Suối nhạc hẹn ngày về Hà Nội

07:00 AM, Thứ năm, 10/10/2024
248

Tổ chức: Hữu Việt
Nội dung: Nguyễn Trương Quý
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân

 

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19/12/1946 ở Hà Nội, cuộc ra đi để lại đô thành “nghi ngút khói sau lưng” sau đó đã ngay lập tức dấy lên một cảm thức hướng tới ngày trở về trong những người đi kháng chiến và tản cư. “Ngày về” đã trở thành từ khóa cho những bài ca thời kháng chiến chống Pháp, đặc biệt tô đậm hình ảnh Hà Nội, nơi còn lưu giữ ấn tượng về một thời khắc nước Việt Nam tuyên bố độc lập chưa xa. Dòng chảy những bài hát này có khi băng băng như sông Hồng cuồn cuộn, có khi tinh tế như con suối róc rách tâm tư của những người đi kháng chiến ở rừng núi dõi mắt về Thủ đô.

 

“Đêm nay mơ thấy về Hà Nội”

 

Bài thơ Ngày về của Chính Hữu ra đời ngay sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội đầu năm 1947 lập tức được những người lính yêu thích vì khẩu khí ngang tàng, kiêu hãnh, hợp tâm tình thế hệ thanh niên mới rời ghế nhà trường chưa lâu. “Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu. Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội. Bao giờ trở lại?”. Bài thơ được Lương Ngọc Trác phổ nhạc, truyền tải được không khí oai hùng nhưng đầy ắp sự lãng mạn. Nó cũng thành một hình mẫu cho nhiều bài hát cùng chủ đề, chẳng hạn đôi câu "Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm. Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa" đã được nhắc lại trong bài hát khác của Huy Du là Sẽ về thủ đô: “Cất bước ra đi chiều năm xưa. Dặm dài kháng chiến quên ngày về. Bụi đường trường chinh pha mái tóc. Thốt nhớ khi đi ghi lời thề”. Không khí anh hùng ca nhiều chất lãng mạn có phần bồng bột bao trùm khá nhiều ca khúc thời kỳ này: “Sống với đô thành! Chết với đô thành! Là đoàn trai đã ra đi một chiều, nhưng ta quyết trở về chiến thắng một ngày mai” (Trở lại đô thành - Tô Hải, 1947).

 

 

Những bài ca cùng âm hưởng có thể kể: Đêm trăng nhớ Hà Nội (Nguyễn Đức Toàn), Hà Nội đây rồi! (Văn Đức, 1949) và phổ biến hơn cả là Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi, 1947) và Tiến về Hà Nội (Văn Cao, 1949). Cả hai bản trường ca lẫn bản hành khúc này có hiệu ứng to lớn trong quần chúng chính là nhờ sự đan quyện giữa giai điệu đẹp và lời ca mang đậm tính biểu tượng. Ngay từ những câu hát đầu tiên, chúng đã gieo vào lòng người nghe một sự định hình Hà Nội như một trung tâm của đất nước và của cuộc kháng chiến: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm, đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!”. Ngày trở về được khắc họa bằng những nét tưng bừng khải hoàn ca: “Mai này lớp lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn” và “Trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về… Hà Nội bừng tiến quân ca”.

 

 

Một ca khúc đậm nét sử thi còn được nhắc đến nhiều là Ba Đình nắng (Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch, 1947), hồi tưởng lại khoảnh khắc “ba mươi sáu phố ngày hôm ấy, là những nhành sông đỏ bóng cờ. Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại, năm cánh xòe trên năm cửa ô”, được lấy lại từ bài thơ Nhớ về Hà Nội thuở vàng son của Vũ Hoàng Chương. Bài ca mang một chất liệu kịch tính có chút hoa mỹ, kết lại bằng hình dung ngày trở về trong một mùa thu: “Anh thầm tin sắp tới thu nào. Thu ngày mai thu thanh bình, đời đời sẽ hết điêu linh. Thu ngày mai thu chiến thắng, cờ vươn lên trong nắng hồng tươi”. Có cả sự hình dung pha chút ai oán về sự mất mát hi sinh: “Ngày về tươi vui! Nhưng giữa thủ đô ai chẳng ngậm ngùi. Bao mái tóc xanh ôm vành khăn trắng, bao má răn reo lệ cuốn tơi bời. Chờ chồng mong con về ngày chiến thắng, trong toán quân về đếm thiếu những ai!” (Trở lại đô thành).

 

Có một thực tế là những ca khúc trên hầu hết được viết vào trước năm 1950, thời điểm bắt đầu những cuộc chỉnh huấn lớn và cuộc kháng chiến vẫn ở giai đoạn “cầm cự” hoặc bước vào phòng ngự. Tính lãng mạn của chúng có lúc vấp phải sự phê bình. “Lạc quan tếu”, “chưa thấy được vai trò tất yếu của nhân dân”… là một vài nhận định nặng nề đã khép lại một giai đoạn lãng mạn trong  hình dung về ngày chiến thắng tương lai.

 
 

“Hà Nội ơi, vui lên Hà Nội ơi!”

Có một hình dung ngày về nữa, đó là ngày về trong tâm tưởng của chính những người sống trong lòng Hà Nội tạm chiếm suốt 8 năm (1947-1954). Một nhạc sĩ miền Nam là Trần Văn Nhơn ra làm việc tại Ban Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội giai đoạn 1948-1952 cũng có những cảm xúc về ngày huy hoàng đã qua: “Tôi nhớ tháng ngày sống nơi thủ đô hồi qua… Hà Nội yêu quý! Là chốn lịch sử ngàn năm, là trái tim của Việt Nam, là chính hồn Việt anh dũng!” (Hà Nội 49). Cũng mang cái tên Ngày về, bài hát của Hoàng Giác lại gắn với bối cảnh một cuộc trở về của một người trai tha hương chứng kiến nàng thơ đã đi về bến khác. Bài hát cũng sống trong lòng nhiều người Hà Nội với những tâm sự nhiều ẩn ý về cuộc đoàn viên: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm! Tha thiết mong tìm về bạn cũ, những cánh chim mịt mùng bạt gió…”.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ vốn được biết đến như một nhà sư phạm âm nhạc và viết những bài hát chủ đề lãng mạn vào đầu những năm 1950. Vào lúc chuẩn bị tiếp quản giữa năm 1954 có một bài hát lan truyền trong thanh niên Hà Nội là Hà Nội giải phóng, với bút danh Đỗ Quyên: “Hà Nội ơi! Vui lên Hà Nội ơi! Qua tám năm sống nhục nhằn u buồn. Ngày nay ta ra thoát vòng tăm tối, tung ánh tưng bừng vàng sao theo gió lên… Qua tám năm cách xa đoàn quân hùng, gặp nhau đây quanh lá cờ giải phóng. Thương nhớ vơi đầy tan trong bóng hồng tươi”.

 

 

Nổi bật nhất trong những bài ca của ngày trở về ở góc độ này là Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương, 1954). Được viết trong một giai đoạn tương đối ngổn ngang, khi Hiệp định Geneve phân chia đất nước làm hai miền, những cuộc chia tay trong thời hạn đi lại tự do đã nảy sinh những cảm xúc đan xen giữa nỗi luyến nhớ Hà Nội và mong ngày trở về: “Một ngày tàn hương chinh chiến! Lửa khói lắng chìm, tìm về nơi bờ bến. Một ngày hồng tươi hoa lá, hát câu tình ca, nói lên lời thiết tha”. Ngày về này còn được tiếp nối bằng những mối hoài niệm của những người di cư, dệt nên một khung cảnh trong tâm tưởng tập thể về Hà Nội có “ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi”.

 

Sau ngày tiếp quản thủ đô 10/10/1954, các bài hát về Hà Nội tập trung vào ca ngợi đời sống mới và đề tài đấu tranh thống nhất đất nước. Chúng thường là những bài hát tiết tấu nhanh, sôi nổi, như Quanh quanh Bờ Hồ (Nguyễn Xuân Khoát), Bác đã về thủ đô (Lê Yên), Bài ca Hà Nội (Xuân Oanh, lời Đào Anh Kha), Quê tôi giải phóng (Văn Chung). Nhìn chung, phải một thời gian sau khi âm hưởng hừng hực của ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lắng xuống thì những bài hát về Hà Nội mới bắt đầu tìm được dáng vẻ trữ tình đặc trưng của một Hà Nội còn lưu giữ những nét vàng son quá khứ như Chiều Hồ Tây (Hồ Bắc, 1954), Chiều Hồ Gươm (Trần Thụ, 1954), Gửi người em gái miền Nam (Đoàn Chuẩn-Từ Linh, 1956)…

 

Nhưng vẻ kiều diễm của những cảm xúc riêng tư như “Em tôi đi, màu son lên đôi môi, khăn san bay, lả lơi trên hai vai. Trời thắm gió trăng hiền, Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên” (Gửi người em gái miền Nam) cũng sớm nhường chỗ cho những đại cảnh mới đậm tính tập thể. Công cuộc kiến thiết Hà Nội và miền Bắc trong các kế hoạch lớn đã mau chóng đặt Hà Nội vào một hình dáng mới, mà sau mười năm đã được Vĩnh Cát điểm lại: “Hà Nội chuyện xưa rồng bay sáng chói, Hà Nội ngày nay bừng lên sức sống. Đây đó vang lừng, trên khắp nơi công trường tưng bừng, mười năm qua ôi rạng rỡ Thủ đô ta” (Hà Nội của ta, 1964). Trong khung cảnh này, Hà Nội sau ngày trở về mang màu sắc của chủ nghĩa tạo dựng, với khẩu khí luôn nhìn về phía trước.

 

 

Cuộc trở về Hà Nội đã đúng như hình dung của những nhạc sĩ ra đi vào những ngày cuối năm 1946. Nhưng có điều gì khác thì có lẽ là âm hưởng trữ tình đã nhường chỗ cho những bận tâm thực tế, những tính chất vận dụng các bài hát như phương tiện tuyên truyền cho đời sống mới. Bảy mươi năm đã qua, những gì ở lại với thời gian của những bài ca nổi bật cũng đã được khẳng định, song cũng còn đó một ngày trở về nhiều tính riêng tư hơn chưa được nhắc đến.

 

(Nguồn: https://special.nhandan.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều