Nhạc trưởng thực sự đóng vai trò gì?

06:13 AM, Chủ nhật, 30/06/2024
402

Tác giả: Nhóm Nhạc Cổ điển (tổng hợp)

 

Maestro (người nhạc trưởng tài năng) trên bục chỉ huy là một trong những hình tượng nổi tiếng nhất trong nhạc cổ điển - nhưng họ thực sự đã làm gì trên bục chỉ huy ấy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách các nhạc trưởng biến diễn giải tác phẩm của họ thành những giai điệu lộng lẫy.

 

Rất lâu trước Toscanini, Furtwangler hay Bernstein, chúng ta đã có Pherekydes ở Patrae (Patras, Hy Lạp ngày nay), được biết đến ở Hy Lạp cổ đại với danh hiệu "Người truyền nhịp điệu". Ghi chép từ năm 709 trước Công nguyên mô tả ông dẫn đầu một nhóm tám trăm nhạc công bằng cách dùng một cây trượng vàng “lên xuống theo các chuyển động bằng nhau” đánh nhịp để các nhạc công “bắt đầu cùng một lúc” và “tất cả có thể theo kịp nhau”.

 

Đặc điểm của người nhạc trưởng đã biến chuyển và thay đổi rất nhiều trong hàng nghìn năm qua nhưng bao quanh người nhạc trưởng vẫn luôn là một bầu không khí kỳ bí. Tại sao một người không gây ra tiếng động nào ngoài mấy tiếng lầm bầm, chỉ với một que gỗ, hoặc đôi khi chỉ là bàn tay của họ, lại có thể điều khiển âm thanh phát ra của hàng trăm người chơi nhạc cụ? Và làm thế nào mà những âm thanh phát ra từ “vũ điệu bí ẩn trên bục chỉ huy” này, như một nhà phê bình đã gọi, lại thỉnh thoảng đạt đến đỉnh cao, gợi lên một trải nghiệm nghệ thuật mà không ai nghe qua có thể quên được?

 

Như những bí ẩn nghệ thuật lớn nhất, chúng ta không thể nào nắm bắt được câu trả lời đầy đủ cho vấn đề đó. Hiểu một cách nôm na, chúng ta có thể nghĩ người chỉ huy nhạc trưởng giống như người quản lý đội bóng trong âm nhạc. Bạn không thể biết tường tận những gì họ làm – nhưng bạn sẽ hiểu điều đó khi chứng kiến. Mặc dù các dàn nhạc lớn có thể biểu diễn mà không cần nhạc trưởng, nhưng hầu hết đều chọn có một nhạc trưởng. Vậy chính xác thì họ làm gì? Dù hữu hình hay vô hình, có ý thức hay vô thức, đây là một số trong vô số điều họ làm trên bục giảng đó.

 

1. Đánh nhịp

 

Richard Wagner, một nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng xuất chúng, đã nói: "Toàn bộ nhiệm vụ của người nhạc trưởng được bao hàm trong khả năng luôn chỉ đúng nhịp điệu của ông". Theo cách chính thống, người nhạc trưởng dùng tay phải để cầm gậy chỉ huy (nếu có thể, một số thích sử dụng tay hơn) để lên nhịp và giữ nhịp đó suốt về sau, báo một ô nhịp mới bắt đầu và xử lý những vấn đề về nhịp độ khác để đảm vảo nhóm nhạc có khi lên đến hơn một trăm người luôn nhịp nhàng, ăn khớp với nhau. Tuy nhiên, dù những yếu tố này đều là những điểm quan trọng để có một màn trình diễn suôn sẻ, một nhạc trưởng giỏi rõ ràng không chỉ là một chiếc máy đếm nhịp mặc áo đuôi tôm. Nhạc trưởng vĩ đại của thế kỷ 20 Wilhelm Furtwängler bước ra khỏi buổi hòa nhạc do người đồng nghiệp Arturo Toscanini chỉ huy với tuyên bố trứ danh rằng: “Thằng đó chỉ là một cái máy đánh nhịp!".

 

2. Người thầy

 

Để dàn nhạc học một tác phẩm mới hay một tác phẩm khó, nhạc trưởng đóng vai trò như một người thầy. Dàn nhạc không phải cứ thế mà biểu diễn, họ phải luyện tập rất nhiều cho buổi hòa nhạc đó. Nhạc trưởng chỉ có vài buổi diễn tập để đảm bảo mọi thứ ăn khớp với nhau. Nhạc trưởng cần luyện tập cho dàn nhạc để có thể chơi thật hay tác phẩm đó. Khi dàn nhạc chơi sai, việc của nhạc trưởng là phải sửa lại cho dàn nhạc. Có rất nhiều sai sót có thể xảy ra trong khi diễn tập. Đây là một vài khả năng: bè sáo vào quá sớm; bè trumpet chơi lệch giai điệu; bè trống chơi quá to; bè violin chơi không nhịp nhàng...

 

Vậy nhạc trưởng sửa những lỗi đó như thế nào? Nhạc trưởng là người duy nhất nắm tổng phổ. Đây là lý do vì sao nhạc trưởng là tối quan trọng trong diễn tập của dàn nhạc. Nhạc công cello có phân phổ của cello ở trước mặt nhưng họ không biết bè sáo hay bè violin nên chơi như thế nào.

Với khả năng nắm rõ tổng phổ và diễn giải cá nhân tác phẩm đó nên chơi như thế nào, nhạc trưởng dạy cho dàn nhạc cách chơi tác phẩm như ý họ mong muốn trong các buổi diễn tập. Nhờ đó, dàn nhạc mới có thể sẵn sàng biểu diễn trong buổi hòa nhạc.

 

3. Nhà lãnh đạo nghệ thuật

 

Đây là phẩm chất quan trọng nhất của người nhạc trưởng, là điểm khiến họ trở thành người nghệ sĩ.

 

Qua nhiều giờ tìm hiểu nghiêm túc và cặn kẽ, nhạc trưởng nắm bắt tác phẩm và đưa ra quyết định diễn giải về cách chơi để tạo ra trải nghiệm tuyệt vời nhất cho dàn nhạc và khán giả.

 

Mỗi tác phẩm dù phức tạp hay đơn giản đều có gần như vô hạn các điểm có thể thay đổi. Dù các nhà soạn nhạc đã cho chúng ta biết các nốt nhạc, giai điệu cần chơi; thậm chí họ thường chỉ định sẵn cường độ nhưng vẫn còn rất nhiều thứ người biểu diễn phải quyết định. Ví dụ như nhịp điệu, tốc độ các thay đổi tốc độ như thế nào: chương nhanh Allegro phải nhanh ở mức độ nào. Đặc điểm của các phần khác nhau và cách dàn nhạc thể hiện đặc điểm đó: "Allegro con brio" (nhanh, có lửa) nghĩa là gì trong Giao hưởng số 5 của Beethoven. Sự khác biệt về âm lượng, cường độ giữa các nhạc công: liệu forte (chơi mạnh, to) của người chơi vĩ cầm có giống với người chơi kèn trumpet? Những chỗ cần nhấn mạnh hay lướt qua trong tác phẩm: trong bản nhạc dài 50 phút này, chỗ nào cần chơi một cách mạnh mẽ, hùng hồn; chỗ nào cần chơi một cách dịu dàng, êm đềm.

 

Đây là những loại nhận định mà người nhạc trưởng phải nghiện cứu trong khi chuẩn bị chỉ huy một đoạn nhạc. Sau đó, thông qua lời nói và cử chỉ trong buổi diễn tập và biểu diễn, nhạc trưởng truyền đạt quyết định của mình. Trong buổi diễn tập, nhạc trưởng “dạy” nhận định về tác phẩm cho dàn nhạc. Trên bục chủ huy, nhạc trưởng chỉ dẫn cho dàn nhạc những biến đổi tinh tế trong cách chơi, trong sắc thái và trong nhịp điệu.

 

Giống như việc vẽ tranh, nhạc trưởng bắt đầu bằng ý tưởng trong đầu của họ và bằng tài năng của mình, họ biến nó thành hiện thực. Dàn nhạc có thể chơi mà không cần nhạc trưởng nhưng từng thành viên trong dàn nhạc sẽ chơi tác phẩm theo một cách khác nhau. Nhạc trưởng là người mang lại cái nhìn thống nhất về tác phẩm.

 

Nhạc trưởng đánh nhịp cho dàn nhạc và giúp nhạc công diễn tập; nhưng điểm quan trọng nhất là nhạc trưởng cân nhắc mọi khía cạnh của tác phẩm và đưa ra cách chơi tác phẩm đó tuyệt vời nhất có thể. Sau đó, họ cùng dàn nhạc biến cách diễn giải đó thành hiện thực.

*

Mình cảm thấy rất ngạc nhiên khi câu hỏi nhạc trưởng làm gì, dàn nhạc có cần nhạc trưởng không rất phổ biến và được hỏi, được trả lời qua rất nhiều năm cho đến gần đây vẫn không dứt. Rất nhiều tờ báo viết về nhạc cổ điển đều có bài đăng về vấn đề này ở mức độ khá thường xuyên, thậm chí như Guardian hay Conversation còn đăng hẳn hai bài cùng chủ đề này trong cùng một năm. Conversation còn là cùng trong năm 2023, nghĩa là rất gần đây thôi.

 

Mình cũng biết trào lưu dàn nhạc chơi không có nhạc trưởng mấy chục năm nay. Mình từng xem những video như vây, dàn nhạc vẫn chơi vô cùng ăn ý với nhau. Họ tự trao đổi, tự thống nhất về cách chơi cùng nhau, khơi gợi lẫn nhau về cảm hứng tác phẩm. Nhưng với mình nó vẫn thiếu dấu ấn, sự độc đáo, nét sáng tạo nghệ thuật trong diễn giải tác phẩm. Xin phép dịch bình luận về bản Serenade for Strings của Tchaikovsky do Mravinsky chỉ huy để thể hiện quan điểm này:

 

stephenhall3515: "Bất chấp trào lưu hiện đại cho phép nhạc công có tiếng nói quyết định hơn trong diễn giải tác phẩm hoặc đôi khi là dàn nhạc không cần nhạc trưởng, Mravinsky cho chúng ta thấy vì sao tuyệt tác này cần có một người chỉ huy. Những video thời thượng trên YouTube kia chẳng thể nào đạt tới được cấp độ tinh tế trong việc phối hợp nhuần nhuyễn cũng như khả năng âm nhạc như theo cách cũ. Tác phẩm dường như chỉ đơn giản hơn một chút so với một bản giao hưởng (về hiệu quả hòa âm, phối khí); đơn giản hơn nhưng không phải kém phần quan trọng".

 

タケウチマサミチ: "Tôi vẫn luôn yêu một Barbirolli man mác buồn, một Svetlanov đằm thắm nhưng Mravinsky đã khiến tôi trầm trồ, cảm thán. Nó khô khan nhưng lại dịu dàng; đủ lắng đọng để thấm thấu tận sâu thẳm trong tim. Tôi không ngờ tác phẩm này lại có thể được diễn tả một cách hoàn hảo như vậy".

 

(Nguồn: nhaccodien.vn)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều