HVOROSTOVSKY, DMITRI (BARITONE, 1962-2017)

07:00 AM, Thứ năm, 27/03/2025
257

Tác giả: Cobeo

 

 

“Đây là một trong những sự nghiệp ca hát tuyệt vời nhất thế giới của những thập kỷ gần đây. Giọng hát của ông làm say lòng người với sự sang trọng: âm sắc đẹp, ngữ điệu chính xác, một màn trình diễn tao nhã và đầy đam mê.” – New York Times

Với vóc dáng cao lớn, vẻ ngoài điển trai của một thần tượng nhạc pop và nổi bật nhất là mái tóc màu bạch kim, Dmitri Hvorostovsky ngay lập tức gây được ấn tượng khi bước ra sân khấu. Tuy nhiên, giọng hát chắc nịch, khoẻ khoắn, ấm áp đầy biểu cảm của ông kết hợp với một chút sang trọng lãng mạn và đầy quyền lực mới là những gì khiến khán giả thực sự say mê. Bắt đầu được chú ý khi giành chiến thắng trong cuộc thi Cardiff singer of the world vào năm 1989, Hvorostovsky đã nhanh chóng trở thành một trong những giọng baritone xuất sắc của thời đại. Ông trưởng thành đúng vào lúc đất nước Liên Xô tan rã, vô hình trung, Hvorostovsky đã có được nhiều cơ hội biểu diễn tại các nước phương Tây hơn những vị tiền bối của mình. Ông đã tận dụng thành công những cơ hội đến với mình và trở thành niềm tự hào của nước Nga. Ngoài một danh mục đa dạng các vở opera, Hvorostovsky còn thường xuyên hát những ca khúc thính phòng của Mikhail Glinka, Peter Ilyich Tchaikovsky, Sergei Rachmaninov cũng như nhiều nhà soạn nhạc Nga khác, đặc biệt là các bài hát với lời của Alexander Pushkin, điều khiến ông được vinh danh là “người nắm bắt tâm hồn Nga”. Thật đáng tiếc, ông bị chẩn đoán có một khối u não vào năm 2015 và qua đời hai năm sau đó khi giọng hát vẫn còn tràn đầy nội lực. Hvorostovsky đã ra đi, để lại tiếc nuối lớn lao trong lòng những người hâm mộ.

Dmitri “Dima” Aleksandrovich Hvorostovsky sinh ngày 16/10/1962 tại Krasnoyarsk, Siberia. Cha cậu, Alexander, là một kỹ sư và mẹ, bà Lyudmila, một bác sĩ phụ khoa đều là người rất bận rộn. Họ thường chỉ ở bên đứa con một của mình vào cuối tuần và ngày lễ. Chính vì vậy, tuổi thơ của Dima luôn gắn bó với ông bà ngoại. Dima luôn yêu quý bà ngoại, người đã dạy cậu những bài dân ca. Còn ông ngoại, một cựu quân nhân trong cuộc Thế chiến thứ hai, được cậu miêu tả là “kiêu ngạo, tự phụ và nghiện rượu nặng”. Ông Alexander yêu thích ca hát và opera và có một sưu tập khá lớn các đĩa hát. Thuở nhỏ, ông Alexander từng muốn theo đuổi nghệ thuật nhưng bị cha mình ép theo học trường kỹ thuật. Nhà Dima luôn tràn ngập âm nhạc. Bảy tuổi, cậu được gia đình cho theo học piano vào các buổi tối, song song với việc học văn hoá. Dima có một cao độ hoàn hảo, thể hiện khả năng chơi piano tốt, yêu thích ca hát nhưng cậu không nỗ lực trong học tập. Dima thích những trò quậy phá trên đường phố hơn, cậu giao du với các băng nhóm, thích tụ tập, gây gổ, uống vodka, ẩu đả và rất nhiều lần trở về với chiếc mũi bị gãy. Lúc này thần tượng của cậu là ban nhạc Queen. Tại trường học, anh nổi bật về âm nhạc, quyền anh và bóng đá. Hvorostovsky nhớ lại: “Ngoài những điều này, tôi là học sinh kém nhất trường. Ôi! Sự tự do! Tôi có thể làm gì? Tôi có một vài lựa chọn, trở thành võ sĩ đường phố hoặc có thể là anh hùng trước mắt các bạn gái của mình”. Cuối cùng, ở tuổi 16, cậu cũng kết thúc việc học trung học của mình. Ông Alexander sắp xếp để con trai mình theo học chỉ huy hợp xướng. Dima từng đòi hỏi được tới Moscow nhưng bị từ chối: “Họ lo lắng rằng tôi sẽ sống một cuộc sống nguy hiểm và đánh mất tài năng của mình”.

Tại nhạc viện Krasnoyarsk, Dima may mắn được theo học với giảng viên kỳ cựu Ekaterina Yofel, được cậu miêu tả là “mạnh mẽ, chiếm hữu, cứng rắn, cay độc và lương thiện”. Chính bà đã đào tạo anh kiểm soát hơi thở và khả năng kiểm soát một đoạn nhạc dài trong luồng hơi thở đó, điều khiến rất nhiều những đồng nghiệp của anh sau này phải ghen tị. Bên cạnh đó, Yofel đã đánh thức tình yêu ca hát trong Dima, khiến anh tin tưởng vào bản thân và khả năng của mình. Tuy nhiên, truyền thống bel canto của Ý đã không được Liên Xô coi trọng kể từ thời Stalin, những nhà quản lý văn hoá muốn giảm thiểu ảnh hưởng từ phía Phương Tây. Đó là nghệ thuật ca hát giúp trau dồi vẻ đẹp trên toàn bộ cữ âm, phân câu mượt mà và tô điểm giọng hát bằng những nốt nhạc trang trí hoa mỹ. Dima đã tự mình tìm hiểu và trau dồi di sản này qua băng đĩa, đặc biệt là giọng hát của Pavel Lisitsian, ca sĩ hiếm hoi của Liên Xô theo đuổi bel canto, người mà anh luôn dành sự ngưỡng mộ và kính trọng lớn lao: “Ông ấy là thần tượng của tôi… Chúng ta có thể nói gì ư? Ông ấy là một nhà ảo thuật”. Tiềm năng của Dima được ghi nhận ngay trong thời điểm này, Hvorostovsky nhớ lại: “Tôi là cậu bé được yêu thương, quý mến và ngưỡng mộ nhất”. Ngay khi còn là sinh viên, anh đã được tặng một căn hộ vì tài năng của mình. Bắt đầu từ năm 1985 khi vẫn còn theo học tại Nhạc viện Krasnoyarsk, anh bắt đầu làm việc tại Krasnoyarsk State Opera and Ballet Theater. Trong 5 năm tại đây, anh hát trong hầu hết những vai baritone chính. Dima còn hát để phục vụ công nhân lao động. Hvorostovsky nhớ lại: “Những người đàn ông và phụ nữ ngồi trong khán phòng với đôi ủng nặng và đội mũ lông to, thậm chí chưa bao giờ nghe nói về Verdi và những giọt nước mắt của họ quý giá hơn tất cả những tràng pháo tay mà tôi có thể nhận được… Ở đâu khác ngoài Nga, toàn bộ nhà máy sẽ ngừng hoạt động vào giữa trưa để đưa mọi người tới phòng hoà nhạc”? Anh bắt đầu tham gia các cuộc thi. Tháng 7/1987, anh giành chiến thắng trong cuộc thi đầu tiên mình tham dự tại Perm. Tháng 10/1987, Dima tiếp tục giành giải nhất trong cuộc thi thanh nhạc toàn liên bang Xô viết mang tên Glinka. Anh đã sẵn sàng cho những thử thách lớn hơn.

Năm 1988, ở tuổi 26, lần đầu tiên Hvorostovsky xuất ngoại. Lúc này, quyền tự do đi lại cho các nghệ sĩ đã được nới lỏng hơn. Anh tham gia cuộc thi Concours International de Chant được tổ chức tại Toulouse, Pháp và đã giành giải đặc biệt Grand Prix. Tuy nhiên, bước đột phá của Hvorostovsky đã diễn ra một năm sau đó tại cuộc thi Cardiff singer of the world. Chính danh ca Irina Arkhipova là người đã khuyên anh tham dự. Anh đã giành chiến thắng trước đối thủ nặng ký của nước chủ nhà Bryn Terfel. Một cuộc đối đầu được báo chí miêu tả là “Trận chiến của những giọng baritone”. Với aria “Per me giunto… O Carlo ascolta” (Don Carlo, Giuseppe Verdi), Hvorostovsky đã vượt lên sít sao. Để an ủi Terfel, giải thưởng lieder của cuộc thi đã lần đầu tiên được trao cho anh. Giọng ca vô danh đến từ Krasnoyarsk ngay lập tức trở thành ca sĩ opera được săn đón nhất. Tất cả những cánh cửa của các nhà hát opera danh tiếng đều mở rộng để đón chào anh. Các hợp đồng thu âm cũng nhanh chóng được chào mời. Năm 1990, Hvorostovsky tổ chức buổi hoà nhạc chia tay tại Krasnoyarsk State Opera and Ballet Theater để bắt đầu theo đuổi sự nghiệp tại phương Tây.

Hvorostovsky nhanh chóng khẳng định vị thế của mình bằng chất giọng baritone trữ tình với những đường legato liền mạch tưởng chừng không bao giờ kết thúc, bay bổng nhưng tràn đầy sức mạnh, không bao giờ có cảm giác nặng nề. Anh có thể biến hoá qua từng loại vai, từ điềm tĩnh, trang nghiêm cho đến nham hiểm, quỷ quyệt. Cao độ chính xác và khả năng nhả chữ tuyệt vời, cho dù đó là tiếng Ý hay Pháp. Ngày 15/2/1992, Hvorostovsky ra mắt Covent Garden trong Riccardo (I Puritani, Vincenzo Bellini) dưới sự chỉ huy của Daniele Gatti. Quá trình nghiên cứu khổ luyện bel canto khi còn ở trong nước đã giúp ích cho anh rất nhiều. Bên cạnh đó, những vai như Yeletky (Con đầm pích) và Onegin (Eugene Onegin) của Tchaikovsky mà New York Times nhận xét “sinh ra để cho anh” là những bệ phóng tuyệt vời cho tên tuổi của Hvorostovsky. Không mất nhiều thời gian để Hvorostovsky trở thành giọng baritone hàng đầu trong thế hệ của mình. Ngày 1/4/1993, anh xuất hiện lần đầu tại La Scala trong Silvio (Pagliacci, Ruggero Leoncavallo) cùng nhạc trưởng Riccardo Muti. Hvorostovsky ra mắt khán giả Mỹ trong Germont (La traviata, Verdi) tại Lyric Opera of Chicago vào năm 1993 và sau đó chinh phục Metropolitan Opera với Yeletky trong đêm diễn ngày 26/10/1995 bên cạnh Karita Mattila, Ben Heppner và Leonie Rysanek cùng nhạc trưởng đồng hương Valery Gergiev. Với Germont, anh ra mắt tại Vienna State Opera vào ngày 4/3/1996. Từ năm 1994, anh mua một căn nhà và chủ yếu sống tại London để thuận tiện cho công việc. Anh hào hứng với việc di chuyển liên tục và mở rộng sự nghiệp của mình: “Thế giới phi thường này – tôi học hỏi và nhìn thấy những điều mới. Tôi thích nó”. Tuy nhiên, Hvorostovsky vẫn thường xuyên quay về quê nhà để biểu diễn.

Hvorostovsky, mới chỉ ngoài 30 tuổi nhưng mái tóc đã bạc trắng, điều này đã góp phần tạo nên nét đặc trưng ở ông. Các đạo diễn opera không cần phải hoá trang nhiều cho những vai diễn lớn tuổi như Germont hay Simon Boccanegra (Simon Boccanegra, Verdi). Thành công đến nhanh chóng với ông cũng gây ra những hệ luỵ nhất định. Hvorostovsky trở nên kiêu ngạo với nhiều đồng nghiệp và cộng sự. Cùng với đó, nghiêm trọng hơn, vào cuối những năm 1990, là chứng nghiện rượu của ông. Hvorostovsky cho biết: “Tôi có thể dễ dàng uống hết hai chai vodka sau mỗi buổi biểu diễn. Tôi là một kẻ say ồn ào, phiền phức”. Hvorostovsky thừa nhận rượu là nguyên nhân dẫn đến sự chia tay vào năm 2001 với người vợ đầu tiên Svetlana, một vũ công ballet mà ông kết hôn vào năm 1989. Họ có với nhau cặp song sinh, một trai, một gái. Sau đó Hvorostovsky kết hôn với soprano người Thuỵ Sĩ Florence Illi và có thêm hai người con. Hvorostovsky cho biết ông cai rượu vào ngày đầu năm 2001, sau những buổi biểu diễn, thay vì làm bạn với vodka, ông ngâm nước nóng và xem những chương trình “tivi ngu ngốc”. Sự nghiệp của ông hồi sinh vào những năm 2000, thăng hoa từ đỉnh cao này đến đỉnh cao khác, trong đó đáng kể có Andrei Bolkonsky (Chiến tranh và hoà bình, Sergei Prokofiev), lần đầu ra mắt tại Metropolitan Opera vào ngày 14/2/2002, một tác phẩm không quá phổ biến. Từ sự tự hào của Siberia, nay Hvorostovsky đã trở thành niềm ghen tị của thế giới opera. Ông cũng tự hào về bản thân mình: “Giọng hát gợi cảm của tôi là một phần hình ảnh của tôi, đặc điểm của tôi và tính cách của tôi”. Hvorostovsky tin vào sức mạnh của ca hát: “Khi lời nói trở nên câm lặng, vô vọng và bất lực, thì ngay lúc đó, tiếng hát bắt đầu”.

Trong nhiều năm liền, Hvorostovsky duy trì đều đặn sự xuất hiện của mình trong những buổi độc tấu. Ông yêu nước Nga và phát huy những gì tốt đẹp nhất của di sản quê hương mình. Ông thường xuyên mang tới cho khán giả những ca khúc thính phòng Nga, tích cực quảng bá âm nhạc Nga tới những khán giả nước ngoài: “Trên thế giới, bất cứ nơi nào tôi biểu diễn, nhiệm vụ của tôi là trở thành một nghệ sĩ Nga, hát nhạc Nga”. Hvorostovsky có một tình bạn thân thiết với nhà soạn nhạc Georgy Sviridov, người đã dành tặng tập bài hát Petersburg với những vần thơ của Alexander Blok cho Hvorostovsky. Ông cũng rất tâm đắc với chủ đề yêu nước, đã thu âm hai đĩa nhạc các ca khúc thời kỳ vệ quốc “Giờ này anh ở đâu” và “Chiều Moscow”. Một chương trình “Những bài hát của năm tháng chiến tranh” đã được tổ chức vào ngày 9/5/2005 ở điện Kremlin nhân kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng phát xít Đức và sau đó là chuyến lưu diễn tại các thành phố tại Nga. Trong dự án này, ông trở về với cội nguồn của mình, với âm nhạc của thời thơ ấu và tuổi trẻ, với ông nội, người đã hi sinh trong cuộc chiến và bà nội, người có những câu chuyện để đứa cháu của mình cảm nhận được thế nào là chiến tranh. Như chính Hvorostovsky thú nhận: “Tôi càng già đi thì càng thấy gần gũi với nước Nga hơn”.

Từ năm 2006, Hvorostovsky bắt đầu dự án âm nhạc độc đáo “Hvorostovsky và những người bạn”, hàng năm, ông mời những ngôi sao opera đình đám tới Nga để biểu diễn cùng mình. Trong đó có thể kể tới Renée Fleming, Sumi Jo, Jonas Kaufmann, Elina Garanca và nhiều tên tuổi khác. Ngày 9/2/2007, Fleming có màn hợp tác đáng nhớ với Hvorostovsky trong Eugene Onegin tại Metropolitan Opera. Fleming đã thốt lên: “Dima là một nghệ sĩ thực sự đặc biệt – một nghệ sĩ độc tấu xuất sắc cũng như một ca sĩ opera tuyệt vời, điều này hiếm thấy… Đã có rất nhiều giọng hát đẹp, nhưng theo tôi, không ai đẹp hơn Dima”. Chất giọng đầy sức mạnh nhưng không kém phần tinh tế, sang trọng, đầy quyền lực và đôi khi pha chút nham hiểm khiến Hvorostovsky tỏ ra đặc biệt phù hợp với những vai “phản diện” trong opera của Verdi như bá tước de Luna (Il trovatore) Rigoletto (Rigoletto), Iago (Otello). Hvorostovsky đã khẳng định mình là ngôi sao opera Nga sáng giá nhất kể từ thời của Elena Obraztsova. Nhà phê bình Tim Page của Washington Post đã ca ngợi Hvorostovsky: “Giọng hát u tối không thể nhầm lẫn và sự dữ dội, hoang dại mãnh liệt trong cách diễn giải”.

Tháng 6/2015, khi đang ở thời kỳ chín muồi trong sự nghiệp, lịch biểu diễn vẫn đang rất dày đặc, bất ngờ Hvorostovsky bị chẩn đoán mắc bệnh u não. Một thông cáo được đưa ra: “Mặc dù giọng hát và tình trạng thanh âm của ông vẫn bình thường nhưng cảm giác thăng bằng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Đó là một tin tức chấn động. Lịch diễn của Hvorostovsky trong mùa hè năm đó đã bị huỷ bỏ, ông tập trung chữa trị tại London. Ba tháng sau, Hvorostovsky quay trở lại sân khấu Metropolitan Opera trong di Luna, bên cạnh Anna Netrebko và được chào đón bằng những tràng pháo tay vang dội ngay khi ông bước ra sân khấu. Các nhạc công đã ném những bông hồng trắng lên sân khấu trong lúc ông được khán giả gọi ra chào, một hành động nhằm ủng hộ và động viên người ca sĩ tài năng. Ở phía sau, Netrebko lau đi những giọt nước mắt. Đêm diễn đầy cảm xúc. Ngày 29/10/2015, ông và Garanca hát tại Moscow trong chương trình “Hvorostovsky và những người bạn”. Bất chấp bệnh tật, sau đó các chương trình biểu diễn vẫn diễn ra đều đặn, tưởng như ông đã điều trị thành công.

Tuy nhiên, mùa thu năm 2016, Hvorostovsky phải vào bệnh viện để hoá trị, lịch diễn của ông tiếp tục bị huỷ bỏ. Trong thời gian này, nhiều chương trình được những người bạn diễn thân thiết tổ chức nhằm động viên Hvorostovsky sớm quay trở lại. Dù sức lực đã suy giảm đáng kể, Hvorostovsky vẫn nỗ lực làm việc khi còn có thể. Ông không thể tưởng tượng được sự tồn tại của mình nếu thiếu vắng sân khấu, thiếu vắng đi opera. Chính âm nhạc đã giúp ông sống và chiến đấu. Tháng 11/2016, Hvorostovsky hát trong Germont tại Vienna State Opera. Ngày 7/5/2015, Hvorostovsky xuất hiện bất ngờ không báo trước trong đêm nhạc kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngôi nhà mới của Metropolitan Opera tại Lincoln center. Ông gày gò đi đáng kể, bước đi khập khiễng nhưng vẫn rất lịch lãm và toả ra sức mạnh đáng sợ trong aria “Cortigiani, vil razza dannata” (Rigoletto). Peter Gelb, tổng giám đốc của Metropolitan Opera tuyên bố, để có mặt trên sân khấu, Hvorostovsky đã “thách thức mọi khó khăn và cả Chúa trời”. Những tràng pháo tay như sấm đã nổ ra để đón chào và chúc mừng ông. Nhiều khán giả đã rơi nước mắt. Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất thế kỷ 21 trong lịch sử nhà hát. Ngày 2/6/2017, ông thực hiện buổi hoà nhạc được mong đợi từ lâu tại quê hương mình, Krasnoyarsk. Trong đêm diễn này, Hvorostovsky được trao danh hiệu công dân danh dự của thành phố. Ông xúc động: “Tôi phải quay lại vì tôi yêu nơi này. Vì đó là quê hương của tôi”. Buổi hoà nhạc cuối cùng của Hvorostovsky diễn ra tại Liên hoan Grafenegg, Áo vào ngày 22/6/2017. Ông qua đời ở tuổi 55 vào ngày 22/11/2017 tại London. Antonio Pappano, giám đốc âm nhạc của Royal Opera đã chia sẻ với khán giả tại Covent Garden ngay khi nhận được tin Hvorostovsky mất: “Dima đã tôn vinh sân khấu của chúng tôi bằng sự tinh tế và hào phóng thực sự. Vẻ đẹp tuyệt đối trong giọng hát và niềm vui mà anh ấy tiếp cận khi biểu diễn là duy nhất. Trong một buổi gặp gỡ riêng tư, tôi chơi piano cùng anh ấy trong các bài hát của Rachmaninov. Kí ức với tôi vẫn còn đó, không thể nào quên. Nghe anh ấy hát bằng tiếng mẹ đẻ của mình, sự hiểu biết sâu sắc và giọng hát của anh ấy thật choáng ngợp”. Ngày 24/11/2017, Metropolitan Opera công diễn Requiem của Verdi dưới sự chỉ huy của James Levine để tưởng niệm ông. Vienna State Opera cũng dành một phút mặc niệm Hvorostovsky trước khi công diễn Salome (Richard Strauss). Lễ tiễn biệt Hvorostovsky được tổ chức trang trọng tại phòng hoà nhạc lớn Nhạc viện Tchaikovsky, Moscow vào ngày 27/11/2017. Thể theo nguyện vọng của ông, di hài ông được hoà táng. Tro cốt được chia làm hai phần. Một phần chôn tại nghĩa trang Novodevichy, Moscow, phần còn lại đưa về chôn tại Krasnoyarsk.

Nhiều ngôi sao opera đã rất đau buồn trước sự qua đời của người đồng nghiệp đáng mến. Plácido Domingo chia sẻ: “Từ ngữ không thể diễn tả nỗi thống khổ của tôi khi một trong những giọng ca vĩ đại nhất của thời đại chúng ta đã bị câm lặng. Giọng hát tuyệt vời có một không hai và nghệ thuật vô song của Dmitri đã chạm đến tâm hồn của hàng triệu người yêu âm nhạc. Sự ra đi của cậu ấy sẽ được vô số người ngưỡng mộ trên khắp thế giới và những người trong chúng ta, những người may mắn được biết cậu ấy thương tiếc”. Còn Terfel, đối thủ ngày nào đã ca ngợi: “Gửi đến vị vua của Cardiff Singer of the World 1989. Anh ấy chắc chắn đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng tôi, để kéo tất của chúng tôi lên. Một người đàn ông tự tin, điên rồ, tài năng và chu đáo”. Để tưởng nhớ một trong những người con ưu tú nhất của quê hương, Krasnoyarsk State Opera and Ballet Theater, nơi ông bắt đầu sự nghiệp đã được mang tên ông. Đại diện của nhà hát tuyên bố rằng tât cả các nhân viên đều tự hào về cái tên mới và quyết định đổi tên nhà hát là “một sự kiện mang tính bước ngoặt, một vinh dự và cũng là một trách nhiệm lớn lao”. Sau đó, Viện Nghệ thuật Siberia ở Krasnoyarsk và sân bay quốc tế Krasnoyarsk cũng được mang tên ông. Dù rằng ông qua đời khi vẫn còn đang rất sung sức nhưng chắc hẳn Hvorostovsky không có quá nhiều tiếc nuối bởi vì ông đã sống và cống hiến đúng như những gì ông đã nói: “Chúng ta chỉ được ban cho một cuộc sống, mà chúng ta phải sống mà không có bản nháp, trong lần thử đầu tiên, cố gắng đóng góp và hạnh phúc. Bởi vì bạn sẽ không có cơ hội sau đó”.

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều