Những điều thú vị về cây kèn Bassoon (Fagott)

05:43 PM, Thứ năm, 11/04/2024
196

Tác giả: Mai Hạnh

 

Tranh: Musician with the Bassoon, 1885, Gerard Jozef Portielje

 

Bạn có hay xem hoạt hình không?

 

Có thể bạn chưa biết, ở nhiều phân đoạn hài hước hoặc rượt đuổi, rình rập đầy kịch tính (như trong Tom & Jerry chẳng hạn), rất có thể tiếng kèn hơi có phần ngộ nghĩnh mà bạn nghe thấy chính là của cây Bassoon, cây kèn màu nâu đỏ rất cồng kềnh thường ở vị trí giữa bộ gỗ trong đội hình dàn nhạc giao hưởng đấy! Bài viết này sẽ giới thiệu cho khán giả một vài điều thú vị về cây kèn được mệnh danh là “chú hề của dàn nhạc” – Bassoon.

 

1. Fagot là một từ tiếng Pháp cổ có nghĩa là một bó gậy. Từ “bassoon” xuất phát từ “basson” của Pháp và từ “bassone” của Ý. Tên tiếng Ý của cây kèn này này là fagotto, và trong tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan, tiếng Czech, tiếng Ba Lan, tiếng Serbia-Croatia và tiếng Romania, nó là fagot, và trong tiếng Đức là Fagott.

 

2. Bassoon là một nhạc cụ kèn hơi sử dụng dăm kép (hai miếng sậy ở đầu thổi, có khe hở để thổi hơi tạo rung động âm thanh) và là thành viên lớn nhất trong gia đình bộ gỗ. Âm vực của cây kèn khá thấp nên chủ yếu sử dụng để chơi những nốt thấp nhất, tạo thành nền trầm cho nhóm hòa tấu và dàn nhạc. Có lẽ vì thế mà bassoon ít được chú ý hơn so với các nhạc cụ thường chơi giai điệu bè cao. Tuy vậy, cây kèn này vẫn có những đặc điểm thú vị trong cấu tạo và âm thanh, và là một nhạc cụ đắc lực cho nhạc sĩ phối khí khi cần viết những đoạn pha màu đặc sắc trong tác phẩm cho dàn nhạc.

 

3. Bassoon có cấu tạo độc đáo, với nhiều bộ phận hợp lại để dẫn truyền âm thanh (xem hình cấu tạo kèn bassoon dưới phần bình luận): hơi thổi qua dăm kèn (1) đến một ống kim loại mảnh (2) tới phần thân kèn cò lại làm bằng gỗ sơn màu nâu đỏ: gồm thân nhỏ (3), ống đáy (4) gập chữ U nối với thân to (5) và cuối cùng là miệng kèn (6). Đi kèm với thân kèn là hệ thống phím bấm và lỗ phức tạp cho cả mười đầu ngón tay để người chơi tùy chỉnh các cao độ. Tính cả chiều dài cây kèn thì Bassoon dài đến hơn 1,3 mét.

 

4. Bassoon được mệnh danh là “chú hề của dàn nhạc”, nhiều khi được các nhạc sĩ khéo léo sử dụng âm thanh sắc nét, tách bạch, tạo không khí dí dỏm, bất ngờ với âm sắc giống như tiếng cười hài hước hay cảm thán ngỡ ngàng. (Rất có thể bạn đã nghe tiếng cây kèn này trong những tình huống vui vẻ trong các bộ phim hoạt hình mà bạn không biết).

Ngược lại, cũng có khi bassoon thể hiện những phân đoạn bi thương vô cùng đặc sắc, khiến không gian âm nhạc lắng xuống, cho người nghe cảm giác tiếc nuối, xa vắng.

 

5. Các dăm kèn làm bằng sậy có thể được bán sẵn và cũng rất nhiều nhạc công tự làm để bản thân tự ưng ý. Bên cạnh đó các nghệ sĩ cũng phải chăm sóc, bảo quản cho những chiếc dăm này cẩn thận,cân bằng độ ẩm, nhiệt độ và vệ sinh, tránh mốc để âm thanh tạo ra đạt chuẩn.

 

6. Bassoon còn có “anh lớn” là contrabassoon, rất dễ nhận diện bởi chiếc kèn trầm hơn có thân dài hơn nữa, thêm một lần gập ống, vì vậy nó thổi cả những nốt thấp hơn cả bassoon một quãng tám.

 

7. Người chơi bassoon có kỹ thuật lưỡi rất phong phú, tạo ra nhiều cách thổi, rung lướt, tốc độ chạy nốt cũng nhanh lẹ… cho âm thanh đa dạng. Người ta nhận ra bassoon có khả năng độc tấu từ những năm 1800, vì thế, để tận dụng những âm sắc này, nhiều nhà soạn nhạc đã viết các concerto cho cây kèn đứng ở vị trí độc tấu, dàn nhạc hỗ trợ làm nền, ví dụ Vivaldi viết đến 39 bản, J.C.Bach hay W.A.Mozart, C.M.v.Weber cũng đóng góp những concerto cho danh mục tác phẩm thường xuyên được trình diễn.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều