Nicolai Rimsky-Korsakov

07:00 AM, Thứ tư, 21/08/2024
308

Tác giả: Nguyễn Quỳnh Hương (Tổng hợp)

 

 

Nikolai Andreevich Rimsky-Korsakov sinh ngày 18 (6 theo lịch cũ) tháng 3 năm 1844 tại thành phố Tikhvin. Cha ông, nhà soạn nhạc Andrei Petrovich, xuất thân từ dòng họ quý tộc lâu đời, trong dòng họ có nhiều người từng giữ các chức vụ cao trong quân đội và chính quyền Sa hoàng từ thời nữ hoàng Elizabeta Petrovna, con gái Piotr Đại đế. Lên sáu tuổi, nhà soạn nhạc tương lai đã bắt đầu được tiếp xúc với âm nhạc, nhưng tiếc thay lại gặp phải các giáo viên thiếu kinh nghiệm và các giờ học nhạc không khiến ông thích thú.

 

Năm 12 tuổi, Rimsky-Korsakov nhập học tại Học viện Thủy quân với ước vọng trở thành thuỷ thủ. Ông học tập nghiêm túc và đạt được kết quả cao, tuy nhiên luôn cảm thấy xa lạ với các yêu cầu và thói quen của quân ngũ. Cùng năm đó, ông học piano với Ulich, người chơi cello trong dàn nhạc nhà hát Alexandri.  Phần lớn thời gian học họ chơi bốn tay cùng nhau. Năm 1858 ông bắt đầu theo học nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng Fedor Andreevich Kanille và thật sự tìm được người thầy đồng cảm với mình. Dưới sự hướng dẫn của Kanille ông bắt đầu thử soạn nhạc. Tuy nhiên, Voin Andreevich, anh trai của Nikolai, không muốn em mình tiếp tục học nhạc vì sợ chiếm quá nhiều thời gian ảnh hưởng tới việc học tập trong Học viện thủy quân và quả đúng như vậy – chàng thanh niên Nikolai ở tuổi 16 hoàn toàn mất hứng thú với binh nghiệp, thủy quân và biển. Âm nhạc đã chiếm trọn cuộc đời ông, đẩy mọi thứ khác xuống hàng thứ yếu.

 

Cuộc gặp gỡ với Balakirev vào mùa thu năm 1861 trở thành một bước ngoặt trong đời nhà soạn nhạc trẻ tuổi và Rimsky-Korsakov trở thành một thành viên của nhóm nhạc sĩ do Balakirev thành lập – nhóm “Hùng mạnh”. Bị lôi cuốn mạnh mẽ vào các cuộc tranh luận và thảo luận khác nhau, Rimsky-Korsakov cảm thấy hạnh phúc khi được tiếp nhận trong nhóm những người trẻ tuổi, tài năng, yêu âm nhạc. Nhưng niềm vui sáng tác bị nỗi đau lớn làm lu mờ: người cha thân yêu của ông qua đời. Ông đã rất đau khổ vì mất mát to lớn này.

 

Mùa thu năm 1862 ông từ biệt Balakirev, Cui, Kanille để bắt đầu chuyến đi biển đầu tiên trong đời mình với quyết tâm không từ bỏ âm nhạc và sự nghiệp sáng tác. Quả thế, tác phẩm Andante với chủ đề nhạc dân gian Nga do Balakirev gợi ý ra đời trong thời gian này. Tác phẩm được Kanille khen ngợi. Tuy thế, trong chuyến đi biển đầu tiên này Rimsky-Korsakov không viết được gì hơn.

 

Sau chuyến đi, Rimsky-Korsakov vui sướng trở về quê hương trong sự chờ đón của nhóm bạn cùng chí hướng. Ông đọc rất nhiều, chơi piano, cố gắng lấy lại những gì đã bỏ qua trong thời gian vắng mặt. Ông nhận được sự giúp đỡ to lớn của nhóm “Hùng mạnh” và thật sự trở thành một thành viên không thể thiếu của nhóm.

 

Ông dành nhiều thời gian và công sức để hoàn thành bản giao hưởng đầu tiên theo chỉ dẫn của Balakirev. Tháng 10 năm 1865 tác phẩm được công diễn lần đầu tại buổi hoà nhạc của Trường nhạc miễn phí.

 

Năm 1867 Rimsky-Korsakov hoàn thành “bức tranh âm nhạc” nhan đề Sadko và tác phẩm đã mang lại vinh quang cho ông. Nhạc sĩ trẻ bị cuốn hút bởi cuộc đấu tay đôi giữa nhạc công đàn gusli (nhạc cụ dân gian Nga giống đàn tranh, có từ 4 đến 66 dây, tuỳ loại – ND) Sadko với Đại dương, và trong thời kỳ sáng tác bản nhạc này, ký ức về chuyến đi vòng quanh thế giới trên tàu chiến “Antara” luôn sống động trong ông: cảnh biển lúc cuộn sóng, khi lại êm đềm, bầu trời phương nam với những vì sao rực sáng, nước biển trong vắt nhìn thấu đáy. Sadko là tác phẩm đầu tay mà khi sáng tác Rimsky-Korsakov cảm thấy nhịp đập sáng tạo riêng của mình và mang lại cho ông cảm hứng chinh phục các đỉnh cao mới mà dường như không bao giờ ông có thể đạt tới. Và ý tưởng cho tác phẩm giao hưởng “Antara” chủ đề cổ tích phương Đông ra đời.

 

Đây cũng là những năm tháng nhà soạn nhạc gặp được hạnh phúc và tình yêu lớn của đời mình. Khi đó trong nhóm biểu diễn các tác phẩm của nhóm “Hùng mạnh” có hai cô gái thường xuyên tham gia – chị em nhà Purgold. Nhà soạn nhạc thích thú được làm khách của gia đình này và phải lòng cô Nadezhda Nikolaevna Purgold, thường chia xẻ với cô cảm xúc, ý tưởng và các kế hoạch trong cuộc sống.

 

Mùa hè năm 1869 khi vừa mới hoàn thành chorus cho vở opera mà ông dự định viết, ông mang tới nhà nghỉ ngoại ô của gia đình Purgold. Vừa nghe qua giai điệu tràn đầy nỗi sợ hãi và buồn rầu do Nadezhda trình bày, lạc lõng đến kinh ngạc trên nền chuông ngân vang rền, ông hiểu mình sẽ phải hoàn thành opera Cô gái Pskov. Ý tưởng về vở opera này đã theo đuổi ông trong nhiều tháng liền. Kịch tác gia Mei sáng tác vở kịch nói Cô gái Pskov từ đầu thập kỷ 1860, nhưng bị cấm trình diễn và kịch bản thu hút sự chú ý của Balakirev và Mussorgsky. Hai người khuyên Rimsky-Korsakov lấy kịch bản văn học này làm cơ sở để viết libretto cho opera.

 

Rimsky-Korsakov đã làm việc với bản thảo Cô gái Pskov suốt bốn năm và đó cũng là bốn năm đầy sóng gió đau khổ trong đời ông do cái chết của người anh ruột, Voin Andreevich, mang lại. Nhưng đó cũng là thời kỳ hạnh phúc, khi tình bạn giữa ông và Nadezhda Purgold chín muồi, bước sang một giai đoạn mới. Tháng 12 năm 1871, cô gái dịu hiền có đôi mắt trầm tư và vẻ đẹp thánh thiện đã chính thức nhận lời cầu hôn và trở thành vợ ông.

 

Năm 1872, sau chuyến du lịch tuần trăng mật sang Thuỵ Sĩ và Italia, vợ chồng Rimsky-Korsakov bắt tay vào dàn dựng vở opera Cô gái Pskov. Tháng giêng năm 1873, buổi công diễn đầu tiên thành công rực rỡ và suốt một tháng rưỡi sau đó nó được biểu diễn 10 lần, lần nào nhà hát cũng không còn một chỗ trống.

 

Sau thành công của mùa công diễn, cuộc sống của nhà soạn nhạc trở lại bình ổn. Ông làm việc nhiều. Từ năm 1871 ông đã nhận một chân giảng viên nhạc viện và không phải chỉ đến lúc đó ông mới nhận thấy những khoảng trống trong kiến thức cơ bản của mình. Vậy là ông bắt đầu quá trình tự học và tự hoàn thiện suốt từ năm 1873 đến năm 1878 mà không nhận được sự giúp đỡ, thậm chí không được cả nhóm cảm thông. Việc học và nghiên cứu các chuẩn mực của nhạc cổ điển thậm chí bị Stasov và Mussorgsky coi là “sự phản bội các nguyên tắc của nhóm “Hùng mạnh””.

 

Các tiên đoán khá ảm đạm của nhóm gần như thành sự thật, bởi các kiến thức mà ông học được đã không mang lại kết quả như mong đợi.

 

Bản giao hưởng mới, Giao hưởng số 3, được trình diễn lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1876 dưới cây đũa điều khiển của chính tác giả không thành công. Tứ tấu đàn dây viết năm 1875 cũng không có gì nổi bật, dường như kỹ thuật đã lấn lướt tài năng sáng tạo, cản trở cảm hứng cất cánh bay.

 

Nhà soạn nhạc luôn mơ ước viết được thật nhẹ nhàng, thoải mái, không bị trói buộc bởi bất kỳ điều gì. Thế rồi cảm hứng sáng tạo đến một cách chói sáng trong các bộ trang phục cổ truyền Ucraina sặc sỡ, trong những làn điệu dân ca Ucraina quyến rũ, cùng với hơi thở ấm áp và thơm tho của những đêm phương Nam, với vầng trăng bạc lấp lánh trên mặt đầm nước phẳng lặng như gương. Cảm hứng ấy đến với ông từ những trang văn xuôi đẫm chất thơ của các truyện để trong tập Những buổi chiều trong trang trại gần Dikanki của nhà văn Nikolai Gogol. Rimsky-Korsakov đã thuộc lòng “Đêm tháng Năm”, đọc nó không chỉ một lần khi còn thơ ấu, nghe đọc ở nhà Balakirev và thấu hiểu chất thơ của áng thơ trong văn xuôi này.

 

Đêm tháng Năm được Rimsky-Korsakov sáng tác trong suốt năm 1878. Khi viết libretto, ông cố gắng để giữ nguyên bố cục của truyện ngắn nguyên tác, và đặc điểm ngôn ngữ rất riêng biệt và đặc sắc của các nhân vật. Vở opera được hoàn thành khá nhanh chóng, mỗi hồi chỉ trong một tháng. Nó tràn đầy các giai điệu phóng khoáng, đầy sức mạnh, bắt nguồn từ con tim đầy nhiệt huyết, mang tính khái quát cao, thể hiện mọi sắc thái tình cảm của nhân vật, tình huống sân khấu và diễn tiến của hành động. Cấu trúc của vở cũng mang tính cách tân – trong thành phần của nó có cả những tác phẩm âm nhạc độc lập – ca khúc, tốp ca, hoạt cảnh…

 

Dù đã hoàn thành tác phẩm, nhưng Rimsky-Korsakov vẫn chưa muốn rời bỏ thế giới cổ tích, nơi cái tốt luôn đẹp và cái xấu thì luôn dị dạng, nơi tội ác những kẻ gây ra cái ác luôn bị trừng phạt và bao giờ cũng có một cái kết công bằng. Ông xin phép nhà soạn kịch Ostrovky để sử dụng tác phẩm của ông này, trên cơ sở đó sáng tác libretto cho một vở nữa – vở Nữ chúa tuyết và được Ostrovsky hoan nghênh. Chủ đề của vở Nữ chúa tuyết cho phép ông một lần nữa ca ngợi cuộc sống của nhân dân, cuộc sống bình dị, hài hoà với thiên nhiên, với những phong tục tập quán rất đẹp và những  nghi lễ đa dạng, nhiều màu sắc.

 

Opera Nữ chúa tuyết được công diễn lần đầu tiên vào năm 1882. Trong hồi ký của mình, N.F. Tiumenev, học trò của Rimsky-Korsakov, viết về buổi công diễn đó: Nữ chúa tuyết đã được dàn dựng thật hoành tráng… Trong đời sống sân khấu nước ta đã từ lâu không có vở nào được dựng hoành tráng đến thế. Trang phục, thậm chí cả trang phục của các cô gái trong chorus và các nhân vật phụ, thật là hoàn thiện. Thanh nhạc, trừ đôi chỗ cá biệt, nói chung là hoàn hảo”.

 

Nhà văn Ostrovsky, người mà mặc dù với ông Nữ chúa tuyết luôn gắn với âm nhạc Tchaikovsky, cũng phải thốt lên: “Âm nhạc của Rimsky-Korsakov viết cho “Nữ chúa tuyết” thật huyền diệu. Tôi không thể hình dung ra một cái gì thích hợp hơn thế, sống động hơn thế, thể hiện được trọn vẹn chất thơ của một hình tượng trong tín ngưỡng đa thần giáo cổ, hóa thân trong nữ nhân vật cổ tích ban đầu thì lạnh lùng, nhưng dần dần trở nên mãnh liệt không sức mạnh nào ngăn nổi”.

 

Nữ chúa tuyết lấp đầy trái tim nhà soạn nhạc bằng một sức sống mạnh mẽ, giúp ông vượt qua những nỗi đau mất mát. Tháng 2 năm 1881 Mussorgsky qua đời, sáu tháng sau Borodin không còn nữa. Sau cái chết của hai người bạn lớn, Rimsky-Korsakov bắt đầu một sự nghiệp lớn khác của đời mình: hoàn thiện các tác phẩm mà họ để lại. Đó là công việc vô cùng rộng lớn, phức tạp và nhiều khó khăn, và ông đã hoàn thành nó một cách xuất sắc.

 

Sự nghiệp sáng tác của Rimsky-Korsakov trong thập kỷ 1880 bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu, bởi trong những năm tháng nhiều biến động này ông dành thời gian chủ yếu cho việc hoàn thiện các tác phẩm của Mussorgsky và Borodin, giảng dạy trong nhạc viện, chỉ huy dàn nhạc, hoạt động xã hội… Thế nhưng dù sao chính trong thập kỷ này ông đã viết nên hai giao hưởng kiệt xuất là “Capriccio Espagnol” (Khúc tùy hứng Tây Ban Nha) và tổ khúc giao hưởng “Sheherazad”. “Capricco Espagnol” là tác phẩm mà trong đó nhà soạn nhạc thể hiện một trí tưởng tượng phong phú đáng ngạc nhiên, còn “Sheherazad” thật sự là một câu chuyện cổ tích được kể bằng âm nhạc. Dù được kể bởi một nhà soạn nhạc Nga, âm nhạc trong đó vẫn thấm đẫm chất phương Đông huyền bí.

 

Mùa xuân năm 1894 Rimsky-Korsakov bắt đầu viết vở opera thứ hai theo chủ đề Gogol – Đêm trước Giáng sinh, và gần như đồng thời ông làm việc với tác phẩm Sadko. Nhiều năm tháng đã qua mà ông vẫn không yên lòng bởi bài ca còn dở dang về chàng nhạc công đàn gusli huyền thoại và đây là thời điểm ông quyết tâm quay lại với Sadko để xây dựng nên một tác phẩm mang tính sử thi trên cơ sở các truyền thuyết và bylina (tráng ca – một thể loại chuyện kể dân gian Nga) cổ. Cũng như các opera trước, Sadko được ông xây dựng như một tác phẩm âm nhạc thể hiện ý đồ kép, nhưng khác ở chỗ trong vở này trí tưởng tượng không lấn át thế giới thật.

 

Nhà soạn nhạc đã ngoài năm mươi tuổi, nhưng trong tâm hồn ông mùa xuân của cuộc đời vẫn ngự trị. Và theo tiếng gọi của mùa xuân trong tâm hồn, ông sáng tác không ngơi nghỉ. Những bản tình ca, những opera một hồi Vera Sheloga, rồi Mozart và Salieri, và ý tưởng sáng tác Vợ chưa cưới của Sa hoàng hình thành trong giai đoạn này. Ông mong muốn làm việc nhiều nhất có thể được. Và ông không cần phải lo về nơi dàn dựng tác phẩm, bởi đã có Mamontov, giám đốc nhà hát Opera Tư nhân, một con người đầy tài năng, nhạy cảm tuy hơi khó hiểu luôn mong chờ để được dựng mọi tác phẩm của ông.

 

Bắt tay vào công việc sáng tác Vợ chưa cưới của Sa hoàng, ông đặt cho mình nhiệm vụ viết một vở opera với âm nhạc thật réo rắt, và ông đã thành công. Buổi công diễn đầu tiên của vở được khán giả chào đón nồng nhiệt với những tràng pháo tay, những bó hoa, những lời khâm phục. Công chúng chấp nhận và đồng cảm với tác giả cũng như với những người dựng vở, với nhà hát. Thế nhưng một thìa thuốc đắng đã khiến thành công của nó không trọn vẹn: Nhóm Balakirev đón nhận vở opera một cách lạnh lùng, Glazunov tỏ ý chê bai, Liadov im lặng một cách lịch sự, còn Cui thì chỉ nhún vai.

 

Năm 1899 cả nước Nga kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ vĩ đại Alexander Pushkin. Rimsky-Korsakov tham gia vào dịp kỷ niệm một cách tích cực nhất. Ông dành tặng sự kiện đáng nhớ này bản Cantata “Bài ca về Oleg-Tiên tri” và opera Chuyện cổ tích về vua Saltan, về hoàng tử vinh quang và tráng sĩ hùng mạnh Gvidon Saltanovich, con trai nhà vua và nữ hoàng Thiên nga kiêu hãnh.



Tháng mười năm 1900 opera Chuyện cổ tích về vua Saltan… ra mắt khán giả trên sân khấu nhà hát opera Tư nhân. Chính hoạ sĩ lừng danh Vrubel thiết kế trang phục và bài trí sân khấu. Khán phòng chật ních. Rimsky-Korsakov được yêu thích và đã trở thành “người nhà” ở Moscow. Những tiếng hoan hô và số lượng hoa nói lên thành công của vở diễn.

 

Vừa kết thúc câu chuyện cổ tích về nhà vua Saltan, Rimsky-Korsakov bắt tay vào sáng tác vở opera tiếp theo – Sevilia với đề tài La Mã cổ đại. Vở opera không mấy thành công, nghèo nàn về nội dung và không có gì mới trong cách thể hiện. Các tác phẩm tiếp theo là Tướng quân và Intermezzo Opera với đề tài nước Ba Lan phong kiến cũng không hơn gì, dù đó là các tác phẩm ông sáng tác để tưởng nhớ Chopin.

 

Công việc sáng tác và giảng dạy với cường độ căng thẳng đã ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của Rimsky-Korsakov. Tuy vậy, ông vẫn làm việc không mệt mỏi để năm 1902 hoàn thiện một trong những vở opera mang tính cách tân nhiều nhất của mình – vở Kashei Bất tử.

 

Rồi ngày khủng khiếp trong lịch sử nước Nga, ngày chủ nhật đẫm máu 9 tháng giêng năm 1905 đã đến. Các cuộc bãi công làm rung chuyển thủ đô Peterburg. Nhạc viện nơi ông giảng dạy cũng không nằm ngoài trào lưu chung, và vì ủng hộ sinh viên, Rimsky-Korsakov bị ban giám đốc ra lệnh đuổi. Sự kiện này làm dấy lên một phong trào mạnh mẽ trong giới nhạc sĩ, và để phản đối, lần lượt các giáo sư Glazunov, Liadov và những người khác nữa cũng bỏ việc.

 

Rimsky-Korsakov chưa lúc nào từ bỏ ý tưởng viết một vở opera bóc trần bộ mặt thật của chính quyền Sa hoàng. Vốn là người thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật, thành thực trong mọi dự định và hành động, ông quyết tâm đưa vào âm nhạc của mình tất cả sự ngu độn và tàn độc của chính quyền, cái chính quyền đã trở thành công cụ đàn áp và trờ thành kẻ thù của mọi thần dân. Dù biết mình đang bị theo dõi, và một tác phẩm như vậy sẽ khó lòng lọt qua lưới kiểm duyệt để được dàn dựng trên sân khấu, nhưng ông vẫn quyết thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Mùa thu năm 1906 ông bắt tay vào viết vở opera Gà trống vàng. Câu chuyện cổ tích Nga trong bản chỉnh lý của Pushkin cuốn hút ông bởi cách châm chích sâu cay, hóm hỉnh mà đánh thẳng vào mục tiêu, chống đối chính quyền quân chủ một cách rõ rệt.

 

Ngay nhà văn Belsky, người viết libretto cho vở này, cũng cho rằng vở opera phải được coi như một lời trần thuật xứng đáng và chứa đựng các yếu tố chống chính quyền chuyên chế, thể hiện phản ứng gay gắt trước sự đàn áp bắt đầu lan rộng.

 

Gà trống vàng được hoàn thiện vào mùa hè năm 1907. Tổng giám đốc các nhà hát hoàng gia Teliakovsky những muốn dựng nó ngay lập tức trong Nhà hát Lớn, nhưng gặp phải cản trở từ phía tỉnh trưởng Moscow: Chất châm biếm và hài hước sâu cay của vở diễn làm triều đình lo ngại. Bản thảo opera thế là nằm lại trong tư liệu của nhà soạn nhạc. Nó được dựng năm 1909, và Rimsky-Korsakov không còn kịp xem nữa.

 

Ông bị bệnh nặng lúc nào không biết, dù đầu tiên đó chỉ là những cơn bệnh vặt. Ngày 21 (8 theo lịch cũ) tháng 6 năm 1908 ông mất tại trang trại Liubensk, gần Luga (tỉnh Leningrad ngày nay).

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều