Trương Quang Lục và câu chuyện về 'tình yêu bất diệt'

07:00 AM, Thứ năm, 28/11/2024
373

Tác giả: Quế Lâm

 

Với nhạc sĩ Trương Quang Lục, âm nhạc không chỉ là niềm đam mê mà còn là cách ông thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Qua những ca khúc của mình, trong đó có bài Vàm Cỏ Đông, ông gửi gắm tình yêu quê hương tha thiết. Trong lòng người mến mộ, Trương Quang Lục không chỉ là một nhạc sĩ đa tài mà còn là tấm gương sáng về tinh thần miệt mài tự học để theo “tình yêu bất diệt” của mình cùng âm nhạc.

 

Vàm Cỏ Đông - "điểm giao nhau" giữa 2 dòng cảm xúc

 

“Năm 1975, khi đất nước thống nhất, tôi có chuyến vào Nam. Việc đầu tiên tôi làm sau khi đến Sài Gòn (khi đó chưa là TP.HCM) là đi tìm nhà thơ Hoài Vũ. Ban đầu, anh ấy không biết tôi là ai vì chúng tôi đã gặp nhau bao giờ đâu. Nghe tôi xưng tên, Hoài Vũ đến ôm chầm lấy tôi. Anh ấy vồn vã hỏi tôi muốn đi đâu, thăm thú nơi nào, anh sẽ hết lòng hỗ trợ. Tôi nói anh giúp tôi tới sông Vàm Cỏ Đông” - nhạc sĩ Trương Quang Lục chậm rãi kể lại cuộc hội ngộ của 2 tác giả bài hát Vàm Cỏ Đông gần 50 năm về trước.

 

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán tặng quà của Tỉnh ủy cho nhạc sĩ Trương Quang Lục khi ông về Long An
 

Vậy là ngay hôm sau, một nhà thơ, một nhạc sĩ cùng quê hương Quảng Ngãi về thăm dòng sông ở đất Long An. Nhạc sĩ Trương Quang Lục nói rằng, đứng trên cầu Bến Lức nhìn dòng Vàm Cỏ Đông lững lờ trôi khi quê hương không còn bóng giặc khiến ông trào dâng một cảm xúc khó thể nào diễn tả! Dòng sông đi vào âm nhạc của ông một cách hào hùng nhưng đầy tình cảm giờ đây nhẹ nhàng trôi rất đỗi bình yên. “Hòa bình rồi!” - nhạc sĩ khẽ cất lời như nói với chính mình trong giây phút ấy.

 

Ngoài 90 tuổi, nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn cất giữ rất nhiều kỷ vật liên quan bài hát Vàm Cỏ Đông. Những trang giấy nhuốm màu thời gian được nhạc sĩ xếp ngay ngắn trong tập bìa cứng.

 

Cầm mảnh báo được cắt ngay ngắn có in bài thơ Vàm Cỏ Đông, nhạc sĩ Trương Quang Lục chậm rãi kể: “Hôm đó, tôi được nghe ngâm bài thơ Vàm Cỏ Đông trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trùng hợp làm sao, tôi cũng vừa đọc được bài thơ trên báo. Ngay đêm đó, tôi sáng tác bài hát Vàm Cỏ Đông, chỉ trong vòng hơn 1 giờ là xong. Tôi cũng cắt bài thơ giữ lại làm kỷ niệm đến bây giờ”.

 

Sự đồng điệu về cảm xúc của 2 người xa lạ đã tạo nên một tác phẩm có thể nói là trường tồn trong lòng người Long An. Nhạc sĩ Trương Quang Lục kể rằng, ông gửi gắm trong bài thơ tình cảm dành cho miền Nam, cho quê hương, những vùng đất sau vĩ tuyến 17.

 

“Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông” - câu hỏi ấy xoáy sâu vào dòng cảm xúc của chàng nhạc sĩ, không chỉ gợi lên nỗi thương nhớ quê nhà mà còn có cả “chút tình riêng” trong đó, bởi quê nhà của bà Nguyễn Thị Vân - vợ ông, ở bên cạnh sông Hồng.

 

“Tôi đọc câu thơ mà cảm giác câu hỏi ấy là mình hỏi vợ. Khi cái chung hòa quyện với cái riêng sẽ tạo nên sự thăng hoa trong cảm xúc. Có lẽ chính vì vậy mà Vàm Cỏ Đông là một trong những bài hát mà tôi viết nhanh nhất” - nhạc sĩ Trương Quang Lục chia sẻ.

 

Như để minh chứng rằng bài hát được viết ra bằng dòng cảm xúc dâng trào, nhạc sĩ lấy ra tờ giấy nhỏ được gấp gọn. Đó là bản thảo đầu tiên của bài hát Vàm Cỏ Đông. Bài hát được chép tay từng nốt nhạc, rất rõ ràng và ít tẩy xóa. Dường như lúc đó, những giai điệu đã chảy thành dòng nên nhạc sĩ chỉ cần “chép ra một mạch” là hoàn thành bài hát.

 

Và chính nhạc sĩ Trương Quang Lục cũng không ngờ được bài hát viết bằng dòng cảm xúc của mình lại được công chúng yêu thích nhiều đến vậy. Bài hát được in với nhiều kích cỡ khác nhau và bán rất chạy. Có lần, nhạc sĩ thấy các bản in bài hát được bán trên phố, ông mua vài bản và hỏi thăm chủ cửa hàng có bán được không thì nhận được câu trả lời: “Bán chạy lắm!”. Những bản in mua vào buổi ấy, nhạc sĩ vẫn giữ cho đến hôm nay.

 

Hành trình tự học của nhạc sĩ tài hoa

 

Bắt đầu sáng tác nhạc từ khi còn học phổ thông, đến nay, nhạc sĩ Trương Quang Lục sáng tác hơn 500 bài hát, hầu hết là nhạc thiếu nhi, nhạc quê hương, đất nước mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, giàu tình cảm. Rất nhiều ca khúc của ông được các địa phương, trường học tại TP.HCM và các tỉnh lân cận chọn là bài hát truyền thống.

 

Các bài hát: Chỉ có một trên đời, Trái đất này là của chúng mình,... đã gắn bó với bao lớp trẻ thơ trên cả nước. Trong đó, bài hát Trái đất này là của chúng mình (phổ thơ Định Hải) ra đời năm 1979 nhằm hưởng ứng cuộc thi sáng tác các bài hát mới cho trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ủy ban Năm quốc tế thiếu nhi Việt Nam phát động được lan tỏa nhiều nơi trên thế giới như Liên hoan Hợp xướng quốc tế tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2002 hay Lễ hội Whitehorse Heritage tại Canada vào năm 2009,...

 

Ai cũng biết Trương Quang Lục là một nhạc sĩ tài hoa nhưng ít người biết đó là “quả ngọt” của suốt một hành trình tự học. Gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng nhạc sĩ lại yêu nhạc từ khi còn là học sinh. Chàng học trò nhỏ chọn cách mày mò tự học và sáng tác từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 

Lúc đó, sách âm nhạc ở Việt Nam còn hạn chế nên hầu hết nhạc sĩ học từ tài liệu tiếng Pháp. Cứ như vậy, âm nhạc trở thành "người bạn" đồng hành trong cuộc đời nhạc sĩ.

 

Đã tốt nghiệp phổ thông nhưng Hà Nội vẫn chưa có đại học đào tạo ngành âm nhạc, chàng trai trẻ Trương Quang Lục chọn học Đại học Bách khoa và trở thành kỹ sư, công tác tại miền Bắc.

 

Khi đất nước thống nhất, ông vào Nam, sau đó được điều về Ban Khoa giáo của Báo Sài Gòn Giải Phóng, nơi ông gắn bó gần 20 năm cho đến lúc về hưu. Trong suốt khoảng thời gian đó, nhạc sĩ vừa công tác, vừa sáng tác nhạc và ông nhận định rằng những vị trí công việc khác nhau cho ông thêm nhiều tư liệu để đưa vào các sáng tác của mình.

 

Nhạc sĩ Trương Quang Lục khẳng định: “Kỹ sư, nhà báo và nhạc sĩ, nghe thì có vẻ chẳng liên quan gì nhưng với tôi lại rất liên quan. Cả 3 công việc đều có một điểm chung là cần sự tỉ mỉ, chính xác. Nghề báo cho tôi nhiều cơ hội đi thực tế, qua đó có thêm cảm xúc, đề tài, chất liệu cho các sáng tác của mình”.

 

Nhạc sĩ Trương Quang Lục soạn nhạc bằng phần mềm trên máy tính

 

Và bây giờ, khi ở độ tuổi quá 90, nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn chưa ngừng tay viết. Ông giữ thói quen đọc báo, sáng tác nhạc và viết báo như một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

 

“Bể học mênh mông” nên ở độ tuổi đáng lẽ phải nghỉ ngơi, nhạc sĩ vẫn không ngừng học. Tủ sách nhà ông đầy kín sách, chủ yếu là về âm nhạc, đặc biệt là dân ca Nam Bộ.

 

Không chỉ đọc sách, ông còn học sử dụng Internet, tự mở và quản lý kênh YouTube của riêng mình với hơn 1.000 video là các bài hát do ông sáng tác. Nhạc sĩ còn có thể viết nhạc trên máy tính, hòa âm và dựng lại video,... Trong chiếc laptop và máy tính bàn của ông là cả một gia tài âm nhạc. Nhạc sĩ sử dụng thành thạo phần mềm viết nhạc trên máy tính, quản lý tốt kênh YouTube cá nhân và vẫn giữ thói quen làm việc qua email.

 

“Các phần mềm hỗ trợ rất nhiều cho việc sáng tác, nhạc sĩ không cần chép tay bài hát, cũng không cần dạo đàn nhiều lần để cảm nhận giai điệu bài hát của mình. Muốn làm được thì phải tự học và tôi còn học ở các con mình. Điều gì không biết thì nói con chỉ giúp” - nhạc sĩ nói khi tay vẫn không ngừng thao tác trên máy tính.

 

Cuộc đời của nhạc sĩ Trương Quang Lục là một hành trình không ngừng sáng tạo và học hỏi. Những tác phẩm âm nhạc của ông, trong đó có ca khúc Vàm Cỏ Đông ẩn chứa tình yêu quê hương sâu sắc và những thông điệp nhân văn.

 

Âm nhạc của ông đã và đang đồng hành cùng bao thế hệ người Việt với những giai điệu ngọt ngào in sâu vào ký ức. Và nhạc sĩ còn là tấm gương sáng cho tinh thần tự học, bền bỉ với đam mê.

 

Hình ảnh một nhạc sĩ già vẫn miệt mài sáng tác ở tuổi quá 90 sẽ mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho công chúng./.

 

(Nguồn: https://baolongan.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều