TEMIRKANOV, YURI (1938-2023)

07:00 AM, Thứ sáu, 20/12/2024
121

Tác giả: Ngọc Tú (tổng hợp)

 

 

Ông ấy là một con người phi thường.” – Evgeny Kissin

Sau khi Evgeny Mravinsky huyền thoại qua đời vào ngày 19/1/1988, Yuri Termikanov đã được chính các thành viên của Leningrad Philharmonic lựa chọn là nhạc trưởng tiếp theo của dàn nhạc. Đó là một trọng trách đầy vinh quang nhưng cũng vô cùng nặng nề vì dấu ấn mà Mravinsky đã tạo dựng cùng với Leningrad Philharmonic trong suốt 50 năm trước đó là vô cùng to lớn. Đây không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa nhạc trưởng và dàn nhạc mà còn là biểu tượng văn hoá, đại diện cho một giá trị nghệ thuật to lớn của đất nước Xô viết. Và Temirkanov, người từng là trợ lý âm nhạc cho Mravinsky đã tiếp nối truyền thống danh giá đó, hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình, lãnh đạo Leningrad Philharmonic (được đổi tên thành Saint Petersburg Philharmonic từ năm 1991) bảo toàn và và duy trì được chất lượng nghệ thuật tuyệt vời, bất chấp bối cảnh lịch sử chính trị nhiều biến động vào những năm 1990. Saint Petersburg Philharmonic trong nhiệm kỳ của Temirkanov vẫn luôn là một trong những dàn nhạc xuất sắc nhất tại Nga cũng như trên thế giới. Nổi bật với âm nhạc của những nhà soạn nhạc đồng hương như Peter Ilyich Tchaikovsky, Sergei Rachmaninov, Sergei Prokofiev hay Dmitri Shostakovich, Temirkanov thấm nhuần nền văn hoá lâu đời của quê hương mình và ông truyền tải những tuyệt tác này tới khán giả bằng một niềm tự hào mãnh liệt, sự cuốn hút kỳ lạ, táo bạo và đầy thuyết phục. Nhưng không chỉ có vậy, ông còn được đánh giá cao với các tác phẩm của những nhà soạn nhạc phương Tây như Wolfgang Amadeus Mozart, Hector Berlioz và Gustav Mahler. Với Temirkanov, được đứng trên bục chỉ huy là niềm vinh quang trong cuộc đời.

Yuri Khatuyevich Temirkanov sinh ngày 10/12/1938 tại Nalchik, thủ đô của nước cộng hòa Kabardino-Balkaria, vùng Kavkaz miền nam nước Nga, là một trong bốn người con của ông Khatu và bà Polina. Ông Khatu là người đứng đầu ngành văn hoá của nước cộng hoà tự trị này. Anh trai của Yuri, Boris sau này cũng trở thành một chỉ huy dàn nhạc và là nhạc trưởng chính của dàn nhạc quê hương Kabardino-Balkaria. Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, Prokofiev đã sơ tán đến nơi đây, trở thành bạn của ông Khatu và từng sống trong ngôi nhà của gia đình Yuri, bắt đầu sáng tác vở opera Chiến tranh và Hoà bình. Một số nghệ sĩ kịch nói nổi tiếng của Nhà hát Nghệ thuật Moscow cũng di tản đến Nalchik và cố gắng biểu diễn các vở kịch tại đây. Chính bầu không khí này đã trở thành bước đệm để cậu bé Yuri làm quen với nền văn hoá cao cấp. Ông Khatu bị quân Đức bắt và xử bắn vào năm 1941. Đó là giai đoạn bi thảm trong cuộc đời cậu bé Yuri. Temirkanov từng hồi tưởng lại: “Tôi nhớ không rõ khoảng thời gian đó – nó giống như một cơn ác mộng đối với tôi. Tôi chỉ nhớ lờ mờ tới Prokofiev – ông ấy thường đưa tôi đến khu chợ địa phương – cũng như tôi nhớ về bố tôi”. Lên 9 tuổi, Yuri được gia đình cho theo học violin. Các thầy giáo đầu tiên của cậu là Valery Dashkov và Truvor Scheibler. Trong đó, Scheibler, người từng là sinh viên của Alexander Glazunov tại nhạc viện Petrograd, còn là một nhà soạn nhạc và nghiên cứu văn hoá dân gian, đã góp phần rất lớn trong việc mở rộng tầm mắt nghệ thuật của Yuri. Tài năng của cậu bé được bồi đắp và mọi người nhất trí rằng Leningrad sẽ là điểm đến tuyệt vời và cần thiết cho chặng đường tiếp theo của Yuri. Và năm 1953, Yuri đã lên đường đến thành phố tuyệt đẹp bên dòng sông Neva, nơi đã hình thành cậu bé cả với tư cách nhạc trưởng và con người.

Temirkanov theo học violin tại Trường Trung học Âm nhạc Đặc biệt tại Nhạc viện Leningrad, trong lớp của Mikhail Belykov. Sau đó, từ năm 1957, anh tiếp tục học tại Nhạc viện Leningrad, lúc này Temirkanov đã chuyển sang lớp viola dưới sự giảng dạy của Grigory Isaevich Ginzburg. Tại đây, anh đồng thời tham gia các lớp chỉ huy dàn nhạc của Ilya Musin và Nikolai Rabinovich. Người đầu tiên tiết lộ cho Temirkanov về những khó khăn của nghề nhạc trưởng, người thứ hai dạy anh phải coi trọng công việc chỉ huy một cách nghiêm túc. Điều này càng thôi thúc Temirkanov tiếp tục con đường học hành của mình. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành viola vào năm 1962, Temirkanov toàn tâm toàn ý trở thành sinh viên và nghiên cứu sinh của khoa chỉ huy dàn nhạc và opera tại Nhạc viện Leningrad cho đến năm 1968. Ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân vào năm 1965, Temirkanov đã có buổi biểu diễn ra mắt của mình tại Nhà hát opera và ballet Maly, Leningrad trong La Traviata (Giuseppe Verdi). Một năm sau, cuộc thi Nhạc trưởng toàn liên bang Xô viết lần thứ hai được tổ chức và Temirkanov đã xuất sắc giành được giải nhất. Người từng chiến thắng trước đó trong cuộc thi lần thứ nhất chính là Mravinsky, vị nhạc trưởng sẽ có sự gắn bó mật thiết với chặng đường phát triển của Temirkanov sau này. Với thành công vừa đạt được, một tươi lai xán lạn đã mở ra trước mắt chàng trai trẻ 28 tuổi. Temirkanov ngay lập tức được tham gia chuyến lưu diễn của Moscow Philharmonic và David Oistrakh tại Mĩ, chia sẻ vị trí chỉ huy dàn nhạc cùng Kirill Kondrashin. Sau đó, dưới sự đề cử của chính Mravinsky, Temirkanov đã trở thành trợ lý nhạc trưởng tại Leningrad Philharmonic và có lần chỉ huy đầu tiên cùng dàn nhạc vào năm 1967.

Sau khi kết công việc học tập vào năm 1968, Temirkanov chính thức bắt đầu sự nghiệp chỉ huy dàn nhạc của mình khi trở thành nhạc trưởng chính tại Leningrad Academic Symphony Orchestra thay thế cho Arvid Jansons (bố của Mariss Jansons), đồng thời vẫn giữ sự cộng tác thường xuyên với các dàn nhạc lớn khác tại Leningrad. Ông chia tay dàn nhạc vào năm 1976 để chuyển sang làm giám đốc nghệ thuật tại Nhà hát Kirov, Leningrad (nay là Nhà hát Mariinsky), một trong hai trung tâm biểu diễn opera và ballet hàng đầu của Liên Xô (cùng với Nhà hát Bolshoi, Moscow). Tại đây, dưới sự lãnh đạo của Temirkanov, nhà hát đã dàn dựng và biểu diễn rất nhiều vở opera của các nhà soạn nhạc Nga và thế giới, nhiều chương trình trong đó đã trở thành sự kiện trong đời sống văn hoá Liên Xô. Cùng Temirkanov, Kirov đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà hát đã có chuyến lưu diễn tới các nước phương Tây như Mĩ, Anh và cả Nhật Bản. Và ông cũng là người đầu tiên chỉ huy dàn nhạc của nhà hát trong các chương trình hoà nhạc độc lập, tách rời khỏi các vở opera và ballet, tạo nên một lịch biểu diễn đa dạng và phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu thưởng thức của khán giả Leningrad nói riêng và Liên Xô nói chung. Cái tên Temirkanov ngày càng ghi dấu ấn đậm nét trong đời sống âm nhạc cổ điển cổ điển của quê hương mình và trở thành người xuất sắc nhất trong thế hệ của ông. Trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mĩ vẫn diễn ra căng thẳng, Temirkanov là một trong những nhạc trưởng hiếm hoi được biểu diễn tại các nước phương Tây. Ông đã nhiều lần cộng tác cùng New York Philharmonic, Boston Symphony Orchestra, Philadelphia Orchestra và trở thành nhạc trưởng khách mời chính của Royal Philharmonic Orchestra.

Mốc son rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Temirkanov đã đến vào năm 1988. Mravinsky qua đời và Temirkanov được mời làm giám đốc nghệ thuật và nhạc trưởng chính tiếp theo của Leningrad Philharmonic, dàn nhạc nổi tiếng và xuất sắc nhất Liên Xô. Điều đáng chú ý hơn nữa là Temirkanov được lựa chọn từ chính các nhạc công của dàn nhạc thay vì từ một cơ quan có thẩm quyền. Ông nói về vị trí mới của mình: “Tôi tự hào rằng mình là một nhạc trưởng được bầu chọn. Nếu tôi không nhầm thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc của đất nước mà chính dàn nhạc quyết định ai sẽ là người chỉ huy mình. Cho đến nay, tất cả các nhạc trưởng đều được bổ nhiệm từ trên xuống”. Trên thực tế, thời gian đầu trong nhiệm kỳ của Temirkanov tại Leningrad Philharmonic vấp phải rất nhiều khó khăn. Dàn nhạc đã bắt đầu trở nên rệu rã vào cuối những năm Mravinsky dẫn dắt. Sức khoẻ suy giảm của Mravinsky đã dẫn đến việc Leningrad Philharmonic thiếu đi sự điều hành sát sao. Nhiều nhạc công tài năng đã rời bỏ dàn nhạc ra đi tới những quốc gia khác. Sau đó là giai đoạn Liên Xô sụp đổ, Leningrad Philharmonic cũng như nhiều thiết chế văn hoá khác phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề. Temirkanov đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc duy trì và củng cố Leningrad Philharmonic để dàn nhạc có thể bảo toàn được chất lượng nghệ thuật của mình. Ông đưa ra nguyên tắc làm việc cơ bản: “Bạn không thể khiến các nhạc công mù quáng thực thi ý muốn của người khác. Chỉ có sự tham gia, chỉ có ý thức rằng tất cả chúng ta đang cùng nhau làm một việc chung mới có thể mang lại kết quả như mong muốn”. Những công sức của ông đã được đền đáp, Leningrad Philharmonic vẫn được công nhận là dàn nhạc xuất sắc nhất nước Nga và hàng đầu trên thế giới. Năm 1991, dàn nhạc được trở về với tên gọi ban đầu Saint Petersburg Philharmonic. Bản thu âm đầu tiên của họ trong hình hài mới là âm nhạc trong bộ phim Alexander Nevsky được Prokofiev sáng tác, đã được tạp chí Stereo Review so sánh với việc khôi phục trần Nhà nguyện Sistine của Michelangelo ở Vatican.

Ông tiếp cận âm nhạc từ góc độ nghệ thuật chứ không phải từ bất kỳ thứ gì khác. Temirkanov từng nhiều lần biểu diễn các tác phẩm không được những nhà quản lý văn hoá Liên Xô ưa thích. Ông cũng đánh giá các nhạc công trong dàn nhạc của mình dựa trên trình độ của họ thay vì thâm niên như sự cứng nhắc quen thuộc của thời kỳ đó. Luôn cố gắng tránh xa chính trị, Temirkanov không tham gia bất cứ đảng phái nào nhưng ông có một quan hệ khá thân thiết với tổng thống Nga Vladimir Putin. Khi sự khủng hoàng tài chính của dàn nhạc lên đến đỉnh điểm, Temirkanov đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Putin, rằng: “nếu nhà nước không hỗ trợ, những tổ chức như thế này sẽ không thể tồn tại được”. Temirkanov đã thành công trong việc kêu gọi tài trợ cho dàn nhạc từ phía ngân sách nhà nước. Giống như nhiều nhạc trưởng bậc thầy khác như Pierre Boulez hay Kurt Masur, Temirkanov cũng không sử dụng đũa chỉ huy. Ông tin rằng mình có thể lãnh đạo dàn nhạc tốt hơn khi như vậy. Temirkanov không hề ưa thích sự hào nhoáng trên bục chỉ huy, ông thích đóng vai trò là một “điều phối viên” cho các nhạc công trong dàn nhạc, để họ chơi trong một khuôn khổ được kiểm soát nhưng không hề gò bó. Tay phải của ông luôn ổn định và chính xác nhưng tay trái đôi khi sẽ tạo ra một chuyển động bất thường khiến âm nhạc thay đổi bất ngờ một cách đáng kinh ngạc nhưng hợp lý. Phong cách sáng tạo của Temirkanov rất độc đáo và nổi bật bởi tính biểu cảm tươi sáng. Ông tỏ rõ sự nhạy cảm với những đặc thù trong phong cách của các nhà soạn nhạc ở những thời đại khác nhau và diễn giải âm nhạc của họ một cách tinh tế và đầy cảm hứng. Kỹ năng của Temirkanov nổi bật ở kỹ thuật chỉ huy điêu luyện, phụ thuộc vào sự hiểu biết sâu sắc về ý đồ của tác giả. Ông giải thích vai trò của mình một cách đơn giản: “Tôi quay lưng lại với khán giả chứ không phải dàn nhạc. Khi chỉ huy, tôi giống như một diễn viên, tôi đang nói chuyện với khán giả, nhưng lời nói thuộc về nhà soạn nhạc và tôi chỉ là vật chứa để chúng đi qua”. Temirkanov miêu tả cụ thể hơn công việc của mình: “Có hai nghề chỉ huy. Một là kapellmeister, người đập nhịp. Nhưng ở đâu nhạc công cũng rất chuyên nghiệp và tài ba; họ không cần điều đó. Người chỉ huy phải cho họ thấy những gì họ không biết. Phần còn lại là ở tổng phổ. Nhạc trưởng phải bằng cách nào đó truyền đạt được lý do tại sao bản nhạc được viết theo cách này, để giải quyết nó giống như một câu chuyện trinh thám. Bạn phải đoán tại sao nhà soạn nhạc đã làm như vậy. Âm nhạc giống như một lá thư. Người soạn nhạc viết bức thư này, nhưng ông không thể viết hết những gì ông ấy muốn nói. Ngay cả Mahler cũng không thể làm được điều đó, mặc dù ông ấy đã viết ra mọi ô nhịp mà ông ấy muốn bạn chỉ huy… Nhìn rõ mọi thứ đằng sau những nốt nhạc là điều người nhạc trưởng nên làm”.

Năm 1992, Temirkanov trở thành nhạc trưởng chính của Royal Philharmonic Orchestra, vị trí mà ông nắm giữ cho đến năm 1998. Bên cạnh đó, ông còn đảm nhiệm cương vị nhạc trưởng khách mời chính tại Danish National Symphony Orchestra và Dresden Philharmonic. Tháng 1/2000, Baltimore Symphony Orchestra gây ra một bất ngờ to lớn khi tuyên bố Temirkanov trở thành giám đốc âm nhạc thứ 11 của dàn nhạc. Baltimore Symphony Orchestra chắc chắn không phải dàn nhạc hàng đầu tại Mĩ, thậm chí khó có thể chen chân vào tốp 10 nhưng họ đã có được một nhạc trưởng ở đẳng cấp cao nhất. Chính báo chí đã khẳng định đây là “một thành tựu to lớn”. Temirkanov đến và nâng tầm dàn nhạc. Những nhạc công của Baltimore Symphony Orchestra đã dành cho ông sự kính trọng sâu sắc, những trải nghiệm với Temirkanov là độc nhất, không giống với ở bất kỳ đâu khác. Jonathan Carney, concertmaster của dàn nhạc nhận xét: “Ông ấy rất chú trọng đến khả năng biểu cảm thông qua chuyển động của tay và cơ thể. Xem ông giống như thưởng thức một vở ballet. Ông không muốn chỉ huy một dàn nhạc. Ông cố gắng kéo chúng tôi đi theo một hướng nhất định. Đối với tôi, nó giống như việc chiêm ngưỡng một nhà thơ trên bục giảng vậy”. Còn Ivan Stefanovic, thành viên bè violin 2 cho biết: “Temirkanov, trong thời gian tương đối ngắn ở Baltimore, đã thay đổi hoàn toàn cách dàn nhạc chơi, nghe và hít thở âm nhạc”. Temirkanov đã giúp các nhạc công của dàn nhạc nỗ lực hết mình bất chấp việc tính cách nhút nhát và vốn tiếng Anh hạn chế khiến ông không thể trở nên quá thân thiết với họ. Sau khi chia tay Baltimore Symphony Orchestra vào năm 2006, Temirkanov đã được dàn nhạc phong tặng làm giám đốc âm nhạc danh dự.

Hầu như không bao giờ bị chê trách về mặt âm nhạc nhưng Temirkanov từng bị chỉ trích rất nhiều về thái độ coi thường phụ nữ của ông. Vào năm 2012, trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Nezavisimaya Gazeta (Độc lập) của Nga, ông cho biết phụ nữ không nên trở thành nhạc trưởng vì điều đó “đi ngược lại tự nhiên”. Temirkanov giải thích cụ thể hơn: “Một người phụ nữ phải xinh đẹp, dễ mến và hấp dẫn. Các nhạc công sẽ nhìn cô ấy và bị phân tâm khỏi âm nhạc”. Ông nhấn mạnh: “Bản chất của nghề nhạc trưởng là sức mạnh. Bản chất của phụ nữ là yếu đuối”. Trong lần trở lại chỉ huy Baltimore Symphony Orchestra vào năm 2016, Temirkanov tiếp tục trao đổi về vấn đề này với Baltimore Sun: “Đúng, phụ nữ có thể làm nhạc trưởng. Tôi không chống lại việc họ chỉ huy dàn nhạc. Nhưng đơn giản là tôi không thích điều ấy. Có phụ nữ đấm bốc và cử tạ; họ có thể làm điều đó. Nhưng tôi không thích xem. Đó chỉ là sở thích của tôi. Chúng ta có những khẩu vị khác nhau. Ví dụ, tôi không ăn cá”. Tuy nhiên, những cộng sự của ông tại dàn nhạc này lại cho thấy những cảm xúc hoàn toàn khác khi họ tiếp xúc với Temirkanov. Lara Webber, nữ trợ lý nhạc trưởng của ông cho biết những lời nói đó “hoàn toàn không ăn nhập với trải nghiệm mà tôi có… Đó thực sự là một ông chủ luôn ủng hộ tôi và là một người theo chủ nghĩa nhân văn cực kỳ đồng cảm”. Thật trớ trêu, người thay thế Temirkanov tại Baltimore Symphony Orchestra là một nữ nhạc trưởng: Marin Alsop.

Bất chấp sự cố trên, Temirkanov vẫn luôn được đón nhận tại bất kỳ nơi nào ông đến biểu diễn. Với tài năng và danh tiếng của mình, Temirkanov đã được mời cộng tác cùng với hầu hết các dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới như Berlin Philharmonic, Vienna Philharmonic, London Symphony Orchestra, Royal Concertgebouw Orchestra và nhiều tên tuổi lừng danh khác. Ông từng đặt chân đến rất nhiều nơi trên thế giới và tất nhiên, vô cùng gắn bó với nước Nga quê hương mình, sống hầu hết cuộc đời tại đây. Tuy nhiên, Temirkanov từng cho biết rằng mình thích sống ở Ý hơn: “Đó là quốc gia duy nhất nơi mọi người thực sự sống. Mọi người đều có vấn đề, rắc rối, những thứ phải làm, nhưng đó chỉ là việc của “domani, domani, domani” (ngày mai trong tiếng Ý). Ở mọi thị trấn đều có âm nhạc. Và tài xế taxi có thể hát tất cả các vở opera”. Cũng giống như Mravinsky, Temirkanov luôn muốn chỉ huy dàn nhạc cho đến khi nào còn có thể: “Bạn có biết nhạc trưởng nào đã nghỉ hưu không? Và bạn biết đấy, bạn càng lớn tuổi thì bạn càng phải chỉ huy giỏi hơn. Khi làm việc, tôi cảm thấy khoẻ hơn”. Tuy nhiên, tuổi tác đã ngăn cản Temirkanov thực hiện công việc yêu thích của mình. Khi dịch Covid bắt đầu bùng phát, sức khoẻ của ông đã suy giảm rõ rệt và hầu như ông không thể bước lên bục chỉ huy. Và tháng 2/2022, Temirkanov đã nhường lại vị trí của mình tại Saint Petersburg Philharmonic cho Nikolai Alekseev, người chưa thực sự khẳng định được tên tuổi vào thời điểm đó, sau hơn 34 năm cống hiến tại đây trong sự tiếc nuối sâu sắc của rất nhiều nhạc công và khán giả. Temirkanov qua đời tại Saint Petersburg vào ngày 2/11/2023 vì bệnh tim ở tuổi 84. Lễ tang của ông được thực hiện tại đại sảnh của phòng hoà nhạc Saint Petersburg Philharmonic vào ngày 5/11/2023. Thi hài ông được chôn cất tại nghĩa trang Komarovskoe, làng Komarovo, Saint Petersburg.

Với sự qua đời của Temirkanov, một thế hệ các nhạc trưởng xuất sắc, những người sinh trước Thế chiến thứ hai, gần như đã kết thúc. Temirkanov là di sản cuối cùng cho một trường phái đào tạo chỉ huy dàn nhạc và opera tuyệt vời của đất nước Liên Xô đã tan rã. Ông đã sống và cống hiến cho âm nhạc trong hầu hết cuộc đời mình, như nhà phê bình âm nhạc Stephen Wigler lưu ý rằng Temirkanov “không sở hữu ti vi và thậm chí còn không biết lái ô tô”. Temirkanov đã mất và có lẽ rằng Saint Petersburg Philharmonic có lẽ sẽ phải mất nhiều năm để gây dựng lại danh tiếng, vì nó đã thiếu đi linh hồn và khối óc của mình.

 

(Nguồn:nytimes.com, telegraph.co.uk, theguardian.com, nhaccodien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share