Như có Bác trong ngày đại thắng

09:02 PM, Thứ năm, 18/05/2023
58

Tác giả: Phạm Hồng Tuyến

 

 

Sang năm 1975 tôi đã học vỡ lòng, chỉ còn vài tháng nữa thì tạm biệt trường Mầm non Đống Đa để lên lớp 1. Vốn tôi biết chữ sớm, hay đọc trước các bài nên gần như chương trình của lớp 1 tôi đã “thông thạo”, vì vậy bố mẹ có ý định cho “nhảy cóc” lên lớp 2. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thấy hồ sơ đi học bị “hổng” một lớp có thể sẽ gây khó dễ cho tôi sau này nên cả nhà quyết định tôi vẫn học lớp 1 như bình thường, cùng các bạn Mậu Thân.

 

Cũng vì tính ham đọc nên tôi “bắt chước” bố đọc báo, rồi nghe bản tin thời sự. Bố tôi là nhạc sĩ, nhưng làm ở cơ quan “báo nói” nên luôn luôn phải theo dõi tình hình chiến sự, mọi người trong nhà luôn thường xuyên được bố cập nhật tin tức. Lúc đó tin tức về Cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975 đang làm nức lòng người dân  Hà Nội và toàn miền Bắc, tin chiến thắng vang lên hàng ngày trên Đài TNVN, qua hệ thống loa truyền thanh mà các nhà khu lắp ghép Khương Thượng đều có. Và bố tôi, một nhà báo - nhạc sĩ cũng có những đóng góp của riêng mình bằng các sáng tác âm nhạc như “Chào Đà Nẵng giải phóng”, “Trên quê hương Cần Thơ giải phóng”….

 

Đến ngày 28/4 khi nghe tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất thì bố tôi rất xúc động. Đêm đó ông không muốn làm ảnh hưởng giấc ngủ của 3 mẹ con nên đã ra cầu thang tầng 3, chỗ có bóng đèn vẫn sáng, tay cầm bút chì và ghi ra những dòng nhạc đầy hân hoan của ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng", dường như ông có linh cảm ngày toàn thắng sẽ đến nay mai thôi. Quả thật chỉ 2 ngày sau, 30/4, thời khắc lịch sử đã điểm, và vào bản tin 17h30 của Đài TNVN khúc khải hoàn ca ấy đã vang lên (đây là lần đầu tiên một bài hát được tổ chức thu thanh nhanh đến vậy, ai có mặt trong phòng thu cũng dàn giụa nước mắt vì vui sướng). Sau này bố tôi từng phát biểu: Ông viết bài này trong 2 giờ đồng hồ cộng với cả cuộc đời….

 

Bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" rất dễ thuộc, không cần bố dạy hát, mà chỉ nghe trên sóng phát thanh tôi cũng hát được. Ngày 1/5, đúng sinh nhật tôi, chạy chơi cùng các bạn ở khu Khương Thượng, cả lũ hát véo von, rồi đi “tuần hành” lên gác, xuống sân, hát đi hát lại không chán. Ở đâu cũng vang lên giai điệu hào sảng, tươi sáng, giản dị mà tự hào, dễ nhớ ấy, ấn tượng nhất là đoàn quân nhạc chơi không ngừng nghỉ quanh bờ hồ, bài hát đến thật đúng lúc như một tiếng reo vui mừng ngày hoà bình sau bao năm chiến tranh.

 

Đây là bài hát mà từ già đến trẻ ai cũng có thể hát được, đến bây giờ bà chị dâu nhà bác tôi vẫn cứ hay kể: con gái chị, tháng 5/1975 mới có 1 tuổi rưỡi nhưng đã hát một mạch từ đầu đến cuối bài, mỗi tội câu “Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông” và “Ba mươi năm dân chủ cộng hoà, kháng chiến đã thành công” thì đều bị hát thành” Ba năm đấu tranh” với lại “Ba năm dân chủ cộng hoà”. Nghe thế, ông trẻ (bố tôi) liền cười hiền lành: Ơ, thế ăn bớt của ông 27 năm à!

 

10 năm sau khi bài hát ra đời (1985), nhân kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, đây có lẽ là sự kiện hi hữu vì  Huân chương thường trao cho quá trình phấn đấu lâu dài, nhưng đây lại là việc sáng tác một bài hát, vào một thời điểm lịch sử và có sức ảnh hưởng lớn lao. Huân chương này thực ra chỉ có ý nghĩa tinh thần chứ thời ấy bố tôi chả nhận được tiền thưởng gì ngoài việc được tặng “kèm” chiếc khung. Nhưng dù sao cũng là một việc đáng tự hào, nên mẹ tôi quyết định “ra tay” xuất chuồng 2 con gà nhà nuôi để thết đãi các chú, các bác đồng nghiệp đến chung vui với bố. Ngày ấy, thời bao cấp khó khăn, tổ chức ăn tươi thế là xa xỉ lắm rồi…

 

Từ khi bài hát ra đời, như mặc định, cứ kết thúc một sự kiện, cuộc gặp mặt nào đó, khi tiếng quân nhạc cất lên giai điệu "Như có Bác trong ngày đại thắng" là mọi người đều biết là chương trình đã kết thúc, hoặc khi cần hát tập thể bài nào dễ dàng nhất thì mọi người lại hát bài này vì ai cũng thuộc. Có người bảo: may quá có bài  của người Việt mình, chứ ngày xưa toàn phải hát Kết đoàn của nước láng giềng! Tôi nhớ bố hay kể:

 

- Bác Băng, phu nhân của nhạc sĩ Văn Cao mỗi lần gặp bố lại bảo: bài của nhà tôi (Quốc ca) và bài của anh Tuyên là được hát nhiều nhất đấy, bài nhà tôi thì tất cả phải đứng lên, còn bài của anh thì tất cả xách túi ra về!

 

Thành ra ca khúc này cũng hay được gọi là “bài xách túi ra về”! Và tất nhiên, cũng có một cơ số lời “chế” lại, chứng tỏ bài hát được sống trong lòng quần chúng. Năm tháng qua đi, bài hát còn trở thành bài ăn mừng chiến thắng của các đội tuyển, các vận động viên thể thao. Cứ mỗi lần được nghe bài hát do các cổ động viên trên khán đài, hoặc chính cầu thủ hát sau trận đấu trong phòng thay đồ, là bố tôi rưng rưng cảm động, ông sung sướng vì bài hát của mình vẫn còn được mọi người yêu quý.

 

Với câu điệp khúc: “Việt Nam - Hồ Chí Minh” bài hát được lan toả đi khắp nơi trên thế giới, được bạn bè quốc tế biết đến và hát vang, bởi câu hát ấy thì dù ở ngôn ngữ nào cũng vang lên như vậy, câu hát chính là biểu tượng cho dân tộc ta, đất nước ta đầy mạnh mẽ và tự hào. Và bài hát cũng được chuyển ngữ sang một số thứ tiếng, phổ biến nhất là Nhật Bản, người Nhật rất thích hát bài này, nhiều đoàn khách Nhật sang Việt Nam, họ chủ động hát ngay, không cần đề nghị, rất khí thế. Đến bây giờ, một cậu bạn thời đại học của tôi, hiện đang là phóng viên thường trú của TTXVN tại Nhật cho biết là có khá nhiều tổ chức vẫn thường xuyên biểu diễn đồng ca, hợp xướng khúc ca này để thể hiện tình hữu nghị Nhật - Việt. Ngoài ra, các sinh viên tiếng Nga những năm 70 thế kỷ 20 còn lưu truyền một bản dịch sang tiếng Nga, được chép tay trong các cuốn sổ, sau bao năm tôi được nhìn những dòng chữ ấy, thật là xúc động.

 

Tôi có một kỷ niệm với bài hát này, sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và về nước được mấy năm. Vốn mẹ tôi có một chị sinh viên cũ là Lê Tâm thường hay tổ chức các buổi biểu diễn ca nhạc. Lần ấy chị nhận được một “đơn đặt hàng” làm đêm nhạc đặc biệt, đó chính là biểu diễn chào mừng Phó Thủ tướng Nga Yuri Yarov sang thăm Việt Nam, tổ chức tại Nhà khách chính phủ số 2 Lê Thạch. Anh Trương Gia Bình, (chủ tịch FPT, cựu sinh viên tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lomonosov), người kết nối việc này, nói chị Tâm tìm một người có thể giới thiệu chương trình bằng tiếng Nga, thế là chị nhớ ngay ra tôi, lúc này đã đi làm ở Đài THVN nhưng chưa được vào biên chế. Và thế là tôi “xúng xính” váy áo đến làm “em xi” (lúc ấy chưa thịnh hành từ MC, đơn giản vẫn là ra giới thiệu “sau đây là”). Đêm nhạc hôm ấy có sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Lê Dung, Thanh Hoa, ban nhạc Hoa sữa…. Thời điểm ấy, cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội vừa kết thúc, nên hai ca sĩ trẻ măng đạt giải cũng được góp mặt là Tấn Minh, Mỹ Linh (mới nổi lên bằng bài hát “Thì thầm mùa xuân”). Đêm nhạc diễn ra rất suôn sẻ và thành công, tôi đi ra đi vào “bắn” tiếng Nga, thấy quan khách gật gù nên có tí vững tâm. Đến cuối chương trình tất cả khán phòng đứng lên hát vang NHƯ CÓ BÁC TRONG NGÀY ĐẠI THẮNG”, ông Phó Thủ tướng và ông đại sứ Nga tại Việt Nam  (nói tiếng Việt siêu giỏi) ra nói chuyện và “khen” tôi phát âm tiếng Nga tốt, trong tiếng nhạc rộn rã tôi “khoe” đây là bài hát của bố, cả 2 ông đều bày tỏ rằng bài hát quá tuyệt vời. Sau đó ông Yarov  gửi tôi tấm danh thiếp của Phó Thủ tướng, với địa chỉ, điện thoại tại điện Kremli. Bài hát của bố đã đem đến cho tôi niềm vinh dự nhớ mãi không quên ấy.

 

Trích sách HỒI ỨC TUỔI THƠ: BÀI HÁT LỚN LÊN CÙNG CON của nhà báo Phạm Hồng Tuyến (con gái Nhạc sĩ Phạm Tuyên)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều