Tác giả: Nguyên Thanh
Gắn liền với những biến động lịch sử của dân tộc, tất yếu văn học sử thi cũng đứng vào hàng quân tiên phong lên đường ra trận để kiến tạo những biểu tượng như một mã văn hóa đặc biệt lưu giữ cho thế hệ sau về lý tưởng yêu nước, yêu hòa bình, về tinh thần xả thân vì Tổ quốc. Một phương diện cơ bản làm nên đặc trưng không gian sử thi trong văn học giai đoạn 1945-1975 của ta là hình tượng những con “đường vui”, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”...
Từ điểm nhìn văn xuôi, hình tượng con đường ra trận được miêu tả chi tiết hơn: “Dọc con đường giao liên bấy giờ, khu rừng hai bên có những quãng dòng thác người tự nhiên cứ quẩn lại, phình to ra, đông đúc và ồn ào như dòng nước lũ chảy qua một cái xoáy lớn... Không ai có tài nào mà phân biệt hoặc đếm được có bao nhiêu đơn vị, cũng không thể biết đây là đường rừng hay quảng trường, là rừng cây hay là rừng người và rừng súng đạn” (“Dấu chân người lính”-Nguyễn Minh Châu).
Trong không gian này lại mang một đặc điểm là tất cả như hòa lẫn vào nhau, con người lẫn vào thiên nhiên, người lẫn vào thác, người lẫn vào rừng, rừng lẫn vào súng đạn... để toát lên một chân lý không chỉ con người mà cả đất nước cùng ra trận. Cũng là một cách càng tăng cường chất sử thi, đẩy hình tượng vượt lên trên cái bình thường để trở thành cái phi thường. Nhà văn Lê Lựu có tiểu thuyết “Mở rừng”, nếu cho phép đặt một tên khác thì tên ấy là “Mở đường” vì nội dung tác phẩm phản ánh sinh động công việc mở đường Trường Sơn vô cùng gian nan, ác liệt...
Xây dựng biểu tượng con đường, so với văn xuôi, thể loại thơ lợi thế hơn bởi chất thơ đã có sẵn ở hình tượng quen thuộc, thường ngày, hơn nữa đã thành công trong truyền thống: Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan (“Việt Bắc”-Tố Hữu). Thế nên, cũng tác giả Tố Hữu viết về con đường thời chống Mỹ, thoát khỏi sự miêu tả, vừa có hình ảnh hôm qua, vừa mới mẻ, bay bổng, lãng mạn hơn, ý nghĩa phổ quát hơn: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Khi giặc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá ác liệt miền Bắc, đưa quân đội trực tiếp tham chiến ở miền Nam nước ta, năm 1965, Chính Hữu viết bài thơ “Ngọn đèn đứng gác”: Trên đường ta đi đánh giặc/ Ta về Nam hay ta lên Bắc/ Ở đâu/ Cũng gặp/ Những ngọn đèn dầu/ Chong mắt/ Đêm thâu. Những ngọn đèn dầu được so sánh như những cặp mắt suốt đêm không ngủ giúp bộ đội nhận ra đường đi trong đêm tối. Không miêu tả trực tiếp nhưng bạn đọc vẫn nhận ra đó là con đường đi đến chiến thắng, bởi đến sự vật bình thường nhất là “ngọn đèn” cũng làm người lính “đứng gác”...
Bộ đội vượt Trường Sơn vào chiến trường. Ảnh tư liệu |
Những con đường ra trận như “nối dài vô tận” để đi vào chiến trường, kẻ thù biết thế nên ra sức ném bom ngăn chặn. Nhưng làm sao có thể ngăn được ý chí Việt Nam. Bài hát “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao khắc họa hình tượng cô thanh niên xung phong bằng ngôn ngữ bay bổng lãng mạn của thơ và giai điệu tươi tắn, trong trẻo của nhạc: Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/ Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường/ Em đi lên rừng cây xanh mở lối/ Em đi lên núi, núi ngả cúi đầu/ Em đi bắc những nhịp cầu/ Nối những con đường Tổ quốc yêu thương/ Cho xe thẳng tới chiến trường. Hình tượng “em” được đẩy lên sánh ngang, thậm chí vượt lên tầm vóc vũ trụ: “Rừng cây xanh mở lối”, “núi ngả cúi đầu”. Cực kỳ lãng mạn và cũng đích thực sử thi đã nói một cách tinh tế về tính cách Việt anh hùng lại rất mực nên thơ, nhân ái, khoan hòa. Vì còn gì vẻ vang, nhân văn hơn công việc góp phần đuổi giặc để giữ bầu trời hòa bình tự do trong xanh tiếng hát. Nhưng để có con đường cho đoàn quân ra trận giành lại hòa bình thì phải trả bằng máu. Có những cô gái đương tuổi trăng tròn đã hy sinh tuổi xuân đẹp nhất của mình: Chuyện kể rằng em cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy chẳng bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom (“Khoảng trời-hố bom”-Lâm Thị Mỹ Dạ). Với con người thì có gì quý hơn thân thể mình đâu, thế mà có những người con trai-con gái đã đem thân thể ấy cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Có sự hy sinh nào, vinh quang nào lớn lao, thánh thiện hơn thế không?
Cả nước lên đường, mặt đường thể hiện rõ khí thế và khát vọng của dân tộc, đấy là lý do để nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có trường ca nổi tiếng “Mặt đường khát vọng”: Mặt đường đưa ta về ngày hội lớn/ Độc lập, hòa bình, thống nhất Bắc-Nam... Tất cả hiện diện trên “mặt đường”: Thành phố hồi sinh trên khắp mặt đường/... Ta quỳ xuống mặt đường/... Ta xông lên chiếm hết mặt đường... Đấy là “mặt đường” trong cuộc đấu tranh của sinh viên yêu nước, cũng hừng hực khí thế, cũng đổ máu... Nhưng sôi động, ác liệt hơn cả là đường Trường Sơn, thể hiện tập trung và rõ hơn cả là “Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo” trong thơ Phạm Tiến Duật-“con chim lửa” của Trường Sơn huyền thoại. Nếu Đông Trường Sơn có những cô gái ba sẵn sàng thì Tây Trường Sơn có những lớp lớp bộ đội. Trường Sơn trở thành địa điểm gặp gỡ của tình yêu nước, của lý tưởng: Những đội làm đường hành quân trong đêm/ Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng/ Rực rỡ mặt đất bình minh/... Đường trong tim anh in những dấu chân. Với chiều dài hàng chục nghìn ki-lô-mét, đi qua 3 nước, đường Trường Sơn đi vào lịch sử, vào thơ ca để trở thành một biểu tượng của tinh thần quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ!
Đó còn là những con đường lưu giữ những kỷ niệm, những vẻ đẹp tâm hồn, những giá trị văn hóa: Đất nước/ Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt/ Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt/ Trên mỗi con đường, mỗi thôn xóm ta qua/ Từ non ngàn cho tới biển xa” (“Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi”-Nam Hà). Người lính ra trận thì bóng hình người mẹ cũng đi theo. Tháng 3-1969, chàng thanh niên Bế Kiến Quốc lên đường vào Nam chiến đấu được chứng kiến những bà mẹ trồng cây che bóng tránh máy bay địch cho đoàn quân ra trận, cảm xúc dâng trào, anh có được bài thơ hay: Con đường đi mãi nên quen/ Bao nhiêu lòng mẹ hai bên theo cùng/ Cây xanh, xanh nước, xanh rừng... (Mẹ trồng cây trên đường ra tiền tuyến). Lòng mẹ theo con che chở, bảo vệ con, tiếp thêm sức mạnh cho con... Những tứ thơ ấy, những hình tượng ấy cho thấy người Việt Nam thắng Mỹ như là lẽ đương nhiên vậy!
Ở ngày hôm nay, nhìn về văn học giai đoạn 1945-1975 thấy có hiện tượng, không chỉ là ngôn ngữ thông thường mà đã trở thành ngôn ngữ của lương tri, của trách nhiệm, của lý tưởng, chính nghĩa. Không còn là giọng điệu cá nhân đơn lẻ mà là giọng điệu của thời đại... Đấy cũng là lẽ tự nhiên. Chiến tranh là hiện tượng bất thường. Cuộc chiến vệ quốc của chúng ta phải chống lại và đánh thắng các siêu cường đế quốc nên là sự kiện mang tầm nhân loại. Nền văn học cách mạng của nước ta đã phản ánh sâu sắc cuộc chiến vĩ đại ấy và còn tiếp tục đi trên những con đường chiến thắng, đồng thời mở ra những con đường mới.
(Nguồn: https://sknc.qdnd.vn/)