NSND Đặng Thái Sơn: ‘Tôi muốn thêm một lần… rung chuông’

01:00 PM, Thứ hai, 27/05/2024
446

Tác giả: Lam Anh

 

Đầu tháng 6 tới, NSND Đặng Thái Sơn sẽ lần đầu tiên tổ chức hoà nhạc biểu diễn cùng các học trò quốc tế của mình tại Việt Nam. Chương trình có tên Đặng Thái Sơn và các học trò và cũng là sự kiện mở màn cho chuỗi chương trình thường niên mang tên Timeless Resonance – thanh âm bất tận do nhạc sĩ Quốc Trung làm Giám đốc âm nhạc (được khởi động từ tháng 6/2024).

 

Thực hiện chương trình này, NSND Đặng Thái Sơn không chỉ mong muốn đem đến cuộc giao lưu về nghề mà còn tiếp tục góp tiếng nói với hoạt động giảng dạy piano nói riêng và đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam nói chung.

 

Ông đã dành cho báo chí cuộc gặp gỡ trước hai đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội (ngày 2/6) và Nhạc viện TP.HCM (ngày 3/6).

 

Mang “thần đồng” về Việt Nam

 

* Vì sao lần này về Việt Nam ông lại quyết định tổ chức buổi hoà nhạc chỉ có mình và các học trò?

 

– Người ta vẫn nói, bước đường mình đi là theo tuổi tác. Trước đây, tôi chỉ trình diễn rồi đi chấm thi, nhưng việc dạy học – mà tôi vẫn nói vui là trông trẻ – lại “vận” vào mình. Sau 20 năm chỉ dạy học ở Canada, tôi đã nhận dạy ở các Nhạc viện Oberlin và New England (Mỹ) và Nhạc viện trung tâm Bắc Kinh (Trung Quốc).

 

Trước đây, tôi dạy 10 cháu đã thấy bận rộn, mà giờ là 30 cháu. May mắn, dù không phải là lựa chọn chủ đích từ đầu nhưng việc dạy học đem lại đam mê cho tôi. Thế nên, tổ chức biểu diễn với các học trò với tôi thực chất là thêm việc ở tuổi lẽ ra nghỉ hưu, nhưng lại rất ý nghĩa và thú vị.

 

NSND Đặng Thái Sơn

 

* Với nhiều học trò như vậy, tiêu chí lựa chọn học sinh biểu diễn của ông trong chương trình là gì?

 

– Trước hết, đó đều là các học trò đang theo học tôi. Bố cục chương trình khá khá đa dạng về các tác phẩm từ thế kỉ XVIII đến XX, cũng như đa dạng về các phong cách cổ điển, lãng mạn, hiện đại. Tôi chọn các học sinh có sự đa dạng về cá tính âm nhạc trong mỗi chương trình biểu diễn. Như trong đêm diễn đầu tiên, sẽ có bạn trình diễn với lối chơi mãnh liệt, có bạn lãng mạn, nhưng có bạn lại sở hữu sự cân bằng.

Thực ra, chọn học sinh trình diễn cùng mình không khó, mà cái khó là phụ thuộc vào lịch học và diễn của các em, nhất là những bạn đã đi thi và thành công.

 

* Đâu là những điểm nổi bật của các nghệ sĩ trẻ tại chương trình này?

 

– Dù không muốn dùng những mỹ từ giật gân, nhưng phải nói rằng Sophia Shuya Liu (sinh năm 2008 tại Thượng Hải, Trung Quốc) trong mắt tôi là một trong những thần đồng. Với cá tính phát triển sớm, Sophia học đàn từ khi 4 tuổi và 5 tuổi đã bắt đầu tham dự các cuộc thi quốc tế. Các giải thưởng mà cô bé đạt được có thể kể đến là giải nhất cuộc thi piano quốc tế Ettlingen hạng A lần thứ 18 tại Đức, giải nhất cuộc thi quốc tế Thomas & Evon Cooper năm 2023.

 

Kai-Min Chang (sinh năm 2001 tại Đài Loan, Trung Quốc) cũng là một nghệ sĩ có thế mạnh trình diễn những tác phẩm lớn. Đây là thí sinh vào đến vòng tứ kết cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ 18 tại Warsaw, Ba Lan năm 2021.

 

Cuối cùng là Zitong Wang (sinh năm 1999 tại Nội Mông, Trung Quốc), hiện đang theo học tiến sĩ tại Nhạc viện New England với tôi. Để nói về Zitong Wang cũng như các học trò của mình, tôi muốn nhắc đến hình tượng pianist Martha Argerich – người ở tuổi 80 nhưng vẫn chơi đàn với tâm hồn trẻ trung như tuổi 18. Các học trò của tôi trong chương trình này đều có một tinh thần biểu diễn như vậy.

 

* Và sự xuất hiện của các nghệ sĩ trẻ lần này đều đến từ châu Á cũng là một cách gây ấn tượng cho chương trình?

 

– Vì sự vươn lên của châu Á hiện nay đã không chỉ đến từ kinh tế, thể thao mà cả âm nhạc. Tôi nhớ thời mình đi thi Chopin, thí sinh đến từ châu Á chỉ lác đác vài người. Thậm chí, giám khảo châu Âu còn rất dễ nhầm giữa người này với người khác, chẳng hạn, ảnh đoạt giải của tôi năm đó còn bị đăng nhầm bằng ảnh của người khác. Nhưng bây giờ, người châu Á đã “lấn át” nhiều. Học sinh của tôi 90% cũng là người châu Á.

 

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì việc phát triển ở lĩnh vực này hơi có vấn đề. Thú thật là lần nào về nhà, tôi cũng tìm cách “đánh chuông” mà thấy không ăn thua. Phải nói là nhìn vào Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nền nghệ thuật cổ điển của mình “ăn đứt” các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Nhưng chúng ta tự hào lâu quá! Nên bây giờ, thế mạnh đang thuộc về Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Và mục đích làm concert của tôi lần này cũng có thể hiểu là thêm một lần “rung chuông’.

 

Các học trò của NSND Đặng Thái Sơn: Zitong Wang, Kai-Min Chang, Sophia Shuya Liu

 

Chấp nhận cá tính

 

* Ở tuổi này, việc giảng dạy có ý nghĩa như thế nào với ông?

 

– Người ta nói tinh thần quyết định sức khỏe. Có nhiều học trò tài năng sẽ khiến mình luôn khỏe mạnh, và nhìn vào thành tích của học sinh là mình cảm thấy bổ hơn uống nhân sâm. Học sinh nào làm mình đau đầu là sức khoẻ của mình bị ảnh hưởng. Học sinh nào mà học tốt thì mình làm việc không biết mệt mỏi!

 

* Ông thường dạy học theo phương pháp nào?

 

– Phương pháp nào cũng có, nhưng tôi thường “mềm nắn rắn buông”. Tôi cũng đánh giá học sinh theo tinh thần học tập. Có những học sinh tuy không quá tài năng nhưng đã cố gắng hết sức thì mình dạy theo lối nhẹ nhàng. Còn học sinh có tài mà lười thì cũng từ nhẹ nhàng đến nói về lý. Nếu từ nhẹ nhàng đến nói về lý mà cũng không xong, phải gắt lên thì quả thật là tới lúc tôi không chấp nhận nổi.

 

* Vậy theo ông, đâu là điều quan trọng trong giảng dạy nghệ thuật nói chung và đào tạo pianist nói riêng?

 

– Tôi nghĩ, cá tính trong nghệ thuật rất quan trọng. Đó là điều khiến mình không thể ép thẩm mỹ của con trẻ được mà phải chấp nhận cá tính của mỗi học sinh. Cái khó trong giảng dạy nghề này là mình phải đi theo bản tính tự nhiên của mỗi đứa trẻ, từ đó tìm ra con đường phù hợp với mỗi người.

 

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Chương trình Đặng thái Sơn và các học trò được mở màn tại Việt Nam, sau đó diễn ra tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Thuỵ Sĩ, Châu Âu, Canada và Mỹ.

 

“Timeless Resonance – thanh âm bất tận”

 

Trong vai trò là giám đốc âm nhạc, đại diện chính thức của NSND Đặng Thái Sơn tại Việt Nam từ 2024, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, chuỗi chương trình Timeless Resonance – thanh âm bất tận được thực hiện với mong muốn tạo dựng cảm hứng cho người trẻ, tài năng có đủ năng lực bước ra thế giới. Bên cạnh đó là sự đóng góp cho đời sống âm nhạc ngày một phát triển hơn, không chỉ ở lĩnh vực cổ điển.

 

“Nhiều người nói tôi liều và dũng cảm khi tổ chức một chương trình như vậy. Nhưng những giá trị về mặt cảm xúc mà các chương trình đem lại giá trị với tôi hơn cả những khó khăn về mặt tài chính hay tổ chức” – nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ” – “Vì thế, ngoài những thông điệp của chương trình, tôi hi vọng khán giả sẽ có những trải nghiệm về âm nhạc trước những tài năng biểu diễn, không chỉ là từ NSND Đặng Thái Sơn”.

 

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều