Shostakovich: Tam tấu piano số 2

05:48 PM, Thứ năm, 11/04/2024
286

Tác giả: Ngọc Tú (tổng hợp)

 

Dmitri Shostakovich | Biography, Music, Works, Symphonies, & Facts |  Britannica
Nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich

Thông tin chung

Tác giả: Dmitri Shostakovich.
 

Tác phẩm: Tam tấu piano số 2 giọng Mi thứ thứ, Op. 67
 

Thời gian sáng tác: Năm 1944.
 

Công diễn lần đầu: Ngày 14/11/1944 tại Leningrad với Dmitri Tsyganov (violin), Sergei Shirinsky (cello) và tác giả chơi piano.
 

Độ dài: Khoảng 27 phút.
 

Đề tặng: Shostakovich dành tặng tác phẩm cho người bạn thân, nhà phê bình âm nhạc Ivan Sollertinsky (1902-1944).
 

Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Andante – Moderato (Mi thứ)
Chương II – Allegro con brio (Pha thăng trưởng)
Chương III – Largo (Si giáng trưởng)
Chương IV – Allegretto – Adagio (Mi trưởng – Mi thứ)

 

Hoàn cảnh sáng tác

Các nhà soạn nhạc Nga thường có thói quen sáng tác một trio piano để tưởng nhớ một người bạn, một người mà mình kính mến. Khởi đầu với Tchaikovsky với trio piano dành tặng Nikolai Rubinstein, Rachmaninov đã sáng tác trio élégiaque để tưởng nhớ chính Tchaikovsky, Goldenweiser với chính Rachmaninov, Arensky với Trio số 1 dành tặng Davidov và đến lượt Shostakovich, ông đã dành tặng bản Trio piano số 2 của mình cho người bạn thân Ivan Sollertinsky vừa mới qua đời.

 

Sollertinsky là một nhà bác học thật sự. Ông là chuyên gia về ngôn ngữ và sân khấu, được cho là biết 26 ngôn ngữ và 100 phương ngữ. Nhưng những thành tựu lớn nhất của ông là trong lĩnh vực âm nhạc. Ông là giáo sư tại Nhạc viện Leningrad , đồng thời là giám đốc nghệ thuật của Leningrad Philharmonic, một nhà phê bình âm nhạc xuất sắc. Sollertinsky rất ngưỡng mộ Mahler và tích cực giới thiệu âm nhạc của nhà soạn nhạc này tại Liên Xô. Ông kết bạn với Shostakovich từ năm 1927. Trong chương cuối của Trio piano số 2, mà Shostakovich dành tặng cho Sollertinsky, ta có thể ngay thấy rõ chất liệu âm nhạc klezmer của người Do Thái mà Mahler thường xuyên sử dụng.

 

Khi nhận được tin Sollertinsky qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 11/2/1944, Shostakovich đã bàng hoàng. Ông viết thư cho bà quả phụ Sollertinsky: “Tôi không có lời nào để diễn tả nỗi đau đã hành hạ toàn bộ con người tôi khi nhận được tin này… Tôi hoàn toàn mang ơn anh ấy vì tất cả những gì tôi được giáo dục. Sẽ thật khó tin khi sống mà không có anh ấy’. Mặc dù Shostakovich bắt tay vào sáng tác bản trio piano này trước thời điểm Sollertinsky mất nhưng chính sự ra đi của người bạn và đồng nghiệp đáng mến đã thúc đẩy Shostakovich hoàn thành công việc nhanh chóng vào mùa xuân năm 1944. Đây là một tác phẩm thời chiến – các trại tử thần ở Majdanek và Treblinka được quân Đức dựng lên để nhốt và tàn sát người Do Thái đã được phát hiện sau khi Đức Quốc xã rút lui khỏi mặt trận phía đông – và các khía cạnh rùng rợn của nó chắc chắn gợi lên những cảnh tượng kinh hoàng và bi thương, điều này dường như đã được Shostakovich thể hiện trong trio piano này.

 

Phân tích tác phẩm

Chương I bắt đầu với một giai điệu buồn bã thê lương trên dây cao nhất của cello. Một giai điệu với âm vực cao kỳ lạ đến nỗi khi violin tắt tiếng bước vào sau đó với một giai điệu tương tự để thành lập nên một canon, nó trở thành bè trầm, thấp hơn một quãng 13. Và sau đó, piano lại tiếp tục lặp lại giai điệu ở quãng 13 thấp hơn nữa. Một fugue nặng nề u ám, nhưng quen thuộc trong âm nhạc thính phòng của Shostakovich với Tứ tấu dây số 8 và Ngũ tấu piano. Tốc độ tăng đột ngột không mang lại cảm giác nhẹ nhõm mà chỉ khiến sự lo lắng thêm trầm trọng. Âm nhạc chuyển động không rõ ràng giữa những khoảnh khắc tức giận và thách thức xen kẽ với tâm trạng hoang vắng và ảm đạm.

 

Chương II đóng vai trò như một scherzo với những giai điệu mỉa mai và sự lặp lại đầy ám ảnh, được ẩn nấp dưới một vũ khúc dân gian. Mặc dù đã được chuyển sang giọng trưởng nhưng dường như mọi thứ nghe có vẻ u tối và đáng ngại hơn cả không khí trong chương đầu tiên. Tâm trạng trở nên vui vẻ hơn trong phần trio, một điệu waltz vui nhộn ở giọng Son trưởng.

 

Chương III là một lời than thở sâu sắc, nó đã được chơi tại tang lễ của Shostakovich hơn 30 năm sau đó. Một chuỗi 8 hợp âm khắc nghiệt của piano lặp đi lặp lại với 2 nhạc cụ dây chơi đối âm ở trên, tạo nên một passacaglia của thời kỳ Baroque, nhưng được Shostakovich và Britten thường xuyên sử dụng. Âm nhạc như một đống đổ nát hoang tàn của những ký ức, tiếng violin và cello như than khóc cho những người đã thiệt mạng, nó được xây dựng đến cao trào và rồi lắng xuống trong một hợp âm lơ lửng để rồi đi thẳng đến chương cuối.

 

Mặc dù tác phẩm này không phải là âm nhạc chương trình nhưng có thể tưởng tượng được trong chương IV này gợi lên cảm giác những người Do Thái bị giết chết trong các trại tập trung của phát xít Đức như Arthur Cohn nhận xét: “Ở đây Shostakovich đã hình dung ra vũ điệu cưỡng bức khủng khiếp của người Do Thái trước khi họ bị bắn bằng súng máy cho đến chết”. Có thể nhận ra âm nhạc klezmer trong chương nhạc này, lúc đầu là một điệu múa vui nhộn nhưng dần dần biến thành một lực lượng có sức công phá khủng khiếp. Sau khi dừng đột ngột, hợp âm rải nhẹ nhàng lung linh trong tiếng đàn piano dẫn đến sự hồi tưởng về phần fugue mở đầu của tác phẩm; trở lại với sự ảm đạm hoàn toàn mà từ đó trio đã bắt đầu. Nghệ sĩ violin Rostislav Dubinsky, thành viên của Borodin quartet đã miêu tả đoạn cuối: “Như thể trong cơn đau đớn chết chóc, một tiếng than khóc thoát ra từ cổ họng bị một bàn tay sắt bóp nghẹt”. Giai điệu Do Thái này, được chơi trên pizzicato của violin sẽ còn xuất hiện sau này trong Tứ tấu dây số 8 của nhà soạn nhạc.

 

Trong buổi ra mắt tác phẩm vào ngày 14/11/1944 tại Leningrad, khán giả không khỏi choáng váng trước sức mạnh và độ táo bạo của tác phẩm. Dubinsky nhớ lại buổi biểu diễn đó: “Âm nhạc đã để lại một ấn tượng tàn khốc. Mọi người khóc công khai. Shostakovich bối rối, lo lắng liên tục bước lên sân khấu và cúi đầu ngượng nghịu”. Bản trio piano như một đài tưởng niệm cho Sollertinsky và cũng là cho tất cả những người khổ ải, bị áp bức trên thế giới.

 

Nghe tác phẩm

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều