ÔNG ĐỒ NỖI DAY DỨT CỦA MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ

07:00 AM, Thứ hai, 20/01/2025
183

Tác giả: Phan Đông Viên

 

Ngược dòng lịch sử: Triệu Đà xuất thân là quan nhà Tần bên Tầu. Năm 207 trước Công nguyên (TCN) đem quân đánh chiếm nước ta (lúc đó là nước Âu Lạc của Vua An Dương Vương) rồi sáp nhập vào nước Nam Việt (kéo dài từ Quảng Đông bên Tầu đến hết Âu Lạc). Triệu Đà tự xưng là Triệu Vũ Vương - Vua của nước Nam Việt. Sau đó Triệu Đà quy phục nhà Tây Hán. Nhà Triệu truyền ngôi được 5 đời, đến năm 111 TCN thì bị Nhà Tây Hán tiêu diệt. Nước ta bước vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, bị nhà Tây Hán đô hộ. Âu Lạc bị chia làm ba quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ) Cửu Chân (Thanh Hóa) Nhật Nam (Nghệ An + Hà Tĩnh), mỗi quận có quan Thái thú cai trị, lại có quan Thứ sử để giám sát.

Cùng với chế độ cai trị hà khắc là sự truyền bá phong tục, văn hóa, chữ viết... nhằm mục đích đồng hóa dân Âu Lạc. Những quan nhà Hán thay nhau sang cai trị nước ta, có kẻ thì cực kỳ khắc nghiệt tàn ác, nhưng cũng có người nhân đức lấy việc mở mang sản xuất và giáo dục, văn hóa là chính, điều này đã được lịch sử ghi nhận như trường hợp ông Tích Quang - Thái thú quận Giao Chỉ thời Tây Hán, ông Nhâm Diên - Thái thú quận Cửu Chân thời Đông Hán và đặc biệt là ông Sĩ Nhiếp - Thái thú quận Giao Chỉ cuối đời Đông Hán (từ 187-226 Công nguyên). ba ông đó đã có công mở trường dạy chữ Hán. Hiện nay vẫn còn đền thờ ông Sĩ Nhiếp ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là di tích lịch sử của tỉnh, cổng đền có biển đề:  TỔ HỌC GIAO NAM và GIÁO NHO CÔNG HỮU. Sau này cùng với sự đóng góp của Âu Lạc và các triều đại đã tiếp biển thành chữ Nho là loại chữ mà mặt chữ là chữ Hán, phát âm là tiếng việt, ngữ pháp là tiếng Hán, ví dụ: số 1,2,3,4:  一、二、三、四, thuần Hán thì phát âm là Yi, Èr, San, Sì, chữ Nho phát âm là: nhất, nhị, tam, tứ. Trời, đất, người 天、地、人, thuần Hán thì phát âm là Tiàn, De, Rén, chữ Nho phát âm là Thiên Địa Nhân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì theo ngữ pháp tiếng Hán, chữ Nho phải viết là 越南社會主義共和國, phát âm là Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa cộng hòa quốc.

 

 

Nước ta đã dùng chữ Nho từ ba thời kỳ Bắc thuộc. Sau khi ông Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, đến năm 1075 Công nguyên, để chọn người tài ra giúp nước, vua Lý Nhân Tông mới tổ chức kỳ thi Nho học đầu tiên. Để có thể đi thi trẻ con từ 6, 7 tuổi trở lên đã phải học thuộc lòng một số sách vỡ lòng chữ Nho như các quyển: Tam Tự Kinh, Tứ Tự Kinh, Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự, Ngũ Thiên Tự, Ấu Học Ngũ Ngôn Thi, Sơ Học Vấn Tân... Lên lớp trên phải học các sách giáo khoa như: Tứ Thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung dung), Ngũ Kinh (Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh Xuân Thu) rồi đến các sách: Bách gia chư tử, Phật giáo, Đạo giáo...

Để dạy được các sách này phải có một đội ngũ giáo viên là các thầy Đồ ở nhà riêng, ở trường làng, ở vùng địa phương gồm những người học giỏi tuy không đỗ đạt, cùng những quan lại nghỉ hưu, từ chức là những bậc túc Nho hoặc đại Nho như ông Chu Văn An (khi về Thanh Trì mở trường dạy học, được cả nước tôn xưng là Vạn Thế Sư Biểu - Thầy của vạn đời) ông Vũ Thạnh (khi trở về Hào Nam mở trường dạy học được toàn vùng tôn xưng là Thăng Long Sư Biểu (thầy của Thăng Long).

Tầng lớp thầy Đồ (vừa là người đang dạy học, vừa là người đang học để đi thi) không những được tôn trọng mà còn là mơ ước của những cô thôn nữ trong ca dao:

Chẳng tham ruộng cả, ao liền

Tham vì cái bút cái nghiên anh Đồ

trong tương lai nếu anh Đồ đỗ tiến sĩ thì niềm vinh dự còn đến với cả gia đình, họ tộc vì được vua thiết yến (mời tiệc) và ban thưởng:

Vinh quy bái tổ vẻ vang

Võng anh đi trước, võng nàng theo sau

rồi bổ dụng làm quan to.

CÁC KHOA THI NHO HỌC:

Về hình thức: Trường thi là một bãi đất rộng, mỗi thí sinh phải tự mang theo lều chõng, sắp xếp trật tự hàng lối theo lệnh quan trường, các chõng cách nhau một lối đi để các quan trường kiểm soát, thí sinh viết bài thì ngồi hoặc nằm trên chõng, che nắng mưa và sự bí mật của bài thi bằng lều lắp trên chõng.

Về nội dung: Có 3 khoa thi:

1/ Thi HƯƠNG : Quy mô ở các tỉnh hay liên tỉnh, ở miền Bắc có 2 trường thi nổi tiếng là Hà Nội và Nam Định, gồm 4 vòng thi:

     - Vòng 1: thi môn Kinh nghĩa

     - Vòng 2: thi môn Chiếu, Biểu

     - Vòng 3: thi sáng tác thơ phú

     - Vòng 4: thi môn Văn sách, viết Tự luận

Nếu đạt cả 4 vòng thì đỗ Cử nhân

Nếu chỉ đạt 3 vòng thì đỗ Tú tài

Những người đỗ Tú tài rồi mà thi lần 2 vẫn chỉ đỗ Tú tài thì gọi là Tú Kép, thi lần 3 trở lên vẫn chỉ đỗ Tú tài thì gọi là Tú đụp (vá chằng vá đụp)

2/ Thi HỘI : Quy mô quốc gia, thí sinh phải là những người đã đỗ Cử nhân.

Nếu đạt trúng cách thì đỗ Tiến sĩ

Nếu đạt Thứ trúng cách thì đỗ Bảng nhãn

Đỗ thủ khoa tiến sĩ gọi là đỗ Hội nguyên

3/ Thi ĐÌNH : Quy mô quốc gia cao nhất, thí sinh phải là những người đã đỗ Tiến sĩ. Gọi là thi Đình vì tổ chức thi ngay tại sân Triều đình, do Vua ra đề và chấm bài, mục đích là để xếp hạng Tiến sĩ: hạng nhất gọi là Trạng nguyên, thủ khoa gọi là Đình nguyên.

Kể từ khoa thi đầu tiên năm 1075 thời vua Nhân Tông nhà Lý đến khoa thi Hội cuối cùng năm 1919 thời vua Khải Định nhà Nguyễn, trong 844 năm có tất cả 185 khoa thi, những vị đỗ Cử nhân mới được bổ làm Tri Huyện (chủ tịch huyện nhỏ), Tri Phủ (chủ tịch huyện lớn). Đỗ Tiến sĩ mới được bổ làm Tuần phủ (Chủ tịch tỉnh nhỏ) hoặc Tổng đốc (Chủ tịch tỉnh lớn), các vị Tiến sĩ, Hội nguyên hoặc Đình nguyên mới được bổ làm quan lớn trong triều và khắc tên trên bia đá trong Văn Miếu.

 

Chữ Hán hoặc chữ Nho là chữ tượng hình nhiều nét có chữ đến 30 nét, rất phức tạp , học chữ nào biết chữ đó, một chữ có nhiều nghĩa, nhiều chữ phát âm giống nhau. Ở Trung Quốc ngày nay, một người được coi là thoát nạn mù chữ phải biết và nhớ được 3.300 chữ, thế mà chỉ trong khoa thi Hương, đề thi ý nghĩa cao xa thì muốn làm một bài văn sách, thí sinh ít nhất phải nhớ được 6.000 hoặc 7.000 chữ, ở các khoa thi Hội, thi Đình còn phải nhớ nhiều chữ hơn, thế mới biết trí nhớ của các cụ ta xưa thật là siêu phàm, đáng kính phục và ngưỡng mộ, cho nên đối với các vị khoa bảng xưa, xã hội đều gọi là các vị Túc Nho hoặc Đại Nho (Túc là đủ, Đại là lớn).

Trước sự suy tàn nhanh chóng của chữ Nho, nhà thơ Tú Xương (1870-1907) - 1 nhân chứng của cách học “tầm chương trích cú” cùng chế độ thi cử Nho học phức tạp, nhiều lần ông đi thi Hương nhưng chỉ đỗ Tú tài không đỗ được cử nhân - đã có những vần thơ trào phúng khi thấy Nhà nước chuẩn bị thay đổi chế độ thi cử.

ĐỔI THI

Nghe nói khoa này sắp đổi thi

Các thầy Đồ cổ đỗ mau đi

Dẫu không bia đá còn bia miệng

Vứt bút lông đi ! Giắt bút chì

hoặc than thở về việc học chữ Nho:

THAN ĐẠO HỌC

Đạo học ngày nay đã chán rồi

       10 người đi học 9 người thôi

                            ...

Và bi quan về việc dạy chữ Nho:

 

PHÚ THẦY ĐỒ

Thầy đồ thầy đạc

Dạy học dạy hành

Vài quyển sách nát

Dăm thằng trẻ ranh

Văn có hay đã đỗ làm quan võng điều võng tía

Võ có giỏi đã ra giúp nước khố đỏ khố xanh

...

và thực dụng hơn khi Nhà nước chỉ tuyển những người biết tiếng Pháp hoặc chữ quốc ngữ vào làm việc:

CHỮ NHO

Nào có ra gì cái chữ Nho

Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

Chi bằng đi học làm thầy phán

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò  

 

Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng dẫn đến một số giai cấp, một số tầng lớp bị ảnh hưởng. Ở cuộc cách mạng chữ viết: thay đổi từ chữ Nho sang chữ quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỷ 20, nhà Nguyễn và Toàn quyền Đông Dương đã có những quyết định:

- Năm 1915: Vua Duy Tân bãi bỏ các khoa thi ở Bắc Kỳ.

- Năm 1917: Toàn quyền Đông dương Albert Sarraut thiết lập hệ   thống giáo dục 3 bậc: tiểu học, trung học, đại học.

- Năm 1918: Vua Khải Định quyết định là khoa thi Hương cuối cùng.

- Năm 1919: Vua Khải Định quyết định là khoa thi Hội cuối cùng, và bãi bỏ các trường dạy chữ Nho. Trong khoa thi Hội cuối cùng đã lấy đỗ 23 người gồm (7 Tiến sĩ và 16 Phó bảng), đỗ Hội nguyên (thủ khoa tiến sĩ) là ông Nguyễn Phong Di (30 tuổi, người Thanh Hóa). Tiến sĩ trẻ nhất là ông Dương Thiệu Tường người làng Vân Đình  huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông cũ.

       - Năm 1925: Toàn quyền Đông dương Merlin chỉ cho dùng chữ Pháp và chữ quốc ngữ trong các văn bản Nhà nước.

Những quyết định từ cuộc cách mạng chữ viết dẫn đến sự suy tàn của lối học hành thi cử trong 2000 năm Nho học, đồng nghĩa với sự suy thoái của nghề dạy học chữ Nho, là sự suy giảm số lượng các ông Đồ và sự chuyển nghề bắt buộc vì cuộc sống.

Năm 1936, thi sĩ Vũ Đình Liên – một thi sĩ trong phong trào thơ mới (1932-1945) đã viết bài thơ:

ÔNG ĐỒ

 

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tầu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

 

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

 

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

 

Khi nhận xét về ông Đồ trong giai đoạn ấy, thi sĩ Vũ Đình Liên đã viết: “Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”.

Bài ông Đồ được các Nhà lý luận văn học đánh giá là một trong mười bài thơ hay nhất, được nhiều người nhớ nhất trong phong trào thơ mới, cũng là bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa Tiểu học TÂN QUỐC VĂN  thời trước tiếp quản thủ đô.

Cùng cảm xúc và chia sẻ, nhiều thế hệ nhạc sĩ Nam Bắc đã có những giai điệu đầy rung cảm, du dương, uyển chuyển, với chất giọng khác nhau, bằng sắc thái hồi tưởng, kể chuyện, theo phong cách mới hay dân gian nhưng cùng toát lên niềm tiếc nuối và thương xót chung cho số phận ông Đồ - những người thầy của một giai đoạn lịch sử.

Tết sắp về, xuân đang sang, hoa đào đã nở, thấy lác đác những bức tranh xuân, những câu đối tết đậm đà rực rỡ mực tầu giấy đỏ, lại chạnh lòng nhớ đến những ông Đồ xưa.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những ca khúc ông Đồ tiêu biểu và đầy xúc động:

 

 

 

 

 


CHÚ THÍCH:

1/ TÊN GỌI Để khỏi hiểu lầm, khi gọi tên lục địa phương bắc nước ta (Lục địa Trung Hoa).

TẦU: Là tên các vùng đất do các quân phiệt chiếm đóng hoặc là tên các quốc gia phong kiến có biên giới, suốt từ thời kỳ Xuân thu Chiến quốc đến triều cuối cùng Nhà Thanh, trong lục địa Trung Hoa từ bắc sông Hoàng Hà đến Nam sông Dương Tử, có lúc tồn tại 16 nước (thập lục quốc).

Các sách sử cũ nước ta đều gọi chung là nước TẦU không có hàm ý gì !

TRUNG QUỐC: Kề từ 1/10/1949 Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (TRUNG HOA NHÂN DÂN CỘNG HÒA QUỐC) thì báo chí, sử sách mới dùng rút gọn, ghép chữ đầu và chữ cuối thành TRUNG QUỐC. Bởi vậy TẦU là tên gọi nhiều nước và vùng lãnh thổ trong lục địa Trung Hoa từ Nhà Thanh về trước, TRUNG QUỐC là tên gọi một nước trong lục địa Trung Hoa + Đài Loan hiện nay.

2/ CÔNG NGUYÊN:

Là kỷ nguyên Công lịch được quốc tế công nhận lấy mốc bắt đầu là lúc Chúa Jésus giáng sinh. Vậy khi viết trước hay sau công nguyên phải chính xác: trước công nguyên (TCN) nước ngoài gọi là Before Christ (BC: trước Chúa giáng sinh).

Sau công nguyên (SCN) là viết sai, vì đang trong công nguyên, không biết lúc kết thúc, làm sao biết lúc nào là sau ! (Vv dụ: hai Bà Trưng khởi nghĩa năm 40 của công nguyên chứ không được viết là: hai Bà Trưng khởi nghĩa năm 40 sau công nguyên). Tóm lại: Chỉ được viết trước công nguyên (TCN) không được viết sau công nguyên (SCN).

Muốn viết rõ là trước hay sau chỉ có thể viết: Trước Thiên chúa giáng sinh hoặc sau Thiên chúa giáng sinh !

3/ VŨ ĐÌNH LIÊN (1913-1996):

Quê huyện Bình Giang - tỉnh Hải Dương - cử nhân luật - chủ nhiệm khoa Pháp Văn Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Ông còn là thi sĩ từ phong trào thơ mới, dịch giả, nhà phê bình văn học, nhà giáo nhân dân./.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều