Thơ giao hưởng Don Juan của Richard Strauss

02:58 PM, Thứ năm, 11/04/2024
163

Tác giả: Mai Hạnh

 

Tranh: El Beso – Pinacoteca de Brera, Milán, 1859 (trích).

 

Thế kỷ 19, khí nhạc đã trở thành một bộ môn nghệ thuật lý tưởng cho tinh thần Lãng mạn, bởi hình thức biểu đạt này có thể thoát khỏi ràng buộc với lời ca và những hình ảnh cụ thể, do đó, nó có thể khơi gợi cảm xúc, suy tưởng và nhận thức vượt xa sức biểu đạt của ngôn từ. Các nghệ sĩ thời bấy giờ đã dần thoát khỏi những quy cách biểu đạt truyền thống Cổ điển, khi họ muốn được tự do để cho ý tưởng, xúc cảm của mình tuôn trào theo dòng mạch mà không phải chịu ràng buộc bởi cấu trúc sonata nghiêm ngặt hay bị phân ngắt thành các chương tách rời. Bởi vậy, bên cạnh các bản giao hưởng gồm nhiều chương như truyền thống, giai đoạn này ở châu Âu đã có một thể loại mới hình thành, phù hợp với ý muốn của các nghệ sĩ là Symphonische Dichtung/Tondichtung (tiếng Anh: Symphonic Poem/Tone Poem), có thể dịch sang tiếng Việt là ‘Thơ Giao hưởng’, hoặc ‘Thơ âm’. Mỗi tác phẩm thường có lập trình một chương, xây dựng từ một motif hay chủ đề nhất định đại diện cho một hình tượng; những motif, chủ đề này được trình bày, biến đổi, phát triển qua các phần có đặc điểm và nhịp độ tương phản nhau. Nếu thực sự coi đây là một bài thơ bằng âm nhạc, thì những phần này tương tự các khổ thơ trong cả tổng thể hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nền gốc của các nhạc sĩ Lãng mạn vẫn là từ những gì họ được đào tạo trong truyền thống Cổ điển, vì thế, ở nhiều tác phẩm thơ giao hưởng vẫn còn dấu vết của cấu trúc sonata hoặc gần với một bản giao hưởng nhiều chương.

 

Các nhạc sĩ Lãng mạn thường xuyên lấy cảm hứng từ các ngành nghệ thuật khác như văn học, hội họa, sân khấu… và hay đặt tên tác phẩm âm nhạc của mình theo hình tượng đó. Những tác phẩm âm nhạc đấy được xếp vào một hàng ngũ gọi là âm nhạc chương trình (program music). Nhưng, dù là cùng một hình tượng, ý tưởng, giữa các ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, góc nhìn, cách cảm nhận và hệ tư tưởng, triết lý nhân sinh… lại có độ chênh nhất định. Một hình tượng nổi tiếng để lấy ví dụ cho hiện tượng này là Don Juan, một nhân vật Tây Ban Nha theo chủ nghĩa tự do, là cái tên biểu tượng dùng để ví von khi người ta nhắc tới những kẻ đa tình, trăng hoa. Don Juan đã được khắc họa trong kịch của Molière, trong opera của Mozart, trong tiểu thuyết bằng thơ của Lord Byron, và trong thơ giao hưởng viết năm 1888 của Richard Strauss.

 

Cùng là chủ đề theo đuổi tình ái, nhưng cách làm của R.Strauss không hẳn là trình bày một câu chuyện kể có lớp lang tuần tự như Berlioz kể về hành trình mơ mộng trong bản Symphonie Fantastique, cũng không chỉ bồng bềnh trong một cõi đầy cảm xúc như Liszt. Don Juan, Op. 20 của R.Strauss dựa trên vở kịch Don Juans Ende (Cái kết của Don Juan) của Nikolaus Lenau. Có thể nói, đi theo Lenau là khán giả lọt vào một chuỗi những suy ngẫm triết lý về công cuộc theo đuổi tình yêu hơn là kể lại những kỳ công lãng mạn của kẻ lăng nhăng. Strauss đã khắc họa một Don Juan nhiều sắc màu như thế qua âm nhạc của ông: ta có thể thấy ngay tính cách phóng khoáng, táo bạo của Don Juan ở ngay nét mở đầu do dàn dây thể hiện, và theo sau đó là cả dàn nhạc cùng hòa vào trong bầu không khí cuồng say, thể hiện một khao khát mãnh liệt của con người chạy theo cái đẹp. Ta có thể nghe bè violon mảnh dẻ như giọng cao của cô gái đối thoại với bè cello trầm ấm của Don Juan. Ta có thể chợt thấy tiếng sáo ngẩn ngơ, như tiếng thở dài khi cuộc tìm kiếm tình yêu lý tưởng đi vào tuyệt vọng, và ta có thể thấy những khi âm nhạc dịu lại trên nét oboe khẽ thổi, như cách những cô gái bẽn lẽn hồi đáp kẻ săn đuổi. Về cuối, ta nghe thấy khung cảnh lễ hội đông đúc nhưng tràn ngập bất an, len lỏi nỗi hoang mang chán nản của cậu trai trẻ ngông cuồng. Don Juan không bao giờ tìm thấy “nàng” lý tưởng. Don Juan đầu hàng và Don Juan đã tìm đến cái chết.

 

Theo kịch bản gốc của Lenau, Don Juan lăng nhăng, là vì gã treo trong mình một quyết tâm truy đuổi người phụ nữ tuyệt mỹ – Strauss cũng nương theo đó mà in lại ba đoạn trích của vở kịch vào tổng phổ và các tờ giới thiệu chương trình buổi hòa nhạc như một cách kết nối âm nhạc của mình với ngôn từ. Nhưng rồi chính nhạc sĩ cũng cảm thấy ngôn từ là thừa thãi, bởi chỉ cần riêng âm nhạc, vừa trong trẻo vừa đầy tràn màu sắc cũng đủ kích thích trí tưởng tượng, người ta dễ dàng thưởng thức Don Juan mà không cần đọc chữ nào của Lenau.

 

Thơ giao hưởng Don Juan, Op. 20 đã vượt thoát khỏi cái bóng của nhiều tác phẩm khác cùng chủ đề, và đạt được thành công trên bình diện quốc tế. Cùng với loạt tác phẩm khác như Also sprach Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế), Don Quixote, Macbeth…, Don Juan Op. 20 đã tạo dựng danh tiếng cho Strauss là một tác giả có ngôn ngữ âm nhạc hiện đại tiêu biểu, ghi dấu tên tuổi ông vào lịch sử thể loại Thơ Giao hưởng.

 

Nghe tác phẩm

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều