Bài hát Đỗ Nhuận: Những sáng tạo độc đáo từ khai thác âm nhạc dân gian truyền thống

11:31 PM, Thứ tư, 26/04/2023
386

Tác giả: Cát Vận

Đăng ngày 01/02/2023 - 18:32

 

Là một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của âm nhạc đương đại Việt Nam, Đỗ Nhuận là tác giả của hàng trăm bài hát, hàng chục ca cảnh, nhiều tác phẩm âm nhạc hòa tấu, giao hưởng và nhạc kịch. Âm nhạc của ông lan tỏa từ những năm 40 của thế kỷ trước theo suốt các giai đoạn cách mạng và âm vang mãi tới tận hôm nay mang theo sức sống của một thời kỳ lịch sử chói ngời không thể nào quên.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin được đề cập tới một loại hình phổ cập nhất trong các sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là các bài hát với góc nhìn: những sáng tạo độc đáo từ khai thác âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam.

 

Thấm đẫm những âm thanh cuộc sống từ thuở niên thiếu cho đến khi trưởng thành, từ làng quê nghèo đói cho tới nơi đô thị phồn hoa và tới những ngày tràn đầy nhiệt huyết tìm đường đến với cách mạng, Đỗ Nhuận đã nhận thức cuộc sống bằng âm thanh - một phương tiện duy nhất cảm nhận âm nhạc để từ đó tạo nên cốt cách con người và phong cách, ngôn ngữ âm nhạc rất riêng: phong cách Đỗ Nhuận đầy chất dân gian hiện đại. Và phong cách này bao trùm lên tất cả các thể loại âm nhạc của ông, nhất là trong lĩnh vực nhạc hát, đặc biệt là các bài hát. Ngược dòng thời gian, chúng ta cùng tìm hiểu một số bài hát tiêu biểu được nhạc sĩ sáng tác trong các thời kỳ khác nhau để cùng hiểu thêm chân giá trị âm nhạc của ông trong khai thác chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống.

 

Trước hết, nói về Hành khúc một hình thức mà âm nhạc dân gian không có, Đỗ Nhuận đã tiếp nhận hình thức này qua nhịp điệu của âm nhạc Phương Tây tạo nên không gian âm thanh của những bản Hành khúc thuần Việt đầu tiên. Đó là những Hành quân xa (1953), Trên đồi Him Lam và Chiến thắng Điện Biên (1954), chùm ca khúc này nằm trong Tổ khúc Chiến thắng Tây Bắc đã trở thành những bản hành khúc đầu tiên mang tâm hồn Việt, âm điệu Việt. Chúng ta cùng tìm hiểu những bản hành khúc này, trước hết nó được xây dựng trên điệu thức 5 âm mà Hành quân xa là bản hành khúc tiêu biểu nhất. Chính ông đã ghi rõ điều đó trong Hồi ký Âm thanh Cuộc đời là “mẫu mực của sự tìm ra ngôn ngữ dân tộc - hiện đại trong thể loại hành khúc” như nhiều nhạc sĩ đã nói. Chỉ với 5 âm sòn la đô rê mi nhạc sĩ đã xây dựng nên bản hành khúc rất ngắn với bốn câu nhạc, mỗi câu gồm bốn ô nhịp tạo nên một bản hành khúc độc đáo trong lịch sử của thể loại này của Tân nhạc và âm nhạc cách mạng Việt Nam. Đáng chú ý: tác giả đã sử dụng quãng 7 trưởng phù hợp với âm ngữ các từ có dấu hỏi đặc trưng của ngữ âm Việt, kết hợp với quãng 4 tạo nên sự khỏe khoắn, mạnh mẽ vốn có của thể loại hành khúc trong âm nhạc phương Tây, làm nên dấu ấn dân tộc hiện đại như tác giả và nhiều nhạc sĩ đã nói ở trên. Dấu ấn của việc sử dụng điệu thức 5 âm trong thời kỳ này đã tạo nên nền móng cho những sáng tác sau này của ông với một bút pháp ngày càng sáng tạo, ngày càng nâng cao. Những nhân tố đó, chúng ta thấy rõ trong các bài hát ở các thời kỳ sau như Bài ca cách mạng tiến quân, Vui mở đường, Trống hội tòng quân... Những tác phẩm này được tác giả sử dụng nhuần nhuyễn các điệu thức 5 âm hoặc hai điệu thức 5 âm kết hợp cùng với việc khai thác bổ sung các tiết tấu, nhịp điệu trong âm nhạc truyền thống tạo nên những bản hành khúc thuần Việt.

 

Một dấu ấn khác trong việc khai thác dân ca và âm nhạc truyền thống tạo nên những nét độc đáo trong nhiều bài hát của Đỗ Nhuận mà trong đó thể hiện bút pháp già dặn, sáng tạo phải nói đến là bài Hát mừng các cụ dân quân. Tác giả viết bài hát này vào năm 1969 khi nghe tin các cụ ông dân quân ở Hoàng Hóa, Thanh Hóa bắn rơi máy bay giặc Mỹ. Dựa trên chất liệu của Hò sông Mã dân ca Thanh Hóa, tác gỉả đã cảm xúc và viết liền mạch thành một điệu Hò Sông Mã mới với cấu trúc 2 vế tạo thành hai đoạn đơn gọn gàng. Có thể nói, bài hát như Một khúc biến tấu có lời ca mà chủ đề được tích hợp từ các điệu Hò Sông Mã được nhạc sĩ phát triển rất tài tình bằng các thủ pháp âm nhạc như kết hợp các điệu trưởng, thứ, lồng ghép các điệu thức 5 âm cùng với việc thay đổi tiết tấu linh hoạt tạo nên các tuyến âm nhạc nhiều màu sắc rất sinh động và xúc tích.

 

Một dấu ấn khác nữa là thủ pháp khai thác tiết tấu từ âm nhạc dân gian truyền thống được tác giả sáng tạo nên trong bài hát Vui mở đường. Để tạo nên không gian âm thanh vừa hào sảng, trẻ trung, vừa mạnh mẽ, cuốn hút, bài hát sau câu mở đầu vang lên như một câu hò, tác giả đã đưa chúng ta vào nhịp trống ngũ liên sôi động thường vang lên trong cuộc sống khi có vấn đề cần cảnh báo khẩn cấp. Phù hợp với nội dung kêu gọi thanh niên đi mở đường ra tiền tuyến đánh giặc, tác giả đã vận dụng nhiều thủ pháp vận động giai điệu chuyển động liên tục bằng sự kết hợp các điệu thức 5 âm. Mở đầu bài hát là giọng Đô trưởng âm nhạc vang như một câu hò rồi dẫn vào nhịp trống ngũ liên với những âm thanh sôi động, cuốn hút viết ở giọng son thứ, tác giả đưa ta vào không gian của sự náo nức của tuổi trẻ đi mở đường. Với các biến âm ở bậc VI và các nốt cảm âm ở bậc VII trên nền tiết tấu ngũ liên, bài hát tạo nên không gian nô nức, hứng khởi của tuổi trẻ đi mở đường cứu nước. Đôi khi giai điệu dừng lại xuất hiện nốt biến âm ở bậc VI tạo nên sự ngưng nghỉ như một tiếng hò của người lĩnh xướng (người cầm càng) để rồi sau đó âm nhạc lại tiếp tục dòng chảy. Với tôi, nhũng bài hát này là nổi bật nhất, dễ nhận biết nhất trong sáng tạo khai thác chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Đây chỉ là những ý kiến chủ quan, giản đơn và khái lược nhất trong di sản nhạc hát của ông, rất mong có những nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về nội dung này.

 

Với việc khai thác âm nhạc dân gian, Đỗ Nhuận đã biến những bài hát một thời trở thành mãi mãi; sự mãi mãi ấy chính là hơi thở của cuộc sống mà ông đã cảm nhận được, lắng nghe được để rồi thông qua vốn sống của mình, vốn sống của văn hóa âm nhạc dân gian mà ông lĩnh hội được, sáng tạo nên những bài hát bất hủ ghi lại thành cuốn sử biên niên bằng âm thanh của đời mình và của cách mạng. Từ Áo mùa đông, Chiều tù, Côn Đảo đến Đèo bông lau, Đoàn lữ nhạc, Du kích ca, Du kích sông Thao, rồi Đường bốn mùa xuân, Việt Nam quê hương tôi cùng nhiều tác phẩm khác sau này của ông chính là cuộc hành trình sáng tạo để tạo nên những dấu ấn của riêng mình, đóng góp của riêng mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại. Dấu ấn ấy, cũng để cho thế hệ sau ông và các thế hệ kế tiếp làm hành trang tiếp tục sáng tạo bay lên trong không gian âm nhạc của thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập mà mỗi nhạc sĩ Việt Nam mang theo di sản âm nhạc quá khứ với danh xưng Việt Nam quê hương tôi, một bài hát đã được Việt hóa trên nhịp ¾ của âm nhạc phương Tây. Viết tới đây, tôi nhớ tới lời của Nhà văn quân đội được Giải thưởng Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Châu (đại ý): “Đi tới tận cùng dân tộc ta sẽ gặp nhân loại". Tôi xin mượn lời này để kết thúc bài viết về một đề tài lớn: nhạc sĩ Đỗ Nhuận với những sáng tạo độc đáo trong khai thác âm nhạc dân gian truyền thống.

Hà Nội, 10-12-2022

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share
Bài viết liên quan
Xem thêm
Toru Takemitsu (1930-1996)

Nhạc sĩ

24/04/2023

Wagner có gì không ổn?

Nhạc sĩ

24/04/2023

Thầy Đỗ Nhuận của tôi

Nhạc sĩ

24/04/2023

Xem nhiều