Làn gió mới cho âm nhạc truyền thống

07:00 AM, Thứ tư, 21/08/2024
831

Tác giả: Huệ Hương

 

Thời gian qua, nhiều nhạc sĩ trẻ đã khéo léo kết hợp những yếu tố hiện đại vào âm nhạc truyền thống. Việc này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà còn đưa âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế.

 

anhbaitren(1).jpg
Cao Bá Hưng, Hoàng Sỹ Lam, Phương Mỹ Chi - những nghệ sĩ trẻ thành công khi kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại.

 

Cá tính âm nhạc độc đáo

 

Từ những làn điệu dân ca ngọt ngào, du dương đến những khúc nhạc cung đình uy nghiêm, tráng lệ, âm nhạc truyền thống Việt Nam là một kho tàng văn hóa vô giá. Chứa đựng trong đó những câu chuyện, những tâm hồn và những giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc, âm nhạc truyền thống đã đồng hành cùng người Việt qua bao thế hệ. Tiếp nối tinh hoa âm nhạc truyền thống, các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc trẻ đã và đang mạnh dạn kết hợp văn hóa, nghệ thuật truyền thống với âm nhạc hiện đại, tạo ra một dòng chảy mới mẻ và đầy sáng tạo.

 

Sự khác biệt về thời đại đã tạo nên nhiều góc nhìn về âm nhạc truyền thống. Từ đó, những người trẻ đã khéo léo kết hợp những giá trị văn hóa dân tộc với những yếu tố đương đại, tạo nên những bản phối vừa quen thuộc vừa mới lạ.

 

Theo Cao Bá Hưng - Quán quân chương trình “Bài hát hay nhất” mùa 1 - 2016, ca từ và bản phối chính là yếu tố cốt lõi để tạo nên sự hấp dẫn cho âm nhạc truyền thống trong bối cảnh hiện đại. “Những làn điệu cổ của Việt Nam rất hay và lôi cuốn. Nếu có thể kết hợp với ca từ trẻ trung và bản phối hiện đại, tôi tin rằng ngày càng nhiều người sẽ yêu thích âm nhạc truyền thống” - Cao Bá Hưng chia sẻ.

 

Bên cạnh những thành công của các tên tuổi như Phương Mỹ Chi hay Hoàng Thùy Linh, sự xuất hiện của một thế hệ nghệ sĩ tài năng đã mang đến làn gió mới cho âm nhạc truyền thống. Có thể kể đến những cái tên như Sèn Hoàng Mỹ Lam với “Mời anh về Tây Bắc” mang đậm âm hưởng Tây Bắc, Diệu Kiên với “Thuyền Quyên” đầy cảm xúc, hay “Tương tư” sâu lắng của Cao Bá Hưng...

 

Thậm chí, các rapper trẻ cũng không ngại thử sức với âm nhạc truyền thống, như Pháo, Sterry và Tez đã tạo nên một “Trúc xinh” độc đáo với sự kết hợp giữa dân ca Bắc Bộ và rap, hay Quân A.P đã mang đến một bản phối mới lạ cho “Giao duyên” và “Ngồi tựa mạn thuyền”.

 

Tạo cơ hội cho người trẻ

 

Các nghệ sĩ trẻ, với sự hỗ trợ của các công cụ sáng tác hiện đại và tư duy sáng tạo cởi mở, đã thể hiện những giai điệu quen thuộc theo cách riêng của họ, mang đậm tinh thần trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Những sản phẩm âm nhạc này đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả trẻ; mở ra cơ hội để các nghệ sĩ trẻ học hỏi và hợp tác với các nghệ sĩ gạo cội - những người có kiến thức sâu rộng về giá trị văn hóa truyền thống.

 

Điển hình như sự kết hợp của NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven đã mang đến một bản phối “Trống cơm” rất trẻ trung nhưng vẫn giữ được tinh thần dân tộc, với phần solo đàn bầu của Soobin đặc biệt ấn tượng. MV “Rực rỡ Việt Nam” với hình ảnh trung tâm là cây tre, được thể hiện bởi NSND Bạch Tuyết và nhóm nghệ sĩ trẻ (Orange x Mew Amazing x Jaysonlei), cũng tạo ra một sự giao thoa độc đáo giữa các thế hệ nghệ sĩ.

 

Nghệ sĩ Hà Lê, người đứng sau dự án Trịnh Contemporary cho rằng, việc làm mới âm nhạc truyền thống đóng vai trò như một cây cầu kết nối các thế hệ và thời đại. Anh nhấn mạnh rằng làm mới không thể thay thế giá trị gốc mà chỉ có thể làm phong phú thêm cho nó.

 

Hài hòa truyền thống và hiện đại

 

Việc nghệ sĩ trẻ “làm mới” các tác phẩm truyền thống đã thu hút nhiều sự quan tâm từ công chúng. Bên cạnh những ý kiến đánh giá cao sự sáng tạo, cũng có những lo ngại rằng việc làm mới có thể làm mất đi giá trị vốn có của tác phẩm.

 

Về vấn đề này, nghệ sĩ Hà Lê cho rằng, mỗi tác phẩm khi ra đời đều mang trong mình nhiều giá trị, không chỉ là câu chuyện cá nhân của tác giả mà còn là giá trị của thời đại, của văn hóa thời kỳ đó. Giá trị của tác phẩm chỉ có thể bị sai lệch khi người nghệ sĩ làm mới chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nó.

 

Còn nghệ sĩ trẻ Cao Bá Hưng thì cho rằng, cái khó không phải là sáng tạo, mà là sáng tạo làm sao vẫn tôn trọng, dựa trên các giá trị nền tảng vốn có của tác phẩm truyền thống. Anh cho rằng, việc kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong sáng tác chính là thử thách lớn nhất, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ trẻ. Điều này giúp di sản được tiếp nối và phát triển.

 

Để cân bằng những mâu thuẫn này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho rằng cần có sự định hướng rõ ràng từ các cơ quan quản lý và các chuyên gia văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, cũng như các chuyên gia pháp lý về bản quyền và sở hữu trí tuệ. Sự định hướng này có thể được cụ thể hóa thông qua các quy định chung, các đợt tập huấn, hoặc các sản phẩm truyền thông nhằm lan tỏa kiến thức đến giới sáng tạo âm nhạc.

 

“Điều này sẽ giúp các nghệ sĩ trẻ sẽ ý thức hơn về việc bảo vệ bản quyền, từ đó tạo ra một môi trường sáng tạo lành mạnh, tôn trọng giá trị trí tuệ. Ở đó, họ có thể tạo ra những sản phẩm mới mẻ, độc đáo mà vẫn giữ gìn được bản sắc truyền thống. Và quan trọng hơn là có thể tránh được việc vô tình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ cũng như xâm phạm quyền tác giả” - nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ.

 

Hiện trong khu vực phố cổ Hà Nội, không ít di tích đã trở thành điểm đến quen thuộc với những người yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam, như Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) từng là nơi biểu diễn của Câu lạc bộ ca trù Thăng Long; Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ) duy trì sân khấu biểu diễn “Chuyện nhạc phố cổ”; di tích đền Vua Lê là điểm biểu diễn thường xuyên của nhóm Xẩm Hà Thành…

 

(Nguồn: https://daidoanket.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều