MA, YO-YO (1955)

04:42 AM, Thứ hai, 22/07/2024
456

Tác giả: Cobeo tổng hợp

 

 

Giành được gần hai chục giải Grammy trong sự nghiệp biểu diễn của mình, nghệ sĩ cello Yo-Yo Ma là một nghệ sĩ xuất chúng với kĩ thuật đỉnh cao và khả năng truyền cảm hiếm có. Ông đã góp phần khiến thính gia đưa ra chuẩn mực cho nhiều thế hệ các nghệ sĩ cello tương lai. Ông đã cho xuất bản trên dưới 100 đĩa nhạc kể từ năm 1983 cho đến hiện tại. Yo-Yo Ma không bao giờ do dự khi dấn thân vào hình thức âm nhạc mới và say mê tìm hiểu những thể loại khác ngoài âm nhạc truyền thống phương Tây, như âm nhạc Trung Quốc và các nhạc cụ đặc biệt của đất nước này; âm nhạc của những người Kalahari ở châu Phi và thậm chí là cả điệu tango bốc lửa của xứ Argentina. Yo-Yo Ma đã trở thành một trong những nghệ sĩ cello được ưa thích nhất hiện nay, ông xuất hiện trên khắp thế giới cùng những nhạc trưởng xuất sắc và dàn giao hưởng danh tiếng. Yo-Yo Ma còn được biết đến như là một vị đại sứ của âm nhạc cổ điển và là người nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn.

 
Yo-Yo Ma sinh ra tại Paris, Pháp ngày 7 tháng 10 năm 1955 trong một gia đình đều theo nghiệp âm nhạc. Bố mẹ ông đều là người Trung Quốc. Có thể nói âm nhạc đã ngấm vào máu của cậu bé. Mẹ Yo-Yo, bà Marina Lu là một ca sĩ còn bố cậu, ông Hiao-Tsiun Ma là một nhạc trưởng đồng thời là nhạc sĩ. Năm lên 4 tuổi, cậu bé bắt đầu học cello với cha mình. Ngoài ra cậu bé cũng học chơi violin và viola. Khi mới lên 5 tuổi, Yo-Yo đã có những buổi biểu diễn đầu tiên. Và thật may mắn cho Yo-Yo, khi cậu được những thầy giáo kì cựu dạy dỗ ngay từ thuở ấu thơ. Ban đầu cậu bé theo học với nghệ sĩ cello người Hungary Janos Scholz – người từng nhiều năm là nghệ sĩ cello số một của Budapest Symphony Orchestra và sau đó, khi lên 7 tuổi, Ma trở thành học sinh của Leonard Rose (thành viên của nhóm tam tấu Isaac Stern – Eugene Istomin – Leonard Rose nổi tiếng) tại trường nhạc đầy uy tín Juillard School vào năm 1962. Lên 8 tuổi, Ma đã được xuất hiện trên truyền hình Mĩ trong một chương trình hoà nhạc “Những cuộc vui chơi rực rỡ trong nghệ thuật” với nhạc trưởng lừng danh Leonard Bernstein. 15 tuổi, Ma tốt nghiệp Trinity School, New York và biểu diễn tác phẩm Viariations on a Roccoco Theme của Peter Ilyich Tchaikovsky cùng Harvard Radcliffe Orchestra. Khi 19 tuổi, Yo-Yo Ma được so sánh với các nghệ sĩ cello lừng danh thế giới như Mstislav Rostropovich hay Pablo Casals. Đích thân Casals vào năm 1970 đã chứng kiến tài nghệ chơi đàn của Yo-Yo Ma và đã không tiếc lời ngợi khen chàng trai trẻ: “Tôi đã cảm thấy một sự chuyển giao ẩn chứa đằng sau mỗi nốt nhạc, tôi tin chắc rằng anh ta có thể”. Ma tốt nghiệp trường đại học Havard năm 1977 – nơi mà những thầy giáo như Leon Kirchner và Earl Kim đã truyền thêm niềm tin cho anh – và đến năm 1978, khi bước vào tuổi 23, Yo-Yo Ma đã được nhận giải thưởng danh giá Aver Fisher Prize. Yo-Yo Ma được cả thế giới biết đến với tư cách là một nghệ sĩ độc tấu và hoà tấu thính phòng. Ông đã nhiều lần thực hiện những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới với tư cách nghệ sĩ độc tấu cùng nhiều dàn nhạc giao hưởng danh tiếng trên thế giới bao gồm Boston Symphony Orchestra, San Francisco Symphony Orchestra, Philadelphia Orchestra, Toronto Symphony Orchestra, Minnesota Orchestra, New York Philharmonic, Israel Philharmonic và Los Angeles Philharmonic.
 
 
 Yo-Yo Ma giành được giải Grammy đầu tiên vào năm 1984, đó là giải dành cho “Biểu diễn nhạc cổ điển xuất sắc nhất” (các tổ khúc không nhạc đệm dành cho cello của Johann Sebastian Bach), đĩa nhạc do CBS Masterworks  phát hành. Một năm sau, ông lại có được hai giải Grammy nữa: một giải dành cho “Nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc xuất sắc nhất” các tác phẩm Cello concerto giọng Mi thứ, Op. 85 của Edward Elgar và Cello concerto của William Walton dưới sự chỉ huy của Andre Previn và London Symphony Orchestra và một giải dành cho “Hoà tấu tác phẩm thính phòng xuất sắc nhất” với các Cello sonata của Johannes Brahms với phần đệm piano do nghệ sĩ Emanuel Ax đảm trách. Sự cộng tác lâu dài giữa Yo-Yo Ma và Ax đã đem đến cho chúng ta một sự kết hợp ăn ý trong các bản thu âm của 2 người cũng như rất nhiều các buổi biểu diễn sau đó. Cặp đôi này đã trở thành một trong những cặp đôi thành công nhất của nền âm nhạc thế giới. Họ đã ghi âm các Cello sonata của Ludwig van Beethoven cũng như những tác phẩm của Benjamin Britten, Frederic Chopin, Sergei Prokofiev, Sergei Rachmaninov, Richard Strauss và một số các nhà soạn nhạc khác. Vào năm 1986, cùng với Ax, Yo-Yo Ma lại một lần nữa giành được một giải Grammy dành cho “Hoà tấu tác phẩm thính phòng xuất sắc nhất” với tác phẩm Cello sonata số 4 giọng Đô trưởng, Op. 102 và Những biến tấu dành cho cello và piano của Beethoven. 3 năm sau đó, năm 1989, cùng với David Zinman và Baltimore Symphony Orchestra, Yo-Yo Ma có thêm một giải Grammy dành cho “Nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc xuất sắc nhất” với Cello concerto, Op. 22 của Samuel Barber và Bản giao hưởng dành cho Cello và dàn nhạc, Op. 68 của Benjamin Britten.
 
 
Trước khi nhạc trưởng vĩ đại Herbert von Karajan qua đời vào năm 1989, Yo-Yo Ma đã may mắn được tiếp xúc với ông. Dưới sự chỉ huy của Karajan và dàn nhạc của ông: Berlin Philharmonic, cùng với Anne-Sophie Mutter (violin) và Mark Zeltser (piano), Yo-Yo Ma đã tiến hành ghi âm Triple concerto giọng Đô trưởng, Op. 56 của Beethoven. Năm 1990, Yo-Yo Ma cùng với các nghệ sĩ khác như Itzhak Perlman (violin), Boris Berezovsky (piano) và Jessye Norman (soprano) đã được mời tham gia festival âm nhạc kỉ niệm 150 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc nổi tiếng Peter Ilyich Tchaikovsky tại Leningrad, Liên Xô. Trong đêm hoà nhạc đáng nhớ này, Ma đã biểu diễn tác phẩm Viariations on a Roccoco Theme dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Yuri Temirkanov và Leningrad Philharmonic.
 
 
Năm 1991, nhóm Hyperinstrument của Học viện kĩ thuật Massachusetts (Nhóm Hyperinstrument hay còn được hiểu là nhóm Opera của tương lai. Nhóm chuyên tìm tòi, khám phá ra các tư tưởng, kĩ thuật để giúp cho sự phát triển tương lai của nền âm nhạc, các chương trình biểu diễn, cũng như để học hỏi và thể hiện) đã sáng tạo ra một cây đàn cello đặc biệt (hypercello) dành riêng cho Yo-Yo Ma. Đồng thời, giáo sư Tod Machover – giám đốc của Hyperinstrument cũng sáng tác một tác phẩm đặc biệt khác dành cho Yo-Yo Ma với tựa đề “Begin again again” để ông thể hiện trên loại nhạc cụ mới này. Năm 1991, Yo-Yo Ma được nhận học vị tiến sĩ danh dự từ trường đại học Havard và một giải Grammy dành cho “Hoà tấu tác phẩm thính phòng xuất sắc nhất” với các Piano quartet của Brahms. Trong bản thu âm này, Ma đã cộng tác cùng Jaime Laredo, Isaac Stern và Emanuel Ax. Ngoài ra Ma còn giành thêm hai giải Grammy dành cho “Hoà tấu tác phẩm thính phòng xuất sắc nhất” và “Nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc xuất sắc nhất” vào năm 1992. Ông lại giành thêm một giải dành cho “Biểu diễn hoà tấu nhạc cổ điển hay nhất” vào năm 1994. Trong mùa diễn 1995 – 1996, Yo-Yo Ma và Emanuel Ax kỉ niệm 20 năm cộng tác bằng một chuyến lưu diễn với đỉnh cao của sự thành công diễn ra tại Carnegie Hall và đêm diễn tại Hội trường Alice Tully, Lincoln Center đã được đưa vào chương trình “Center Live from Lincoln Center” của Public Broadcasting Service. Với buổi biểu diễn này, họ lại giành thêm một giải Grammy vào năm 1995.
 
 
Yo-Yo Ma đã cân bằng được những buổi biểu diễn độc tấu vòng quanh thế giới cùng các dàn nhạc giao hưởng của mình với các chương trình hoà tấu thính phòng của ông. Ông đã tạo cảm hứng bằng cách cộng tác với nhiều nghệ sĩ, nhóm hoà tấu khác nhau trong đó Ma thường xuyên cùng làm việc với các bạn diễn như Daniel Barenboim, Pamela Frank, Emanuel Ax, Stephane Grappelli, Jeffrey Kahane, Young Uck Kim, Jaime Laredo, Bobby McFerrin, Edgar Meyer, Mark O’Connor, Peter Serkin, Isaac Stern, Richard Stoltzman và Kathryn Stott. Mỗi sự kết hợp này đều tạo ra sự tương tác qua lại với nhau, chúng dần dần thoát ra khỏi những ranh giới của nhạc cổ điển hay bất cứ thể loại nhạc cụ thể nào đó. Tuy nhiên, một trong những sự kết hợp hoàn hảo nhất phải kể đến sự hợp tác giữa Yo-Yo Ma và các nghệ sĩ Ax (piano), Stern (violin) và Laredo (viola) trong những buổi biểu diễn và ghi âm các piano quartet của Ludwig van Beethoven, Johannes Brahms, Antonin Dvorak, Gabriel Faure, Wolfgang Amadeus Mozart và Robert Schumann. Chúng ta có thể thưởng thức điều tuyệt vời này qua các bản thu âm của Sony Classical.
 
 
Nghệ thuật trình diễn cello của Yo-Yo Ma là sự kết hợp hoàn hảo của niềm hân hoan, hứng khởi và sự thanh thoát, tự nhiên không gò bó. Dù vậy, qua các bản thu âm của ông, ta vẫn cảm nhận được một sự phân tích tác phẩm kĩ lưỡng đầy tính khoa học có chủ định. Tiếng đàn ấm áp, vibrato đầy biểu cảm đã khiến Ma trở thành nghệ sĩ cello nổi tiếng nhất thế giới thời kì “hậu Rostropovich”.
 
 
 Yo-Yo Ma đã phát hành đĩa “Hush” cùng ca sĩ Bobby McFerrin vào năm 1992, tiếp theo là âm nhạc dành cho bộ phim Immortal Beloved của Gary Oldman. Cả hai bản ghi âm này đều được nhận huy chương vàng của Recording Industry Association of America. Vào năm 1995, Yo-Yo Ma đã cộng tác trong phần đầu của serie phim Six Cello Suites, khám phá ra mối quan hệ giữa âm nhạc của Bach và các quy tắc nghệ thuật khác. Buổi công diễn được khởi chiếu tại Festival Endinburgh, Scotland. Buổi diễn đã làm nổi bật lên tính nghệ thuật của biên đạo múa Mark Moris, điều này được thể hiện trong Suite cho cello độc tấu số 3 giọng Đô trưởng, BWV. 1009. Các buổi diễn tiếp theo của Yo-Yo Ma được phát hành trong suốt những năm cuối của thập niên 90, trong đó có sự góp mặt của Tamasaburo Bando, diễn viên thể loại kịch Kabuki (loại kịch truyền thống của Nhật, gồm hát và múa, chỉ do nam tài tử biểu diễn), nhà thiết kế Julie Moir Messervy, cặp đôi vô địch Olympic trượt băng nghệ thuật Jane Torvill và Christopher Dean và đạo diễn phim người Canada Atom Egoyan. Tất cả bối cảnh được đặt trong các công trình kiến trúc của kiến trúc sư người Ý Giovanni Battista Piranesi – một người sống cùng thời với Bach. Vào năm 1996, cùng với một số nghệ sĩ khác, Yo-Yo Ma đã biểu diễn và cho phát hành tác phẩm thính phòng “Vua Gesar” của Peter Lieberson. Vào năm 1996, Yo-Yo Ma thêm một lần khẳng định tên tuổi mình đã lan xa ra khỏi lĩnh vực nhạc cổ điển khi cho phát hành album Appalachia Waltz – một album nhạc nguyên gốc được ghi âm tại Nashville, Tennessee cùng với nghệ sĩ violin Mark O’Connor và nghệ sĩ guitar bass Edgar Meyer. Năm 1997, Yo-Yo Ma ghi âm một loạt những sáng tác mới của nhạc sĩ, nhạc trưởng Andre Previn. Tác phẩm có lời thoại của tác giả Toni Morrison và sự tham gia của giọng soprano Sylvia McNair, nghệ sĩ flute Sandra Church và với chính tác giả đảm nhiệm bè piano.
 
 
Các nhà soạn nhạc người Mĩ đương đại tỏ ra rất kính nể nghệ thuật biểu diễn cello của Yo-Yo Ma. Chính Yo-Yo Ma là nghệ sĩ đã công diễn lần đầu tiên trên phạm vi toàn thế giới các tác phẩm của William Bolcom, John Corigliano, John Harbison, Ezrra Laderman, Peter Lieberson, Christopher Rouse, Bright Sheng, John Williams cũng như một số nhạc sĩ khác. Yo-Yo Ma đã cống hiến rất nhiều thời gian của mình để cùng làm việc với các nghệ sĩ trẻ trong các chương trình tại Interlochen, Michigan và các chương trình âm nhạc khác. Ông cũng có kế hoạch đào tạo âm nhạc trong các chuyến lưu diễn, thông qua các lớp master class và qua sự kết hợp với các sinh viên đồng thời cũng là thính giả của ông.
 
 
Vào năm 1997, Yo-Yo Ma đã tham gia trong phần âm nhạc của bộ phim “Lierty”. Đây là một serie phim tài liệu của Public Broadcasting Service nói về cuộc Cách mạng Mĩ. Ông đã trình bày các tác phẩm của cố nhạc sĩ người Argentina Astor Piazzolla trong đĩa nhạc “Soul of Tango” vào năm 1998 đồng thời biểu diễn trong bộ phim của đạo diễn Sally Potter: “The Tango Lesson”. Trong bộ phim này, Yo-Yo Ma đã biểu diễn tác phẩm “Libertango” của Piazzolla. Yo-Yo Ma đã đắm mình vào âm nhạc của Piazzolla bằng việc nghiên cứu bản ghi âm tác phẩm “Le Grand Tango” của Mstislav Rostropovich và thậm chí là cả đi du lịch đến Buenos Aires để hoà mình vào các câu lạc bộ tango. Theo Bradley Bambarger của tạp chí Billboard, Yo-Yo Ma đã từng nói: “Tất cả những trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu cũng như ghi âm đĩa “Soul of the Tango” quả là một niềm vui mừng vô hạn đối với tôi. Giống như nhiều người khác, tôi không thể cưỡng lại được sự lôi cuốn của âm nhạc Piazzolla. Nó thực sự tinh tế và có một tầm quan trọng lớn. Và bạn cũng có thể thấy những đặc điểm này trong âm nhạc của Ludwig van Beethoven hay Igor Stravinsky – thứ âm nhạc nuôi dưỡng cho trí tuệ, thể xác cũng như tâm hồn của con người”. Album này đã đoạt giải Grammy dành cho “Album nhạc bán cổ điển hay nhất của năm”. Yo-Yo Ma còn giành được một giải Grammy dành cho Album nhạc bán cổ điển hay nhất của năm” thứ 2 cho đĩa “Appulachian Journey” vào năm 2000. Tuy nhiên, việc tham gia quá nhiều vào các thể loại nhạc không phải nhạc cổ điển đã khiến cho một số nhà phê bình đã phê phán là Ma đã quá “ăn tạp”.
 
 
Năm 1998, Yo-Yo Ma thành lập Dự án Con đường tơ lụa nhằm phát triển việc học tập, trao đổi văn hoá dân tộc dọc theo con đường giao thương cổ kính nối liền Địa Trung Hải với Thái Bình Dương.
 
 
Yo-Yo Ma – người được biết đến cho sự đóng góp sinh động của ông cho cuộc sống đã xuất hiện trong danh sách “Những người đàn ông quyến rũ nhất” do tạp chí People bình chọn vào năm 2001.
 
 
Hiện tại, Yo-Yo Ma thường xuyên biểu diễn trên cây đàn cello Domenico Montagnana được chế tạo tại Venice vào năm 1733. Cây đàn hơn 270 tuổi này còn có tên gọi khác là Petunia, hiện tại được định giá vào khoảng 2,5 triệu đôla Mĩ. Cây đàn này đã từng một lần suýt bị mất vào mùa thu năm 1999 khi Ma đãng trí để quên nó trên một chiếc xe taxi ở New York. Ngoài ra, ông còn sở hữu một cây đàn cello nổi tiếng khác, Davidoff Stradivarius 1712 trước đây thuộc quyền sở hữu của cellist Jacqueline du Pré – người đã quyết định để lại đàn cho Ma sau khi cô qua đời vào năm 1987.
 
 
Ngoài lịch biểu diễn và ghi âm vô cùng dày đặc, năm 2006 Yo-Yo Ma còn đảm nhận thêm một trọng trách vô cùng nặng nề khi Tổng Thư kí Liên hợp quốc Kofi Annan cử ông làm Đại sứ Hoà bình của Liên hợp quốc. Yo-Yo Ma thực sự đã trở thành một trong những nghệ sĩ nhạc cổ điển nổi tiếng nhất trên thế giới.
 
(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)
Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều