Tác giả: Minh Khuê
"Có lẽ tôi tiếc nhất là xã Hòa Xá, quê hương của chiếc gậy Trường Sơn. Nó không chỉ là cái tên mà đằng sau còn là văn hóa, là bản sắc, là niềm tự hào của mỗi người con quê hương ấy" - nhạc sĩ Đoàn Bổng chia sẻ với PV Dân Việt.
Trong sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Bổng, người ta luôn thấy hiện hữu hình ảnh quê hương với những dòng sông đỏ nặng phù sa, những chàng trai, cô gái dạt dào tình yêu đôi lứa. Những ca khúc như: "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" (thơ Lai Vu); "Về Hà Tây đi em"… là tiêu biểu cho nhận định này.
Nhân dịp nhạc sĩ vừa được Đảng, Nhà nước phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
Xin chúc mừng nhạc sĩ nhận được phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Nghe nói trước đó ông đã 3 lần được đề xuất mà vẫn bị… trượt?
- Đúng vậy. 3 lần trước tôi được hội đồng cơ sở đưa lên nhưng cuối cùng đều bị đánh trượt. Điều đó cũng chẳng làm tôi buồn, vì với người nhạc sĩ, việc ca khúc của mình sống được trong lòng công chúng mới là điều quan trọng. Có lần, tôi đến một bản làng nơi núi rừng xa xôi, vẫn thấy bà con nông dân hát bài "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" của tôi.
Rồi có đợt tôi cùng đoàn nhạc sĩ đi đến một tỉnh khá xa Thủ đô Hà Nội, giới thiệu nhạc sĩ Đoàn Bổng thì người ta không biết nhưng khi nói tác giả của "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em", "Về Hà Tây đi em", "Hà Nội những kỷ niệm trong tôi"… thì mọi người đều ồ lên, tiến đến bắt tay, trò chuyện thân mật.
Tôi sinh năm 1943, vậy là khi nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật (năm 2023- PV), tôi đã tròn 80 tuổi. Có người gặp tôi bảo: "Sao tuổi cao thế, bác mới nhận được Giải thưởng Nhà nước", thậm chí có người còn bảo: "Em tưởng bác được Giải thưởng Hồ Chí Minh rồi cơ chứ!".
Thú thật là Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật của tôi vừa qua là giải thưởng duy nhất mà tôi nhận được trong đời sáng tác thì phải. Tôi hầu như không tham gia cuộc thi, cũng không tìm cách truyền bá tác phẩm của mình như những nhạc sĩ khác, tất cả chỉ là "hữu xạ tự nhiên hương" mà thôi.
Dường như trong những sáng tác của ông, người ta luôn thấy hình ảnh của những miền quê hiện lên thật đẹp, thật hiền hòa, thơ mộng. Ông phải là người yêu và hiểu các miền quê lắm?
- Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hồng ở huyện Thường Tín (Hà Nội). Tuổi thơ tôi gắn bó với dòng sông, với cánh đồng, với các trò chơi dân gian vui nhộn. Năm lên 8 tuổi, tôi chuyển lên sống cùng gia đình trên phố Bạch Mai (Hà Nội). Tất nhiên quê tôi với trung tâm Hà Nội không xa nên tôi về quê thường xuyên.
Tôi yêu quê tôi cũng như yêu các miền quê ở Đồng bằng Bắc Bộ. Làm sao tôi có thể quên được hình ảnh của cây đa, bến nước, sân đình, hình ảnh của những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng vẫn rộn vang tiếng hát.
Có điều mà nhiều người chưa biết là trước khi vào học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), tôi từng làm việc cho một xí nghiệp thủy nông. Sông nước ở miền quê luôn ám ảnh, khắc khoải tôi. Đứng trước những dòng sông, tôi thấy có nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo.
Tôi nghĩ, mỗi dòng sông luôn là "linh hồn" ở các miền quê. Bởi thế, trong những ca khúc của tôi, những dòng sông được tôi đưa vào một cách uyển chuyển, tha thiết, tiêu biểu có "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em".
Ngay trong ca khúc nổi tiếng này, hình ảnh của những chàng trai, cô gái nông thôn hiện lên cũng thật thắm đượm, sinh động. Cô gái được tôi ví như dòng sông Đáy hiền hòa, thơ mộng, còn chàng trai được tôi ví như dòng sông Đà dữ dội, thác ghềnh. Họ yêu nhau và cùng hẹn ước xây dựng quê hương nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ca khúc "Dòng sông quê em dòng sông quê anh" của nhạc sĩ Đoàn Bổng do hai ca sĩ Anh Thơ, Việt Hoàn thể hiện. (Clip: Thăng Long Audio).
Dù sống ở Thủ đô mấy chục năm nhưng lúc nào cũng thấy ông chân chất, bình dị như người nông dân gắn bó với cái cày, cái cuốc vậy?
- Tôi là người nông dân chính hiệu mà (cười). Sống ở phố là thể xác thôi, còn tâm hồn tôi luôn hướng về quê hương Thường Tín của mình. Tôi quan niệm, nhạc sĩ thì phải luôn chan hòa, gần gũi, cởi mở để có thêm nhiều bạn bè. Chẳng thế mà nhiều người còn ví nhà tôi như một trụ sở của Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ.
Ngày ngày, tôi luôn rộng cửa đón các nhạc sĩ đến trò chuyện, tâm tình. Có người mới sáng tác nhạc thì đến nhờ góp ý vài nốt nhạc. Có người đến nhờ phổ cho bài thơ mà anh ta tâm đắc. Có em sinh viên thanh nhạc nhờ giảng giải ý nghĩa bài hát của tôi để hát có hồn hơn. Nói chung là nhạc sĩ cứ phải vui vẻ, nhiệt thành, giúp được ai cái gì thì tôi cố gắng giúp.
Sau khi thành công với những ca khúc "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em", "Về Hà Tây đi em", "Hát về Người", "Hà Nội những kỷ niệm trong tôi"…, có khi nào trong ông có tâm lý ngại, sợ khi không thể viết được ca khúc hay hơn?
- Nói chung là âm nhạc thì rất khó nói. Cái thứ nhất phải là cảm xúc, nhưng yếu tố cũng quan trọng không kém chính là kiến thức nền, là sự hiểu biết sâu sắc về âm nhạc. Ngoài đời tôi là người vui tính, dễ gần nhưng trong âm nhạc tôi là người khá khắt khe. Khi tôi sáng tác ca khúc nào, tôi cũng luôn vận dụng hết khả năng, sự hiểu biết và cả tâm huyết, trách nhiệm của mình vào trong đó. Không bao giờ tôi sáng tác một cách qua quýt, gọi là cho có, rồi lấy tiền của các đơn vị.
Trong những đơn vị đặt hàng, có những người ở cấp xã, cấp thôn. Họ nói muốn có một bài hát truyền thống để khi dự hội nghị hay đi đâu đó hát cho tự hào. Trong những sáng tác ấy, tôi luôn lấy người nông dân làm chủ thể. Họ cấy, họ cày, họ hát, họ ca – tất cả những sinh hoạt đời thường của họ đã tạo nên bản sắc của các miền quê.
Hà Nội đang tiến hành sáp nhập một số phường, xã trong đó có sáp nhập một số xã của Hà Tây cũ. Là người Hà Tây, ông có suy nghĩ gì khi các xã đã gắn bó lâu đời với văn hóa xứ Đoài, xứ Sơn Nam Thượng bị thay thế?
- Vừa rồi, tôi đọc báo thấy nhiều tờ đào sâu về vấn đề này, trong đó Báo điện tử Dân Việt có lẽ là tờ báo đi sâu và có nhiều tuyến bài nhất. Tôi đọc rất kỹ những bài báo đó thì thấy lãnh đạo xã có cái lý của lãnh đạo xã, người dân có cái lý của người dân. Là người nhạc sĩ, là người con của Hà Tây, tôi đón nhận thông tin sáp nhập một số xã trong nỗi buồn và sự tiếc nuối.
Đâu đâu trên các làng, xã Hà Tây cũng đều có dấu chân của tôi. Nó gắn bó máu thịt với tôi và cũng mang cho tôi rất nhiều cảm xúc để viết những ca khúc mang dáng dấp nông thôn Việt Nam. Trong đó, có lẽ tiếc nhất là xã Hòa Xá, quê hương của chiếc gậy Trường Sơn. Nó không chỉ là cái tên mà đằng sau còn là văn hóa, là bản sắc, là niềm tự hào của mỗi người con quê hương ấy.
Có những địa danh đi vào các sáng tác âm nhạc, giờ đổi tên rồi thì hát thế nào đây (!?).
Trong những bản tình ca của ông, tình yêu nam nữ hiện lên rất đẹp, sáng trong, da diết. Nhiều người đang tò mò không biết tình yêu của ông và bà xã thế nào?
- Tôi và bà xã biết nhau qua một người quen giới thiệu. Tôi nhớ buổi gặp đầu tiên, chúng tôi cùng đi ăn kem ở quán kem Bốn Mùa. Tình yêu ngày xưa hay lắm, chẳng ai nói với ai câu nào nhưng cũng ngầm hiểu là có tình cảm với nhau.
Thế rồi, tình yêu nảy nở thì tôi nhận nhiệm vụ ở Đài Phát thanh Giải phóng. Tôi chia tay cô bạn gái để vào Nam công tác, còn cô ấy ở Hà Nội dạy học. Suốt 7 tháng (từ tháng 12/1975 đến tháng 6/1976), chúng tôi liên lạc với nhau qua những bức thư tay. Tháng 10/1976, tôi kết hôn, khi ấy tôi đang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam.
Suốt gần nửa thế kỷ qua, cuộc sống vợ chồng trải qua rất nhiều vất vả, gian truân nhưng tiếng cười chưa bao giờ tắt trong mái ấm. Khi tôi viết "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" (năm 1978 -PV), chúng tôi còn phải ở trong một nhà tập thể chưa đến 10 mét vuông.
Bà xã tôi vốn là giáo viên mầm non nhưng lại người rất có khiếu âm nhạc, đôi tai cảm nhạc rất tốt. Những tác phẩm của tôi đều được bà ấy nghe đầu tiên. Giờ đây có những sáng tác của mình, tôi còn không nhớ thì bà ấy vẫn nhớ vanh vách. Bà ấy như "thư viện" của tôi vậy.
Còn những bóng hồng trong ca khúc của tôi nhiều khi chỉ là tưởng tượng. Tôi quan niệm, năm tháng qua đi chỉ là tuổi của thời gian chứ không phải tuổi của tâm hồn. Ở tuổi 81 nhưng tôi vẫn dạt dào cảm xúc, ra đường gặp một cô gái xinh đẹp vẫn rung động và ra được nét nhạc.
Nhiều văn nghệ sĩ thường kháo nhau là hay được ông tặng những chiếc card visit trong đó có in những câu thơ vui của ông. Chuyện này thực hư là thế nào, thưa nhạc sĩ?
- Đúng là tôi có thói quen như vậy, bởi tôi thích mang lại cho người khác niềm vui. Có người bạn nói với tôi, nhờ mấy câu thơ anh tặng em trong card visit mà em tán đổ cô bạn gái. Có người bạn lại nói, nhờ mấy câu thơ của anh mà vợ em vui cả ngày.
Thậm chí, lãnh đạo của một thành phố (trực thuộc tỉnh) còn xin phép tôi đưa câu: "Thầy cô cho chữ ngày ngày/ Bạn ơi! Chớ phụ công thầy, công cô" để treo lên các trường trên địa bàn thành phố.
Thơ của tôi thường rất ngắn, thậm chí có bài thơ chỉ có 2 câu nhưng khi đọc lên lại vừa đủ ý như để răn dạy, định hướng, chê bai, chế giễu con người một điều gì đó.
Tôi không thích làm những bài thơ dài, những bài trường ca, bởi tôi nghĩ rằng, thơ thì nói ít nhưng hiểu nhiều. Thời buổi này, người ta rất ngại đọc. Nếu chỉ 2 câu mà khi đọc lên người ta hiểu luôn một vấn đề thì tại sao mình không tiếp tục làm.
Vừa sáng tác nhạc, vừa làm thơ, hẳn ông có nhiều dự định trong thời gian tới?
- Nói thật là tôi chẳng có dự định gì cả. Nghệ thuật đến một cách bất chợt. Có thể ngồi nói chuyện với bạn thế này nhưng nếu như có ý thơ nào "rơi" vào đầu là có bài hát ngay. Cuộc đời của nhạc sĩ – nhà thơ là như vậy đó!
Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!
(Nguồn: https://danviet.vn/)