“Bản hùng ca Điện Biên” – Tác phẩm được ra đời khi mọi yếu tố đều đã hội tụ đủ

04:59 PM, Thứ sáu, 24/05/2024
260

Thực hiện: Minh Nguyệt

 

Cảm xúc, lòng trắc ẩn của sự biết ơn, chất liệu âm nhạc, không gian, hình tượng sáng tác đều đã có đủ, điều nhạc sĩ Đức Tân thiếu nhất trong việc hoàn thành “Bản hùng ca Điện Biên” chính là thời gian để hội tụ cái duyên.

 

Tối 19/5/2024, trong Lễ tổng kết và trao giải Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” được tổ chức tại tại Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên, Ban Tổ chức đã trao 21 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc nhất. “Bản hùng ca Điện Biên” của Thượng tá, nhạc sĩ Đức Tân chính là một trong hai tác phẩm đạt giải Nhì (không có giải Nhất) đã được vinh danh trong đêm trao giải.

 

– Xin chúc mừng Thượng tá, nhạc sĩ Đức Tân đã giành giải Nhì với ca khúc “Bản hùng ca Điện Biên” trong cuộc vận động sáng tác Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên”. Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi giành được giải thưởng này được không?

 

Tôi cảm thấy rất tự hào khi được đón nhận giải thưởng này. Đây là một phần thưởng, một dấu ấn của cá nhân tôi đối với Tháng Âm nhạc Bài ca Điện Biên do Hội Nhạc Sĩ Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên. Xin được trân trọng gửi lời cảm ơn tới Ban tổ chức và Hội đồng thẩm định.

 

 

– Là một Thượng tá quân đội và là giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chắc hẳn anh có rất nhiều suy nghĩ, trăn trở trong quá trình hoàn thành một ca khúc với dòng nhạc Cách mạng như “Bản hùng ca Điện Biên”?

 

Quả thực tôi rất trăn trở và thấy áp lực nhất định khi tự xác định mình phải viết một bài hát dành cho chiến thắng lịch sử đầy hào hùng của dân tộc. Sau chuyến hành hương “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên” tôi tự cảm thấy mình đã hội tụ đủ tư liệu để sáng tác. Đó là cảm xúc, lòng trắc ẩn của sự biết ơn, chất liệu âm nhạc, không gian, hình tượng của một Tây Bắc hùng vĩ, nơi gắn với biên cương của ba nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc, hình tượng của một Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, hình tượng của những chiến sĩ anh dũng hy sinh với máu xương thấm vào đất mẹ để hôm nay đây những cánh phượng rực trời như dòng máu đỏ của cha ông để những cành ban trắng được rung rinh trước gió giữa đất trời bao la của sự tự do, hình tượng của người tướng quân vần xoay thế trận khi chuyển từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang thành “Đánh chắc, tiến chắc”.

 

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc nên viết gì, nên đặt vấn đề ra sao để toát lên được một Điện Biên hào hùng trong chiến thắng lịch sử, một Điện Biên ngời sáng tương lai với những cánh bay, những nhân tài đang hòa mình vào dòng huyết mạch của một Việt Nam đang vươn xa trên trường quốc tế. Tôi muốn làm sao để không sa đà vào việc kể lể những chiến công nhưng vẫn phải toát lên được uy dũng của Đại tướng, phải nêu lên được sự hy sinh của những chiến sĩ mà xương máu các anh giờ đây đã chuyển hóa thành những bông hoa của sự tự do, của đôi lứa hạnh phúc, phải nói lên một Điện Bên đang vươn mình trong thời đại mới. Đó thật sự là những câu hỏi khó.

 

Thượng tá, nhạc sĩ Đức Tân và bản nhạc ca khúc “Bản hùng ca Điện Biên”. Ảnh: NVCC

 

– Được biết anh đã mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện được ca khúc này, vậy anh Đức Tân có thể chia sẻ một số điều lý thú xoay quanh quá trình đó cũng như điều đặc biệt nào đã đến giúp cho “Bản hùng ca Điện Biên” của anh kịp tham gia vào cuộc vận động sáng tác “Bài ca Điện Biên” đầy ý nghĩa này được không?

 

Như trước đó tôi đã chia sẻ, hầu như mọi yếu tố để viết nên “Bản hùng ca Điện Biên” đều đã có đủ, điều tôi thiếu nhất chính là thời gian để hội tụ “cái duyên” cho bài hát được ra đời. Thời hạn nộp bài sắp hết, tôi vẫn bận bịu với các chương trình của nhà trường, của Tháng Âm nhạc Điện Biên với các số livestream TikTok vào 20h tối thứ bảy hàng tuần. Sự bộn bề của cuộc sống làm tôi bị phân tán tư duy nên nhiều lần dự định viết rồi lại qua mất cơ hội. 

 

Cho đến một ngày rất sát đến hạn cuối nộp bài, khi tôi đưa các bạn ca sĩ đi biểu diễn nhân dịp họp mặt của các bác cựu chiến binh, ca sĩ Dương Đức gặp tôi và nhờ tôi viết một bài hát cho nhóm. Khi nắm được các thành viên của nhóm là ai, đó cũng là lúc tôi đã định hình xong điều mình cần viết và ngay lập tức tôi nhận lời. 

 

Tôi đã hẹn các bạn đi thu âm vào ngay trưa ngày kia, đồng thời ấn định trước giờ thu bởi thời hạn nộp bài là không thể thay đổi được. Dương Đức lập tức nhấc máy lên gọi cho hai bạn trong nhóm là Trung Kiên và Mạnh Hoạch để chốt thời gian. Dù nói sẽ gửi bài để các bạn ca sĩ luyện tập trong khi tôi chưa có một nốt nhạc nào nhưng cuối cùng tôi vẫn hoàn toàn đúng hẹn.

 

“Bản hùng ca Điện Biên” có âm vực rất rộng, hai quãng tám rưỡi, từ nốt sol dưới hai gạch của dòng kẻ phụ với những nốt đầu tiên của bài hát dành cho Trung Kiên cho tới nốt đô hai gạch trên dòng kẻ phụ dành cho Mạnh Hoạch. Có thể hiểu rằng bài hát được viết để dành riêng cho ba giọng Trung Kiên (Baritone), Dương Đức (Tenor 2) và Mạnh Hoạch (Tenor 1). Để viết được bài hát từ những nốt đầu tiên cho tới nốt cuối cùng, tôi phải tắt điện thoại, ngồi một mình tĩnh tại trong xe, tập trung một cách tuyệt đối để được tiếp cận với những cảm xúc đang chất chứa trong mình bao lâu nay. 

 

“Bản hùng ca Điện Biên” ra đời như vậy đó. Tuy vậy phải nhắc lại rằng để có một “Bản Hùng ca Điện Biên”, tôi đã mất rất nhiều thời gian để góp nhặt rất nhiều điều mà tôi gọi là tư liệu. Cũng xin được chia sẻ một chút về việc sản xuất là bốn anh em chúng tôi thu thanh từ 11 giờ trưa cho đến 5 giờ chiều mới ra khỏi phòng thu, sau đó tôi tiếp tục gửi bản demo cho các bạn đồng nghiệp của tôi để thu thêm tốp ca, trong lúc đó một đồng nghiệp khác tranh thủ ngồi mix trước bản tam ca và đợi các bạn tốp ca thu xong thì tinh chỉnh thêm bản tốp ca. Đây cũng thêm một lần tôi đẩy việc sản xuất âm nhạc đến giới hạn cực điểm, cũng là một trong những kỷ lục sản xuất của chính mình khi chưa đầy 30 tiếng tôi đã hoàn thành bản âm thanh cuối cùng để nộp cho ban tổ chức bao gồm cả sáng tác, phối khí, thu thanh tam ca, tốp ca và hậu kỳ.

 

 

– Với tư cách là một nhạc sĩ tích cực tham gia vào chương trình Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên”, theo anh, đâu là yếu tố làm nên thành công của chương trình này?

 

Để làm được một chương trình nghệ thuật nói riêng hoặc một công việc mang tính phối hợp nói chung thì rất cần nhiều yếu tố hội tụ. Tôi nói ví dụ về một chương trình nghệ thuật; các yếu tố cần hội tụ ở đây bao gồm ekip nội dung, ekip nghệ thuật, phương án kỹ thuật, thời gian triển khai, yếu tố kỹ thuật phục vụ theo yêu cầu của chương trình, địa điểm và đặc biệt đó là kinh tế bởi nó là chất kết dẫn cho các bộ phận kết nối với nhau. Tháng âm nhạc “Bài ca Điện Biên” gồm một chuỗi sự kiện do Hội Nhạc sĩ đứng ra tổ chức, sơ bộ có thể kể tới bao gồm: Phát động cuộc vận động sáng tác, tổ chức trại sáng tác âm nhạc, thực hiện 6 chương trình livestream quảng bá cho Tháng âm nhạc vào tối thứ bảy hàng tuần, thực hiện chương trình livestream đặc biệt từ 8h sáng đến 17h30 chiều tại hai điểm cầu là Hà Nội và Điện Biên, phát hành sách nhạc tuyển tập 70 ca khúc “Bài ca Điện Biên” được chọn lọc từ 196 tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác và cuối cùng là Lễ tổng kết và trao giải “Bài ca Điện Biên” diễn ra vào tối 19/5, đúng kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra không thể không nhắc tới chuyến Hành hương “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên” từ 14/4-21/4/2024 do Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức và Hội Nhạc sĩ chịu trách nhiệm ba chương trình Nghệ thuật cho ba đêm ở các địa điểm nơi Đoàn dừng chân đã tạo thêm nhiều cảm xúc cho các văn nghệ sĩ tham gia.

 

Để có được một chuỗi sự kiện trên, Hội Nhạc sĩ nhận được nhiều chia sẻ, chỉ đạo, đồng hành của PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và người triển khai trực tiếp là Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh. Nhạc sĩ Đức Trịnh vừa là tướng chỉ đạo, đồng thời cũng xung trận quyết liệt trên nhiều mặt trận để toàn bộ chương trình Tháng âm nhạc có thể vận hành tốt. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới công sức của Chánh văn phòng Hội Nhạc sĩ, Đại tá, nhạc sĩ Đinh Công Thuận, người hùng thầm lặng của toàn bộ chuỗi sự kiện, đảm bảo mọi việc phải đi đúng hướng theo sự thống nhất, là chất kết dính của Hội Nhạc sĩ từ những nhạc sĩ trẻ tới những nhạc sĩ gạo cội. 

 

Ekip kịch bản của MATE Media và Nhóm truyền thông MUCA trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội cũng đã góp một phần không nhỏ cho những chương trình truyền thông của Tháng âm nhạc khi liên tục bám nắm viết bài và triển khai bảy chương trình livestream trên nền tảng TikTok. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của đơn vị bảo trợ truyền thông TikTok LIVE Việt Nam cũng đã góp phần giúp Tháng âm nhạc “Bài ca Điện Biên” gặt hái được nhiều thành công trong lần đầu tiên triển khai truyền thông, quảng bá trên nền tảng mạng xã hội này.

 

Ngoài ra, các đơn vị Nghệ thuật như Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và trực tiếp là Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, phó hiệu trưởng phụ trách hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo và hết sức tạo điều kiện giúp đỡ về địa điểm cũng như ekip sản xuất chương trình. Ban văn nghệ Truyền hình Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, đoàn Văn công Quân Khu 1, Quân Khu 2, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Điện Biên và rất nhiều nghệ sĩ có thể kể tới như nhạc sĩ Trần Nhật Dương, nhạc sĩ Giáng Son, Văn Anh, Lê Sa Anh, Hoàng Linh, Minh Hằng, Công Đoàn, các ca sĩ Giàng Hoa, Dương Đức, Minh Thúy, Trung Kiên,… MC Linh Nga cũng đã hết sức hỗ trợ về nhân lực cũng như tạo điều kiện hết sức có thể để các hoạt động trong chuỗi Tháng âm nhạc Điện Biên được hoàn thành tốt theo đúng kế hoạch đề ra.

 

Có thể nói, dù không thể tránh khỏi những hạn chế, sơ xuất trong quá trình thực hiện nhưng sự thành công của chương trình Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” đến từ tinh thần quyết tâm của Ban Lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sự đồng lòng và trách nhiệm của tất cả mọi người ở mọi vị trí, mọi nhiệm vụ được giao cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ vô cùng nhiệt tình của tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

 

– Anh có thể bật mí thêm về những dự định sắp tới của anh? Liệu anh có dự định cho ra mắt một album các ca khúc về dòng nhạc quê hương – đất nước tương tự như “Bản hùng ca Điện Biên” không?

 

Với tư cách là một cán bộ, giảng viên của trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, trách nhiệm quan trọng nhất của tôi là hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tôi tham gia trong các công tác của Hội Nhạc sĩ để có thêm nhiều cơ hội cọ sát, đồng hành với đời sống âm nhạc và đôi khi cũng là để chia lửa, thử sức mình.

 

Ngoài ra tôi cũng đang còn nhiều đầu việc dang dở và các đầu việc mới cũng đang đợi nên muốn giải quyết gọn gàng. Ngoài việc tổ chức sản xuất các chương trình nghệ thuật, trong vai trò một nhạc sĩ sáng tác, tôi mong muốn được đi thực tế, muốn viết được nhiều hơn, muốn góp nhặt được nhiều hơn nữa những cảm xúc, những khoảnh khắc và giá trị của cuộc đời để thêm vốn liếng dành cho cuộc đời âm nhạc của riêng mình.

 

Xin cảm ơn và chúc anh thành công!

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share
Bài viết liên quan
Xem thêm
Toru Takemitsu (1930-1996)

Nhạc sĩ

24/04/2023

Wagner có gì không ổn?

Nhạc sĩ

24/04/2023

Thầy Đỗ Nhuận của tôi

Nhạc sĩ

24/04/2023

Xem nhiều