Những bất cập trong quan niệm âm nhạc Phật Giáo

07:00 AM, Thứ hai, 16/12/2024
215

Tác giả: Lê Hải Đăng

 

 

Phật giáo vốn là một tôn giáo bao dung, nên rất nhiều quan niệm liên quan dù đúng hay sai cũng dễ dàng được chấp nhận, trong đó có âm nhạc Phật giáo. Đế thấy rõ hiện tượng này hãy thử nhìn sang âm nhạc Công giáo. Âm nhạc Công giáo hay âm nhạc nhà thờ từng phát triển rực rỡ vào thời Trung cổ, kéo dài đến giai đoạn phục hưng, thậm chí tạo nên thế phân lập với âm nhạc thế tục. Nói cách khác, nhà thờ là một vùng văn hóa, trong đó có âm nhạc nhà thờ. Nhằm khu biệt âm nhạc nhà thờ với âm nhạc thế tục, giáo hội có những quy định rõ ràng về việc sử dụng âm nhạc trong hoạt động phụng vụ, cụ thể là Thánh nhạc và Thánh ca. Để một tác phẩm âm nhạc đi vào hoạt động phụng vụ thuộc phạm trù Thánh nhạc hay Thánh ca đều phải trải qua quy trình xét duyệt, lựa chọn, tinh tuyển hết sức nghiêm ngặt, bấy giờ mới “danh chính ngôn thuận” mang tên thánh nhạc.

 

Tương tự như vậy, trong môi trường tín ngưỡng Phật giáo, dù không thể hiện bằng văn bản, nhưng loại hình âm nhạc dùng làm phương tiện thực hành nghi lễ phải trải qua quá trình truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua đó tạo thành truyền thống âm nhạc Phật giáo, như: nghệ thuật Ứng phú, âm nhạc khoa nghi, các thủ pháp xướng, sám, tán, niệm, chú, bạch, tụng… với sự hỗ trợ của pháp khí hoặc nhạc khí cổ truyền. Cùng với đó, trôi nổi ngoài chốn thế tục, đặc biệt thông qua phương tiện truyền thông có rất nhiều tác phẩm âm nhạc lấy Phật giáo làm đề tài phản ánh gọi chung là âm nhạc Phật giáo. Hiện tượng này gây nhiễu loạn, hiểu nhầm giữa âm nhạc Phật giáo (đích thực) và âm nhạc lấy Phật giáo làm đề tài phản ánh mà thực chất là âm nhạc thế tục. Nếu làm phép so sánh sẽ thấy sự khác biệt giữa âm nhạc tôn giáo và âm nhạc thế tục, như âm nhạc nhà thờ có Thánh ca và Thánh nhạc. Còn những tác phẩm lấy nhà thờ làm đối tượng phản ánh, như: “Tiếng chuông nhà thờ” của Nguyễn Xuân Khoát, “Con quỳ lạy Chúa của Phạm Duy, “Bài thánh ca buồn”, “Hai mùa Noel” của Nguyễn Vũ… là âm nhạc thế tục. Những ca khúc này chưa bao giờ liệt vào âm nhạc nhà thờ, bởi xét về bản chất, chúng là những bản tình ca thế tục. Song, trong môi trường văn hóa đại chúng, rất nhiều tác phẩm, ca khúc hay nhạc khúc, thậm chí âm nhạc thể nghiệm phổ biến trên không gian mạng được gọi là âm nhạc Phật giáo.     

 

1. Ngộ nhận về tên gọi

Trước hết, Phật giáo là một tôn giáo, nên âm nhạc Phật giáo cần hiểu là âm nhạc tôn giáo, chứ không phải âm nhạc thế tục viết về đề tài Phật giáo. Tiêu đề tác phẩm dễ gây hiểm lầm cho người tiếp xúc, bởi cứ thấy tiêu đề, ca từ mang nội dung liên quan đến Phật giáo, người ta tưởng đó là âm nhạc Phật giáo. Nếu không hiểu rõ chức năng, tính chất, chúng ta dễ bám chấp vào “tên gọi”, “tiêu đề”, từ đó dẫn tới định dạng sai loại hình âm nhạc. Ngược lại, có nhiều dạng thức nghệ thuật tồn tại trong môi trường Phật giáo chính là âm nhạc Phật giáo lại ít được biết đến, như: âm nhạc khoa nghi, nghệ thuật Ứng phú, lục cúng, đàn tràng, các thủ pháp: xướng, tán, niệm, chú, bạch, thỉnh, kệ, sám pháp …

 

2. Ngộ nhận về công năng

Âm nhạc Phật giáo có công năng thực hành nghi lễ, đồng thời là một biện pháp truyền bá giáo lý, công cụ tu tập... Trong lễ Vu lan, âm nhạc gần như bao trọn hoạt động nghi lễ, từ việc phát đi tín hiệu chỉnh tề đội ngũ, trang nghiêm đạo tràng đến các động tác hợp chưởng, dâng hương, nhiễu Phật, bái, lạy…Nói chung, âm nhạc là một phần không thể tách rời không gian nghi lễ. Khí cụ sử dụng trong âm nhạc Phật giáo có pháp khí, như: chuông, mõ, trống, mộc bản, đẩu, linh… có khi kết hợp với nhạc cụ truyền thống, như: trống, kèn, đàn, sáo... Chúng giống như những phương tiện trong tay kinh sư, kinh sinh, sám chủ nhằm triển khai hoạt động pháp sự, chứ không phải màn trình diễn với sự tham gia của âm nhạc. Đối với bộ phận ca khúc hay khí nhạc lấy Phật giáo làm đề tài, chất liệu đa số xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật. Tất nhiên, tính chất thụ hưởng nghệ thuật vẫn thể hiện trong cả âm nhạc thế tục lẫn âm nhạc tôn giáo. Song, xét về công năng, Phật giáo không có chủ trương này.

 

3. Ngộ nhận về cách thức thể hiện

Sự khác biệt giữa âm nhạc Phật giáo và âm nhạc lấy Phật giáo làm đề tài nằm ở cách thức thể hiện. Âm nhạc thế tục có khuynh hướng, tính chất tụng ca. Về điểm này, chúng khá giống âm nhạc nhà thờ nhằm ca ngợi Chúa, Đức Mẹ, các Thánh… Song, Phật giáo vốn là một tôn giáo đặc biệt, có lẽ vì thế mà nhiều người lầm tưởng âm nhạc Phật giáo hướng tới ca ngợi Đức Phật, chư vị Bồ Tát… Trên thực tế, Phật giáo là tín ngưỡng “vô thần”. Tôn giáo này không hề có “Đấng sáng tạo”. Phật Bổn Sư Thích Ca chỉ là người truyền bá giáo pháp, chứ không phải Đấng sáng tạo. Vào thời Đức Phật Bổn Sư tại thế hoàn toàn nghiêm cấm hình thức sùng bái tượng thờ. Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt hơn 500 năm mới xuất hiện hình thức sùng bái tượng thờ, từ đó, Phật giáo bước vào thời kỳ “Tượng pháp” rồi dẫn tới sự sa sút vào thời “Mạt pháp”. Như vậy, Phật giáo nói chung và âm nhạc Phật giáo nói riêng không suy tôn Đức giáo chủ mà hướng tới mục đích giải thoát, tìm kiếm con đường giác ngộ. Vì vậy, âm nhạc Phật giáo thể hiện bằng hình thức tụng ca hay suy tôn người sáng đạo không tương thích với triết lý Phật giáo. Bộ phận âm nhạc này chủ yếu xuất phát từ chốn thế tục và dường như cũng dừng lại ở môi trường văn hóa thế tục. Chúng có chung mấy đặc điểm, như sáng tác bằng tư duy âm nhạc phương Tây, kết hợp giữa giai điệu, lời ca và phần đệm hòa thanh. Nếu xem xét phương tiện biểu hiện, lược bỏ lời ca, nhiều ca khúc hoàn toàn đồng nhất với âm nhạc thế tục, không phân biệt giữa Phật khúc và tình khúc, thậm chí có không ít tác phẩm nhồi nhét nội dung trích dẫn từ kinh điển mang đậm tư duy tuyên huấn giống như ca khúc chính trị. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngôn ngữ âm nhạc phương Tây sáng tác âm nhạc Phật giáo vô hình trung đã dẫn nhập âm nhạc Cơ đốc giáo. Bởi vậy, xét ở góc độ điệu tính, đa số ca khúc Phật giáo (thế tục) đều trói chặt âm hưởng vào hai giọng trưởng, thứ, cách thể hiện thiên về tả thực, phóng sự hóa… Một số ít tác phẩm, tác giả ẩn náu, núp bóng dưới chủ nghĩa hình thức, bám chấp vào các nghi thức mang tính trình diễn giả tạo…  

 

4. Kết luận

Nói tóm lại, âm nhạc Phật giáo vốn là âm nhạc tôn giáo, chứ không phải âm nhạc lấy Phật giáo làm chất liệu, đề tài phản ánh. Hiện tượng nhầm lẫn này có sự hậu thuẫn của văn hóa, trong đó có sự tham gia đắc lực của những người làm âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng không chuyên về âm nhạc Phật giáo. Thực tế đó khiến cho “một bộ phận không nhỏ” ca khúc, nhạc khúc lấy Phật giáo làm đề tài truyền bá trên không gian mạng lọt vào phạm trù âm nhạc Phật giáo. Nếu so sánh với âm nhạc các tôn giáo, tín ngưỡng khác sẽ thấy rõ hơn tính bất cập trong quan niệm này.   

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share