Bruckner: Giao hưởng số 7

07:00 AM, Thứ ba, 26/11/2024
184

Tác giả: Cobeo (Tổng hợp)

 

 

Thông tin chung

Tác giả: Anton Bruckner.

 

Tác phẩm: Giao hưởng số 7 giọng Mi trưởng, WAB. 107

 

Thời gian sáng tác:Năm 1881-1883. Bruckner đã sửa chữa lại tác phẩm vào năm 1885.

 

Công diễn lần đầu: Ngày 30/12/1884 tại Leipzig, với Arthur Nikisch chỉ huy Leipzig Gewandhaus Orchestra.

 

Độ dài: Khoảng 70 phút.


Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Allegro moderato (Mi trưởng)
Chương II – Adagio: Sehr feierlich und sehr langsam (Rất trang trọng và rất chậm) (Đô thăng thứ)
Chương III – Scherzo: Sehr schnell (Rất nhanh) (La thứ) – Trio: Etwas langsamer (Chậm hơn một chút) (Pha trưởng)
Chương IV – Finale: Bewegt, doch nicht schnell (Chuyển động nhưng không nhanh) (Mi trưởng)


Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 3 trumpet, 3 trombone, 4 Wagner tuba, contrabass tuba, timpani, cymbals, triangle và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

 

Danh tiếng đến với Bruckner khá muộn mằn, tài năng của ông chỉ được công nhận khi Bruckner đã ngoài 60 tuổi. Trong suốt cuộc đời trước đó, Bruckner luôn bị mang ra trêu chọc: một kẻ cục mịch với giọng nói quê mùa, ăn mặc không giống ai, có những mối quan hệ kém cỏi với phụ nữ (cầu hôn 9 lần nhưng đều bị từ chối), uống rất nhiều bia và ở trong một căn hộ mà không một ai muốn dọn dẹp. Bruckner có một cây đàn piano Boesendorfer lớn cũ kỹ mà phím đen với phím trắng hầu như không thể phân biệt được do bụi và ám khói. Ông chỉ có hai cuốn sách: Kinh Thánh và tiểu sử Napoléon mà ông đọc đi đọc lại liên tục. Bản thảo nằm lẫn lộn giữa đống sách báo và thư từ. Nhà soạn nhạc là một người Công giáo sùng đạo, sa lầy vào Công giáo cuồng tín, bị bó gọn trong tâm lý cô lập và niềm đam mê của mình với cái chết. Đáng buồn thay, Bruckner đã viết: “Tôi luôn ngồi tội nghiệp, bị bỏ rơi và vô cùng u uất trong căn phòng nhỏ của mình”. Những người bạn đồng hành của ông chỉ là âm nhạc, đàn organ và tôn giáo.

 

Đối với nhiều người, những tác phẩm của Bruckner cũng thật kỳ lạ, quanh co, dài dòng đến mức không thể hiểu nổi. Chín bản giao hưởng được đánh số nằm ở trung tâm các tác phẩm khí nhạc của Bruckner. Ông sửa đổi 6 bản đầu tiên vô số lần với hi vọng rằng những quan điểm của mình sẽ được hậu thế ủng hộ. Trong suốt cuộc đời của Bruckner, nhà phê bình nổi tiếng thành Vienna, Arthur Hanslick luôn sẵn sàng cầm bút hạ nhục ông bằng những bài viết của mình, gọi ông bằng tất cả những từ ngữ tệ hại: “mục nát, điên rồ, ngây thơ, mất tự nhiên…”. Tuy nhiên, Buckner không định thay đổi: “Họ muốn tôi viết khác đi. Chắc chắn tôi có thể làm, nhưng tôi không thể. Chúa đã ban cho tôi, của tất cả mọi người, tài năng này. Đó là thứ mà tôi sẽ phải báo cáo với Ngài”. Khi đã gần 60 tuổi, từ năm 1881-1883, Bruckner sáng tác bản Giao hưởng số 7 và không chịu ảnh hưởng của người khác. Ông đã có được sự tự tin. Bản giao hưởng chỉ bị sửa một lần vào năm 1885.

 

Nhạc trưởng nổi tiếng Arthur Nikisch sau khi nghe bản giao hưởng này trên piano đã quyết định: “Kể từ thời điểm này, tôi coi đó là nhiệm vụ của mình để làm việc sao cho được Bruckner công nhận”. Màn trình diễn ra mắt tại Leipzig vào ngày 30/12/1884 và buổi sau đó tại Munich vào ngày 10/3/1885 dưới sự chỉ huy của Hermann Levi đều vô cùng tuyệt vời. Sự hoan nghênh này đã tạo thành một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp, hoàn toàn xoay chuyển số phận đáng tiếc trước đây của ông. Giới phê bình Vienna vẫn tỏ ra rất thù địch. Hanslick viết: “Âm nhạc gây phản cảm đối với tôi và có vẻ cường điệu, bệnh hoạn và biến thái” Còn Gustav Dompke nhận xét: “Chúng tôi giật mình kinh hãi trước mùi thối rữa xộc thẳng vào mũi chúng tôi từ sự thất vọng của những đối âm bị phân huỷ này”. Khán giả trên khắp thế giới, kể cả tại Vienna, đã không đồng ý với những lời phê bình phiến diện này, bản giao hưởng đã giành được chiến thắng vang dội, không thể bác bỏ. Jonathan Kramer tổng kết: “Thế giới đặc biệt của Bruckner về sự xúc cảm mãnh liệt chuyển động chậm rãi, cao trào không cưỡng lại được và chất trữ tình sâu lắng, không nơi nào có sự trình bày mạch lạc hay đẹp đẽ hơn trong Bản giao hưởng số 7”.

 

Phân tích

 

Chương I có 3 chủ đề. Chủ đề đầu tiên, trên bè cello và horn độc tấu, được kể lại là đã đến với Bruckner trong một giấc mơ. Bruckner mơ thấy một giai điệu được người bạn, nghệ sĩ violin Ignaz Dorn, Kapellmeister của Linz nói với ông rằng: “Với giai điệu này anh sẽ tìm thấy sự may mắn của mình”. Bruckner kể lại: “Tôi ngay lập tức thức dậy, thắp nến và viết nó ra”. Nó bắt đầu một cách yên lặng, di chuyển qua 21 ô nhịp và qua hai quãng 8 trong một thang âm cao và rồi được lặp lại bằng bộ hơi và dàn dây. Sau đó chủ đề thứ hai trữ tình xuất hiện trên oboe và clarinet, được hỗ trợ bằng những hợp âm của kèn đồng, tăng dần, dẫn đến một đoạn fortissimo dài. Chủ đề thứ ba, mở đầu bằng một cao trào trên kèn đồng, là một điệu nhảy thôn quê (được giới thiệu mềm mại hơn), xuất hiện trên bộ hơi và dàn dây theo hướng đi xuống. Phần phát triển lớn bắt đầu với phần đảo ngược của clarinet với chủ đề đầu tiên và tuyên ngôn của hai chủ đề còn lại. Các điều chỉnh được thực hiện không ngừng nghỉ trước khi chuyển đến phần cuối. Phần tái hiện gợi lại những ý tưởng âm nhạc trước đó và rồi kết thúc chương nhạc trong một coda khổng lồ.

 

Chương II Adagio, sau này được chơi trong đám tang của Bruckner, là một bản nhạc u buồn dành cho Wagner. Trong một bức thư vào tháng 1/1883, Bruckner viết: “Một ngày nọ, tôi trở về nhà và thấy rất buồn. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng không bao lâu sau thì Bậc thầy sẽ qua đời và ngay sau đó chủ đề Đô thăng thứ của Adagio ra đời”. Wagner mất một tháng sau đó. Bruckner ghi chú: “Để tưởng nhớ đến bậc thầy bất tử và vô cùng kính yêu, người đã từ giã cuộc đời này”. Tứ tấu Wagner tuba giới thiệu ý tưởng đầu tiên trong một đoạn thánh ca nghiêm túc ở giọng thứ. Ngay sau đó là một nét nhạc trên violin, cũng được xuất hiện trong Te Deum, được sáng tác cùng thời kỳ với bản giao hưởng này, ở các cụm từ “non confundar in aeternum” (“để tôi không bị bối rối mãi mãi”). Một chủ đề tương phản, nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn xuất hiện trong nhịp ¾. Sau những màn giới thiệu này, dàn dây chiếm vị trí chủ đạo, đều đặn di chuyển về phía trước và xây dựng thành một cao trào. Sau đó, một cao trào khác ở giọng Đô trưởng, được tăng cường với timpani, cymbals và triangle. Chính Nikisch đã nói với Bruckner về ý tưởng này, nó sẽ khiến ông và dàn nhạc vô cùng thích thú. Bruckner đã đồng ý và còn áp dụng điều này trong bản Giao hưởng số 8 của mình. Chương nhạc kết thúc trong sự yên lặng và cam chịu.

 

Chương III Scherzo được sáng tác đầu tiên, rộng lớn và tuyệt đẹp. Bruckner cung cấp một điệu nhảy dân gian, đúng với nguồn gốc thượng Áo của nhà soạn nhạc. Trong những ngày còn trẻ, Bruckner kiếm thêm thu nhập cho đồng lương giáo viên ít ỏi của mình bằng cách chơi nhạc trong các buổi khiêu vũ của làng. Đầu tiên, cây kèn trumpet độc tấu giới thiệu một ý tưởng vui nhộn mà Bruckner gọi là “tiếng gà gáy” và được clarinet trả lời. Kể từ thời điểm đó, trumpet dẫn dắt chương nhạc. Xung động là ổn định, cho đến khi bất ngờ xuất hiện một đoạn ngừng, và bắt đầu một đoạn trio dài, trữ tình, được chơi gesangvoll (có thể hát lên được). Timpani ẩn mình ở phía dưới, hoà nhịp với nhịp điệu cuồng nhiệt ngay từ phần mở đầu. Phần đầu tiên được lặp lại để kết thúc chương nhạc.

 

Chương IV mở ra với một số ý tưởng quan trọng: một motif chấm dôi nổi bật đến từ bè violin, một chủ đề chính tương tự như ở chương I và một chủ đề mang phong cách thánh ca (nhưng đơn giản hơn nhiều) đến từ bè dây. Chương nhạc có hình thức sonata-allegro, chứng minh tính đàn hồi của nó, để bao trùm lên nhiều cao trào và một đoạn kịch tính lớn. Trong phần cuối, chủ đề của chương nhạc chính là một biến tấu được cắt ngắn của chủ đề đầu tiên trong chương I. Âm nhạc được xây dựng trên 3 giọng: Mi trưởng (giọng chủ), La giáng trưởng và Đô trưởng, chia quãng 8 thành đúng 3 phần đều nhau và thiết lập lên một kiến trúc đã được Bruckner thắp đầy bằng ngọn lửa của vinh quang. Tác phẩm kết thúc với tinh thần lạc quan và quyết đoán trong sự bùng nổ cuối cùng của chủ đề đầu tiên ở giọng Mi trưởng.

 

Thành công của bản Giao hưởng số 7, điều mà hiếm khi Bruckner có được trong cuộc đời mình, đã tiếp thêm sự phấn khích và sức mạnh cho nhà soạn nhạc. Ngay lập tức ông bắt tay vào sáng tác bản giao hưởng số 8, bản giao hưởng hoàn chỉnh cuối cùng của ông, được hoàn thành vào năm 1887, cũng là một tác phẩm rất đáng chú ý khác của Bruckner.

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều