Tác giả: Lê Hồng Thiện
Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sĩ nhạc đỏ thành công với chất liệu dân ca. Những sáng tác của ông được chắt chiu và nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài, nhiều sáng tác đã sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của nhiều vùng miền: “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Mẹ yêu con”…
Đặc biệt, Nguyễn Văn Tý cũng là nhạc sĩ có nhiều sáng tác “ngành ca”: “Cô đi nuôi dạy trẻ”, “Bài ca năm tấn”. Dù sáng tác không nhiều, tuy nhiên những sáng tác của ông lại được đông đảo công chúng mến mộ…
1. Trong số hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nguyễn Văn Tý là người có nhiều sáng tác về Hưng Yên nhất dù ông không phải người Hưng Yên hay có “dây mơ, rễ má” với ai ở xứ sở này.
Từ năm 1961 đến năm 1967, Nguyễn Văn Tý đi thực tế dài hạn ở Hưng Yên. Ngày ấy, Hưng Yên là tỉnh nói như nhà thơ Xuân Diệu là “hạn hán đến nỗi con đỉa nằm vắt ngang rãnh cày mà chết khô”. Vậy mà Nguyễn Văn Tý đã sống sáu năm ở đây, đồng cam, cộng khổ với nông dân để viết hàng chục nhạc phẩm mang tính kịp thời, lại có giá trị nghệ thuật, bám sát phong trào xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, thủy lợi hóa, hợp tác xã tín dụng, phong trào ba sẵn sàng… Trong đó phải kể đến những bài: “Bài ca năm tấn”, “Bài ca cô gái chăn nuôi”, “Bài ca khoai nước, dong giềng”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, “Em đi làm tín dụng”, “Bài ca cô nuôi dạy trẻ”, “Ngợi ca người phụ nữ Việt Nam”, “Tiễn anh lên đường”.
Năm ấy Nguyễn Văn Tý biệt phái về biên chế ở Phòng Văn nghệ, Ty Văn hóa Hưng Yên, cạnh hồ Bán Nguyệt, thành phố Hưng Yên ngày nay. Ban ngày ông xuống cơ sở tìm hiểu thực tế, tối về từ 10h đến 2-3h sáng ông lại ngồi vào bàn sáng tác với chiếc đàn ghi ta thô sơ, còn chiếc dương cầm thì ông để lại nhà 96 Phố Huế – Hà Nội.
Hôm sau, Nguyễn Văn Tý đề nghị với đồng chí Hoàng Trị – Phó Ty Văn hóa phụ trách văn nghệ xin sang ở tạm khu văn công tỉnh vào buổi tối. Sau này tôi mới biết bài hát mà Nguyễn Văn Tý sáng tác lặng thầm trong đêm ấy là bài “Múa hát mừng chiến công”, bài hát rất vui, náo nức, rộn ràng, tiết tấu cho cả múa: “Cả nước đang tưng bừng mừng chiến công lẫy lừng miền Bắc. Cả nước ta vui mừng mừng chiến công hôm nay. Ta bắn tan xác một ngàn máy bay Mỹ điên cuồng. Ta giữ cho trong sáng cả bầu trời quê hương mến thương…”.
Bài hát “Múa hát mừng chiến công” ra đời sau sự kiện quân và dân xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ bắn rơi chiếc máy bay F4 của giặc Mỹ vào ngày 1/8/1966. Đêm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thức gần trắng đêm hoàn thành bài hát này rồi mới đi ngủ. Nhưng ông không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để kịp mang bài hát về Hà Nội. 4 giờ sáng 2/8/1966, Nguyễn Văn Tý ra bến xe ô tô Hưng Yên, nhưng tuyến xe Hưng Yên – Hà Nội 5 giờ mới chạy. Sốt ruột, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lững thững bước ra đường. Thật may, một chiếc xe tải quân sự đi từ hướng bến phà Triều Dương (Thái Bình) đi lên. Nguyễn Văn Tý liền đứng ra giữa đường giơ tay vẫy. Chưa hiểu thế nào, anh lái xe dừng lại, quát:
– Ông muốn chết à?
– Báo cáo chú, anh có việc cần, cho anh đi nhờ gấp!
Vừa nói, nhạc sĩ vừa đưa giấy tờ tùy thân để anh bộ đội xem. Biết Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ, anh em bộ đội kia vui vẻ mời nhạc sĩ lên xe. Đến gần Cầu Chui, xe tải quân sự rẽ hướng đi Bắc Ninh, còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thuê xích lô đi về 58 Quán Sứ – Hà Nội để kịp đưa bài hát cho Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Và đúng một tuần sau, ca khúc “Múa hát mừng chiến công” được hát rộn rã trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam.
Gần 30 năm, nhạc bài hát này được dùng làm nhạc nền cho buổi phát thanh “Khắp nơi ca hát” vào buổi sáng chủ nhật hàng tuần của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cũng trong thời kỳ này, tỉnh Hưng Yên phát triển việc trồng cây đay lấy tơ xuất khẩu. Biết tin có một nhạc sĩ trên Trung ương đi thực tế tại địa phương, ông Lê Quý Quỳnh, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ty Văn hóa mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sang gặp ông. Trong buổi gặp gỡ thân mật ấy, Bí thư Tỉnh ủy nói rất kỹ về chủ trương trồng cây công nghiệp, cây đay, về thủy lợi hóa của tỉnh trước mắt và lâu dài. Nhạc sĩ chăm chú nghe, thỉnh thoảng trao đổi lại, vẻ rất hứng thú. Về sau nhạc sĩ tâm sự với tôi: “Ngay lúc ấy ý tưởng sáng tác một ca khúc về chủ đề đó đã lóe lên trong anh”.
Sáng hôm sau, tôi dẫn nhạc sĩ ra thăm cánh đồng đay bát ngát một màu xanh của làng tôi ven sông Hồng. Anh vừa đi vừa mải mê nhìn quanh, miệng lẩm bẩm…
Buổi tối hôm ấy, tôi xuống chơi khu văn công tỉnh (nay là Khách sạn Hưng Thái, đường Trưng Trắc). Ngó vào phòng anh, qua ô cửa sổ thấy anh đang một mình ngồi cặm cụi viết. Chốc chốc anh gõ nhịp xuống mặt bàn, rồi lại đứng dậy đi đi lại lại, tay cầm phấn viết những dòng lời vào khuông nhạc trên bảng đen. Nhạc sĩ sáng tác say sưa, mê mải đến nỗi tôi dắt chiếc xe đạp cũ kỹ của mình kêu cùng cục quanh ngoài phòng mà anh cũng không hề biết, cả khi tôi dắt nó dựng vào vách tường, anh cũng không hay.
Hôm sau anh lên nhà tôi chơi, cho tôi xem bản nhạc với đầu đề “Chim hót trên cánh đồng đay”. Biết tôi không sành nhạc, anh lại tự hát cho tôi và em gái tôi cùng nghe. Thật bất ngờ là giọng anh không kém gì các ca sĩ (hồi ấy Nguyễn Văn Tý khoảng 40 tuổi) lại nhiệt tình, diễn cảm lên rất lôi cuốn và gây xúc động đặc biệt: “Ra đứng mà trông con sông Hồng đẹp/ Bãi cát bồi phù sa đang nối tiếp …“. Bãi cát bồi ven sông Hồng này là đoạn sông Hồng chảy ra hai tỉnh Hà Nam – Hưng Yên (bên kia là xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Phía dưới chân là cửa Luộc, thuộc địa phận Thái Bình.
Ít lâu sau bài hát in trong tập san Văn nghệ Hưng Yên số Tết 1962. Từ đó, bài hát đã đi vào đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh rồi nhanh chóng phổ biến rộng rãi không chỉ trong tỉnh mà ở cả các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Tây… Đâu trồng đay, làm đay thì ở đó lời ca “Chim hót trên cánh đồng đay” lại vang ngân.
2. Năm 1998, sau một năm tái lập tỉnh Hưng Yên, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hưng Yên mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về giao lưu với khán, thính giả. Trong buổi giao lưu này, Nguyễn Văn Tý có kể về sự ra đời của bài hát “Bài ca năm tấn”. Bài hát này được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong ca khúc có một đôi chỗ nhắc tới địa danh Thái Bình khiến nhiều người cứ lầm tưởng ông viết ngay trên mảnh đất Thái Bình, hoặc đi thực tế ở Thái Bình rồi về Hà Nội ngồi viết. Nhưng hóa ra cảm xúc của “Bài ca năm tấn” ấy được ông thai nghén và cho ra đời ngay trên đất Hưng Yên.
Từ năm 1964 đến năm 1967 ông sống và làm việc ở Hưng Yên. Tuy biên chế ở Ty Văn hóa Hưng Yên, nhưng ông luôn luôn có mặt dưới các hợp tác xã để dạy hát cho các đội văn nghệ và tìm hiểu phong trào xây dựng HTX nông nghiệp. Năm 1965, ông đang xuống HTX Trai Trang (huyện Yên Mỹ) nơi năng suất lúa đạt hơn 4 tấn/ha, đứng vào hạng nhất tỉnh Hưng Yên. Trong khi đó Trung ương đang phát động sản lượng lúa các HTX toàn miền Bắc phấn đấu đạt 5 tấn/ha. Thế là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác ca khúc “Bài ca năm tấn”. Trong bài hát có câu: “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ/ Ruộng đất Hưng Yên không muốn nghỉ một ngày“.
Khi gửi bài hát đến Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hưng Yên duyệt, nghe xong, ông Tuấn Doanh (lúc đó là Trưởng ban Tuyên huấn) liền nói: “Nội dung bài hát thì rất hay. Nhưng nó lại không thật, không thật ở chỗ tỉnh mình chưa đạt năm tấn, mà đồng chí viết đạt năm tấn là họ cười cho. Chỉ có tỉnh Thái Bình đạt năm tấn thôi”.
Nghe vậy, Nguyễn Văn Tý hỏi:
– Thưa anh, bây giờ nên thế nào? Bỏ bài hát này đi?
– Không. Cậu chẳng cần phải bỏ cả bài đâu, chỉ thay hai chữ thôi: “Chữ Hưng Yên thành chữ Quê ta” thì được cả cho Thái Bình, được cả cho Hưng Yên, vì đâu mà chả quê ta? Lại vẫn giữ được vần bằng.
Nguyễn Văn Tý mừng quá, mấy ngón tay khẽ khẽ gõ nhịp xuống bàn, hát lại: “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ/ Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày“.
Vậy là từ khi bài hát ra đời cho đến nay đã hơn 50 năm, mọi người vẫn cho là bài hát này nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết ở Thái Bình, và viết riêng cho Thái Bình.
3. Sáu năm đi thực tế, sống và viết trên đất Hưng Yên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không chỉ chuyên về sáng tác ca khúc ca ngợi mảnh đất này, ông còn tham gia làm cán bộ phong trào, xuống các đội văn nghệ xã, huyện, nhà máy, cơ quan trực tiếp dạy múa, hát, bồi dưỡng cho các cây bút có năng khiếu nhạc và cán bộ phong trào ở đây. Ngoài ra, ông còn giúp đoàn văn công Hưng Yên, trực tiếp viết nhạc cho vở chèo “Đảo nổi” (ca ngợi Anh hùng lao động Phạm Thị Vách). Riêng bài hát “Trên cánh đồng đay” được chọn làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hưng Yên gần 10 năm.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1924, tại Tràng Thi, TP Vinh, Nghệ An. Quê gốc ở Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông mất ngày 26/12/2019 tại TP Hồ Chí Minh. Năm 18 tuổi ông đã có nhạc phẩm đầu tay “Dư âm” nổi tiếng. Cách mạng tháng Tám thành công, ông nhập ngũ, từng làm Trưởng đoàn văn công Sư đoàn 304. Năm 1954, về Hà Nội tham gia thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách Tập san Âm nhạc. Năm 2020, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
(Nguồn: https://antgct.cand.com.vn/)