Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu
Nhà lý luận âm nhạc sợ gì?
Có một điều không thể chối cãi: hiện đang có rất nhiều cây bút viết phê bình âm nhạc trên báo chí hoặc hành nghề phê bình tại các nhà đài. Vậy mà nhiều nhà lý luận âm nhạc chuyên nghiệp vẫn quả quyết rằng ở ta chưa thực sự có đội ngũ phê bình âm nhạc.
Quả thực cho đến nay chúng ta vẫn chưa chính thức đào tạo chuyên ngành phê bình âm nhạc. Song đâu cần đào tạo, vẫn có nhiều nhà phê bình âm nhạc tự phong hoặc được gán cho đó thôi! Họ chủ yếu làm báo, tự tìm hiểu về âm nhạc và viết mãi thành nghề. Dần dần họ trở thành quân chủ lực bình luận ca nhạc trong đời sống văn hóa nghệ thuật đang ngày càng muôn màu muôn vẻ. Bù vào những thiếu hụt kiến thức âm nhạc là sự nhanh nhạy, can đảm cùng nhiều kỹ năng và lợi thế của nghề báo, họ luôn kịp thời đáp ứng nhu cầu của công chúng yêu nhạc qua các phương tiện thông tin đại chúng: báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng… Trong khi đó các nhà lý luận âm nhạc có bằng cấp hẳn hoi lại co cụm trong không gian hạn hẹp mang tính học thuật, chỉ chuyên sâu vào nghiên cứu hoặc đào tạo.
Phải chăng nhà phê bình âm nhạc tay ngang không biết sợ là gì? Lỡ sai sót về kiến thức âm nhạc cũng chẳng mấy ai hay nên việc gì phải sợ! Còn nhà lý luận âm nhạc chuyên nghiệp khi đối mặt với công việc phê bình lại có quá nhiều nỗi sợ. Họ sợ gì thế? Hẳn phải có chi đó thực sự đáng lo ngại trong cái nghề xem chừng ngon ơ chỉ với cánh phóng viên báo chí mà không hề dễ dàng với dân lý luận âm nhạc.
Thì đây, thử ngó qua vài khúc mắc trong từng chặng đường nghề nhé.
Với người chọn nghề: phê bình âm nhạc là một ngành mung lung, hầu hết sinh viên lý luận chưa hiểu đúng thực chất nó là gì, tại sao phải coi đó là ngành “lưỡng tính” hội tụ đủ hai vế: khoa học và nghệ thuật. Song gần như sinh viên nào cũng nhận thấy nghề này học toàn những lý thuyết với lý thuyết, hiện tại thì khô khan, tương lai lại xám xịt: khó kiếm việc, khó làm nghề, ít thu nhập.
Với người học nghề: dù được đào tạo bài bản chuyên ngành lý luận, thì sinh viên vẫn chưa được trang bị đủ những yêu cầu cơ bản để hành nghề phê bình, như kỹ năng phỏng vấn và biên tập, thu thập và xử lý thông tin, phân tích và tổng hợp dữ liệu, diễn tả bằng con chữ sao cho cân bằng giữa hai yếu tố học thuật và nghệ thuật, giữa chất lượng khoa học với cách biểu hiện hấp dẫn.
Với người làm nghề: vô cùng hoang mang với câu hỏi thường trực: “Viết gì? Viết thế nào?”. Quá nhiều thứ phải tự học: làm báo, làm ảnh, biên tập, thuyết trình, làm việc theo nhóm và một lô xích xông những thứ liên quan đến công nghệ thông tin. Rất ít sự trợ giúp cụ thể trong quá trình tự mày mò tích lũy. Luôn có cảm giác đơn độc trong môi trường thiếu không khí phê bình: dễ đụng chạm, ít diễn đàn, ngoài dăm ba tạp chí chuyên ngành thì các mục âm nhạc trên báo chí đều bị độc chiếm bởi các cây bút "ngoại đạo".
Thôi thì đã sa chân lỡ bước vào địa hạt lý luận âm nhạc, các bạn trẻ theo nhau chọn lấy hai cái đích an toàn hơn: một là dạy học - truyền lại những gì mình được học; hai là nghiên cứu nhạc cổ của Tây hoặc ta theo cách đã được học. Chẳng tội gì dây với lĩnh vực phê bình để luôn phải đương đầu với đề tài mới mẻ còn quá ít tài liệu để dựa dẫm. Thế là tránh được va chạm và khỏi lo viết sao cho văn vẻ cuốn hút nhiều đối tượng khác nhau.
Thực tại, đầu vào lý luận âm nhạc vốn không rôm rả, đầu ra còn teo tóp hơn, nói gì đến phê bình âm nhạc. Không ai đủ tự tin khẳng định mình được đào tạo bài bản chuyên ngành phê bình, được trang bị đủ kỹ năng tác nghiệp của nghề này. Vậy nên các nhà lý luận âm nhạc chuyên nghiệp còn xa mới có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội nếu không đối mặt và vượt qua những nỗi sợ trên.
Làm sao vượt qua những nỗi sợ?
Vượt qua chính mình và nỗi sợ của bản thân là điều khó khăn nhất mà mỗi người phải tự tìm ra cách riêng cho mình. Ngoài việc tự thân rèn luyện để ức chế nỗi sợ làm nghề trong mỗi người, thì vẫn còn nhiều điều ở ngoài tầm với, phụ thuộc môi trường bên ngoài. Cải thiện hay thay đổi môi trường đương nhiên cần có sự hợp lực đồng bộ của các lĩnh vực liên quan, song mấu chốt cốt lõi nhất, có tác động ngay khởi điểm và lâu dài nhất vẫn là giáo dục đào tạo, bởi đó chính là ngành kiến thiết con người. Những cá nhân tốt hay dở tạo nên cộng đồng tốt hay dở, những cộng đồng mạnh hay yếu hợp thành quốc gia mạnh hay yếu.
Câu chuyện của chúng ta cũng vậy, tất cả đều có thể bắt đầu từ giáo dục đào tạo. Gần một thế kỷ kể từ buổi bình minh tân nhạc, gần 70 năm kể từ khi thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam - tiền thân Học viện Âm nhạc quốc gia, nền nhạc mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, chứng tỏ các nhà sư phạm trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc đang làm rất tốt theo định hướng đã được khẳng định trong nhiều năm.
Song xã hội không ngừng biến đổi, khiến ta khó tiếp tục an phận trong khuôn khổ quen thuộc. Đã đến lúc cần nhìn nhận một cách toàn diện và cụ thể hiện trạng đào tạo cho lĩnh vực phê bình âm nhạc để kịp thời điều chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu thời đại.
Tôi dạy ở Nhạc viện Hà Nội chỉ một niên khóa 1987-1988, sau đó tôi từ chối các hợp đồng giảng dạy ở Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh vì không đủ điều kiện thời gian và sức lực để gắn bó một cách danh chính ngôn thuận với ngành đào tạo. Cho nên tôi không dám qua mặt các nhà sư phạm đưa ra giải pháp. Ý kiến dù thiện chí đến đâu vẫn dễ bị phản ứng như tôi đã từng gặp: "Không dạy học biết gì mà nói!".
Không từ bỏ ước muốn sớm có được đội ngũ phê bình âm nhạc chuyên nghiệp, khi biên tập bài vở cho tạp chí Nghiên cứu âm nhạc của Viện Âm nhạc và website Hội Nhạc sĩ, tôi mừng rơn mỗi lần bắt gặp tiềm năng phê bình ở các bạn trẻ. Rất tiếc, sự khích lệ, thậm chí tích cực "câu kéo" của cá nhân tôi chẳng ăn thua. Nằm trong mục tiêu "câu kéo" ấy là cuốn sách mãi vẫn không đủ kinh phí để in: Phê bình âm nhạc - đạo và đời, trong đó tôi đã chia sẻ những gì học được ở trường và ngoài đời khi hành nghề phê bình. Tôi hi vọng những trải nghiệm và kinh nghiệm của tôi sẽ giúp các đồng nghiệp trẻ khỏi tốn quá nhiều thời gian loay hoay tìm kiếm và cũng đỡ sợ hơn khi dấn thần vào nghề này như tôi đã từng loay hoay và lo sợ.
Còn ở đây, từ góc nhìn khách quan của người không làm nghề sư phạm nhưng đã bốn chục năm lặn ngụp trong mảng nghiên cứu phê bình âm nhạc, chỉ xin mạo muội nêu vài cảm nghĩ khi tôi thử đặt mình vào vị trí một sinh viên lý luận.
Vâng, nếu đang là sinh viên lý luận, tôi sẽ cần những gì để đối mặt với nỗi sợ phê bình âm nhạc?
Chắc chắn tôi sẽ bớt sợ dần nếu sớm được làm quen và bắt buộc phải thực hành phê bình thường xuyên. Tôi sẽ bớt ù lỳ nếu được "học đi đôi với hành", được chủ động thực hành chứ không thụ động tiếp nhận lý thuyết. Tôi sẽ không e ngại và lẩn tránh, nếu biết chắc điểm thực hành được đánh giá cao trong thành tích mỗi năm và kết quả tốt nghiệp.
Tôi sẽ bớt dần những vấp váp không đáng có và sớm tích lũy kinh nghiệm nếu thường xuyên được luyện kỹ năng viết từ đơn giản nhất như đưa tin và tăng cấp độ khó dần như tường thuật sự kiện và phỏng vấn đối tượng (nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, công chúng thưởng thức…), rồi giới thiệu tác phẩm và chân dung tác giả. Tôi sẽ luôn cố viết sao để được đăng tải, trước hết ở tạp chí Giáo dục âm nhạc của Học viện, nếu tôi biết chắc vừa có nhuận bút vừa được ghi nhận bằng cách nào đó như "tích điểm" chẳng hạn, bởi những bài báo mang dấu ấn cá nhân trong nội dung phân tích và văn phong diễn đạt còn đáng giá hơn cả chục trang tiểu luận dựa dẫm sao chép chỉ để đối phó cuối học kỳ.
Tôi sẽ tự tin hơn nếu được trải nghiệm thường xuyên không khí nghề nghiệp ngay tại khoa Âm nhạc học: các cuộc thảo luận của sinh viên về tác phẩm mới hoặc nhận xét bài viết của nhau, trao đổi về buổi hòa nhạc hoặc chương trình tác giả - tác phẩm, sinh hoạt chuyên ngành lý luận theo chủ đề qua thuyết trình cá nhân hoặc trình bày nhóm. Vừa tập hợp tác với đồng sự và học cách phản biện người khác, tôi cũng sẽ biết cách tự phê cũng như cách tiếp nhận phê bình hoặc bảo vệ chính kiến trong các cuộc đối thoại với thầy và tranh luận với bạn học - những đồng nghiệp tương lai.
Tôi sẽ nhanh nhạy hơn nếu được rèn luyện phương pháp xử lý thông tin thay vì nạp kiến thức. Kiến thức vô tận, nhồi bao nhiêu cũng chẳng đủ. Nhồi chỉ khiến tôi thêm áp lực và quá tải, trong khi những thứ cần đến có thể dễ dàng khai thác qua internet, để dành nhiều thời gian cho thứ quan trọng hơn, đó là học chọn lọc và xử lý dữ liệu.
Tôi cũng sẽ bản lĩnh hơn trong đạo đức nghề nghiệp. Thời buổi công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo đang có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Cứ nhập dữ liệu và yêu cầu, chỉ sau vài tíc tắc "con nô bộc" vô hình AI cho ra ngay bài phê bình âm nhạc như đúng rồi. Không ai kiểm soát mình tốt hơn chính mình. Lòng tự trọng không cho phép người sáng tạo lặp lại chính mình, nữa là chuyện tày trời: đạo ý tưởng hay đạo văn trong âm nhạc. Và lòng tự trọng ấy không thể mất đi nếu được nhắc nhở mỗi ngày ngay từ thời cắp sách đi học.
Tưởng tượng sơ sơ vậy thôi cũng đủ thấy nhà sư phạm quan trọng mức nào trong đào tạo ngành lý luận nói chung và mảng phê bình nói riêng.
Thay vì e ngại hay hoảng sợ trước một thế giới đổi thay chóng mặt, chỉ cần tự thân mỗi người dám thay đổi thì chắc chắn ta sẽ vượt qua được mọi nỗi sợ. Nỗi sợ của các nhà phê bình âm nhạc cũng vậy thôi, tôi nghĩ thế!
22-09-2024