Ngày 6-9, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật đã tổ chức toạ đàm với chủ đề Lý luận phê bình văn học nghệ thuật từ đổi mới (1986) đến nay – vấn đề đặt ra cần giải quyết tại trụ sở của Liên hiệp hội (quận 3, TP.HCM).
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội âm nhạc TP.HCM, trong lĩnh vực âm nhạc, bên cạnh nhiều yếu tố thì nguồn nhân lực trẻ không mặn mà về ngành này vì không nuôi sống được bản thân.
Đồng thời, các nhà lý luận phê bình cũng không viết bài trên báo chí hay các diễn đàn vì viết không ai đọc, không ai nghe. Thậm chí chỉ cần đi ngược đám đông là sẽ bị ăn chửi, ném đá…
Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm chỉ ra trường hợp gần đây nhất về lĩnh vực âm nhạc đang được quan tâm là việc cải tiến đàn tranh.
Theo đó, một người đã cải tiến đàn tranh từ truyền thống (16-17 dây) thành đàn tranh 40 dây và nó có 2 dàn dây, một bên là theo tiếng piano một bên là theo cổ truyền.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một cây đàn có sự kết nối của hai cây đàn như trái chuối sinh đôi là "quái thai", "không được đẹp" thế là ngay lập tức bị ném đá.
Có khi chỉ một câu phê bình là một nhân vật nào đó hát chưa ổn dù người nói rất có uy tín cũng bị chửi bới.
"Vì vậy những người làm nghiên cứu như chúng tôi chỉ còn biết thu về viết, nói ở những tạp chí chuyên ngành" - PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm bày tỏ.
Ở lĩnh vực sân khấu, đạo diễn Thanh Hiệp cũng chỉ ra hiện tại không có lớp chuyên về lý luận phê bình tại Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
"Hầu như những người làm báo chí ở lĩnh vực văn hoá - văn nghệ ở những trang báo sẽ làm luôn công việc này. Trên các phương tiện báo chí hiện nay, đất để dành cho lý luận phê bình rất ít, thậm chí những người làm báo không được viết dài, nói nhiều… mà chỉ gói gọn trong bài viết giới thiệu... vì không có đất" – đạo diễn Thanh Hiệp nói.
Nói về những giải pháp cho người làm công tác lý luận phê bình hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đề nghị cần mở rộng đào tạo thay vì chỉ bó buộc trong các trường mang tính chuyên ngành, tạo môi trường cho những người làm lý luận phê bình…
(Nguồn: https://plo.vn/)