hưu, ông vẫn tiếp tục cho ra đời nhiều bài hát, vẫn đi nhiều nơi trên đất nước để có thêm nguồn cảm xúc. Vào một ngày năm 1995, người nhạc sĩ 65 tuổi túc tắc điều khiển chiếc xe Cub 82-89 đến dự Đại hội Hội Âm nhạc Hà Nội tại 19 Hàng Buồm với tâm thể dự khán cho vui. Tại đây, các nhạc sĩ đủ mọi lứa tuổi rất phần khởi khi được gặp ông, ông thì mim cười hiền lành lắng nghe ý kiến của mọi người. Và điều bất ngờ đã xảy ra. Cả Đại hội nhất trí cao bầu ông làm Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội với mong muốn ông sẽ đưa Hội thành một tổ chức mạnh, thu hút và tập hợp các nhạc sĩ có nhiều ảnh hưởng, nâng âm nhạc Thủ đô lên một tầm cao mới. Ông ngỡ ngàng và xúc động vì các đồng nghiệp yêu quý, tin tưởng mình và ở tuổi tưởng như xẻ chiều ông lại tiếp tục bước trên con đường mới. Bằng uy tín, bằng đức độ, ông đã làm Chủ tịch 3 nhiệm kỳ liền (1995-2000), Hội Âm nhạc Hà Nội trở thành ngôi nhà thân yêu của các nhạc sĩ với rất nhiều sự kiện ý nghĩa như các chương trình thường niên “Tình yêu Hà Nội" tôn vinh tác giả, tác phẩm sống mãi cùng Thủ đô, các hoạt động kết nghĩa với Hội Âm nhạc TPHCM, Huế và nhiều địa phương cả nước. Dù tuổi đã cao, sức không còn như trước, nhưng làm được gì cho Hà Nội, nơi ông sinh ra và gắn bó cả đời người, ông chẳng nề hà, dốc hết tâm huyết.

 

Năm 2011, đúng dịp 10 tháng 10 Ông được trao danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô. Tại buổi lễ ông hài hước phát biểu: “Cả đời tôi đã là Công dân Thủ đô, cuối đời được thêm hai chữ “tưu tú!" Tình yêu Hà Nội từ thuở lọt lòng đến tuổi xưa nay hiểm thật thấm đẫm qua những câu trong một bài hát ông dành tặng thiếu nhi Thủ đô, mỗi lần nghe vẫn luôn xúc động trào dâng:

 

“Đi nơi đâu ta vẫn nhớ tới chốn đây

Sông Hồng nặng phù sa cuồn cuộn sóng

Cây xum xuê bên làn nước biếc xanh

Sáng ánh sao bên hồ Gươm soi bóng....."

(Hát dưới trời Hà Nội - 1977)

 

(Nguồn: https://nhacsiphamtuyen.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều