Gerard Souzay, Vua mélodie Pháp

07:00 AM, Thứ tư, 28/08/2024
268

Tác giả: Duy Quang (Tổng hợp)

 

Hai thập niên sau khi Gerard Souzay qua đời, người ta vẫn nhớ đến chất giọng baritone ấm áp, truyền cảm, duyên dáng và quyến rũ của ông qua các mélodie Pháp.

 

Không ai có thể bắt chước được sự tự nhiên, thanh thoát và lối nhả chữ điệu đà, điển hình cho phong cách Pháp của Souzay.

 

Vị thế của Souzay đối với mélodie Pháp, các ca khúc của Claude Debussy, Gabriel Fauré, Maurice Ravel và rất nhiều nhà soạn nhạc Pháp khác nữa thậm chí còn vượt trội so với vị thế của Dietrich Fischer-Dieskau trong lieder. Trong thanh nhạc cổ điển, một vài ca sĩ như Elisabeth Schawarzkopf, Hermann Prey hay Christa Ludwig có thể tiệm cận đến vị trí của Fischer-Dieskau nhưng không một ai có thể đe dọa “ngôi vương” của Souzay trong địa hạt của ông. Không ai có thể bắt chước được sự tự nhiên, thanh thoát và lối nhả chữ điệu đà, điển hình cho phong cách Pháp của Souzay.

 

Trong cái nôi âm nhạc

 

Gerard Souzay có tên khai sinh là Gérard Marcel Tisserand. Nghệ danh Souzay xuất phát từ quê hương của ông, làng Souzay-Champigny, bên sông Loire, tỉnh Maine-et-Loire, Pháp. Cậu bé sinh ngày 8/12/1918 trong một gia đình âm nhạc. Cha mẹ cậu gặp nhau lần đầu trong dịp công diễn ra mắt vở opera Pelléas et Mélisande vào ngày 30/4/1902. Đó là một gia đình luôn đắm mình trong không khí âm nhạc: mẹ và các anh chị đều là ca sĩ. Chị gái Gerard, Geneviève Touraine là người đầu tiên tập bài hát Fiançailles pour rire của nhà soạn nhạc Francis Poulenc vào ngày 21/3/1942, đó cũng là người mà trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Souzay thường hát song ca. 

 

Có một điều thú vị là tuy theo học piano từ nhỏ nhưng ban đầu Gerard không có ý định theo đuổi âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp phổ thông ở Collège Rabelais, Chinon, cậu đã đến Sorbonne, Paris để học triết học. Tuy vậy, âm nhạc luôn bắt kịp cậu. Tại đây, Gerard đã gặp baritone Pierre Bernac, người rất nổi tiếng trong các mélodie của Pháp lúc bấy giờ và là bạn thân của nhà soạn nhạc Francis Poulenc. Bernac đã phát hiện ra năng khiếu thanh nhạc của Gerard và khuyến khích cậu theo đuổi việc học hát một cách chuyên nghiệp.

 

Souzay theo học tại Nhạc viện Paris từ năm 1940 với các giảng viên Claire Croiza và Jean-Émile Vanni-Marcoux. Ban đầu, anh hát với giọng tenor nhưng vào năm 1943, theo lời khuyên của ca sĩ Henri Etcheverry, Souzay đã định hình mình với chất giọng baritone. Năm 1942, Bernac từng biểu diễn ba ca khúc được anh chuyển soạn từ các bài thơ của Paul Valéry. Sau khi giành được một số giải thưởng về thanh nhạc như “Premier Prix de Chant” và “Premier Prix de Vocalise”, Souzay tiếp tục trau dồi khả năng của mình dưới sự hướng dẫn của Bernac. Tuy nhiên, sau đó anh đã có một số khác biệt về phương pháp giảng dạy, chủ yếu trong cách nhả chữ của Bernac, vì vậy sau này, Souzay đã tỏ ra không đồng ý khi được gọi là người kế tục xứng đáng của Bernac. 

 

Giọng hát của Souzay biểu cảm, thiết tha và nồng cháy. Phong cách biểu diễn của ông rất tự nhiên, thoải mái và không hề gượng ép. Tất cả khiến cho ông như được sinh ra để hát các mélodie Pháp.

 

Giọng hát của Souzay không lớn nhưng giàu màu sắc và âm điệu, mềm mại và vô cùng đáng yêu. Hơn thế nữa, Souzay rất chịu khó học hỏi và không bó mình trong khuôn khổ. Để mở rộng danh mục biểu diễn của mình, Souzay đã dành thời gian nghiên cứu chi tiết phương pháp hát lieder với ca sĩ lừng danh Lotte Lehmann. Sự nghiệp biểu diễn của ông bắt đầu vào năm 1945, khi cuộc Chiến tranh tThế giới lần Thứ hai vừa kết thúc. Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Fauré, Souzay đã có một số buổi biểu diễn các tác phẩm của nhà soạn nhạc tại Royal Albert Hall, London, hát độc tấu và hòa nhạc, trong đó có Requiem. Souzay rất ngưỡng mộ Fauré, sau này, ông cùng Elly Ameling đã thu âm trọn bộ các ca khúc thính phòng của nhà soạn nhạc này cho EMI. Cùng với các đĩa nhạc thời kỳ đầu với Germaine Lubin và chị gái Geneviève, đây là những bản song ca duy nhất mà Souzay thu âm. 

 

Souzay nhanh chóng thiết lập tên tuổi của mình như là một ca sĩ hàng đầu trong các mélodie Pháp cũng như các lieder của Franz Schubert và Robert Schumann. Ông trở thành ca sĩ thứ hai sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai tổ chức các buổi recital (người đầu tiên là Fischer-Dieskau, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc hai ca sĩ thường được đem so sánh cùng nhau). Trong các buổi biểu diễn độc tấu giai đoạn này, Souzay gắn bó với nghệ sĩ piano Jacqueline Bonneau, người bạn của ông từ thời còn học cùng nhau trong nhạc viện. Tuy nhiên, với danh tiếng ngày càng vang xa của Souzay, đồng nghĩa với việc các buổi biểu diễn trở nên dày đặc hơn nhưng Bonneau lại mắc chứng sợ đi máy bay nên Souzay đã hợp tác với nghệ sĩ piano người Mỹ Dalton Baldwin từ năm 1954. Kể từ đó cho đến khi kết thúc sự nghiệp, chỉ trong một vài trường hợp hiếm hoi ngoại lệ, Souzay luôn biểu diễn cùng Baldwin.

 

Một sự nghiệp rực rỡ

 

Có một năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, Souzay đã hát trong 16 thứ tiếng khác nhau, trong đó có Do Thái, Phần Lan, Bồ Đào Nha và một số ngôn ngữ khác. Ông cũng hát một số tác phẩm âm nhạc đương đại như La danse des morts của Arthur Honegger và trong buổi ra mắt Canticum Sacrum, tác phẩm ca ngợi vị Thánh bảo trợ của Venice được Igor Stravinsky cho công bố vào năm 1956, dành cho tenor và baritone lĩnh xướng với dàn hợp xướng và dàn nhạc dưới sự chỉ huy của chính tác giả. Nhà soạn nhạc Jacques Leguerney cũng viết một số ca khúc dành tặng cho chị em nhà Souzay. Năm 1947, Souzay bắt đầu sự nghiệp opera của mình trong Il matrimonio segreto của Domenico Cimarosa tại liên hoan âm nhạc Aix-en-Provence. 

 

Một CD Gerard Souzay thu âm các bài hát của Claude Debussy cho Deutsche Grammophon. Nguồn: Deutsche Grammophon

 

Tuy nhiên phải đến cuối những năm 1950, Souzay mới mở rộng hoạt động biểu diễn của mình, cho dù nó vẫn không thể sánh bằng các buổi độc tấu của ông. Trong giai đoạn khởi nghiệp, Souzay ký hợp đồng với Boite à Musique, một công ty thu âm nhỏ ở Paris. Sau này ông đã chuyển sang Decca và đã thực hiện rất nhiều các đĩa nhạc tại đây, chủ yếu trong các mélodie của Ernest Chausson, Henri Duparc, Poulenc và cả một số tập ca khúc như Dichterliebe, Liederkreis (Schumann). Souzay cũng quan tâm đến âm nhạc Baroque khi hát trong các tác phẩm của Johann Sabastian Bach, Jean-Baptiste Lully hay Jean-Philippe Rameau.

 

Cuối những năm 1950, Souzay bắt đầu quan tâm hơn đến opera. Tuy nhiên, ông không hát nhiều trong những vở opera tiêu chuẩn, quen thuộc mà thường tìm đến những vở kém nổi tiếng hơn. Ví dụ như L’Orfeo (Claudio Monteverdi), Orfeo ed Euridice (Christoph Willibald Gluck) hay La damnation de Faust (Hector Berlioz). Năm 1960, Souzay được Leopold Stokowski mời đến New York City Opera để hát trong L’Orfeo, đây là một trong những thành công to lớn của ông. Sau đó, Souzay trở lại Aix-en-Provence với vai Aeneas (Dido and Aeneas, Henry Purcell) nhưng đây lại là một thất bại, cả Souzay và người bạn diễn Teresa Berganza đều bị chỉ trích là không hiểu âm nhạc của Purcell và phát âm tiếng Anh quá tệ. Năm 1961, ông hát tại liên hoan Salzburg trong Mass của Bach cùng Leontyne Price, Christa Ludwig, Nicolai Gedda và Walter Berry dưới sự chỉ huy của Herbert von Karajan và Berlin Philharmonic. 

 

Năm 1962, lần đầu tiên Souzay hát trong Golaud (Pelléas et Mélisande) tại Rome dưới sự chỉ huy của Ernest Ansermet. Ông đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và từ đó, Goland đã trở thành vai diễn được yêu thích và xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Souzay. Ông lặp lại thành công của Goland tại Opéra Comique, Paris trong đêm diễn kỷ niệm 100 năm ngày sinh Debussy cũng như tại nhiều nhà hát khác tại châu Âu. Trong năm 1965, Souzay xuất hiện tại hai trong số những nhà hát danh tiếng nhất thế giới. Ngày 21/1trong bá tước Almaviva (Le nozze di Figaro, Wolfgang Amadeus Mozart) tại Metropolitan Opera và Don Giovanni (Don Giovanni, Mozart) vào ngày 2/9 tại Vienna State Opera. Thật đáng ngạc nhiên khi đó cũng là những lần xuất hiện duy nhất của ông tại các nhà hát này. Le nozze di Figaro và Don Giovanni cũng là những vở opera quen thuộc hiếm hoi mà Souzay biểu diễn. Ông cũng hát trong liên hoan Glyndebourne, năm 1965 trong bá tước Almaviva, bên cạnh Montserrat Caballé và London Philharmonic.

 

Vốn xuất phát là một tenor nên âm khu cao của Souzay rất tươi sáng và đẹp. Giọng hát của ông biểu cảm, thiết tha và nồng cháy. Phong cách biểu diễn của Souzay rất tự nhiên, thoải mái và không hề gượng ép. Ông không có xu hướng nghiên cứu tác phẩm một cách quá kỹ lưỡng mà thường để bản năng dẫn dắt. Giọng hát của ông không lớn, nó nhỏ nhẹ như những lời thủ thỉ, tâm tình, điều này tạo ấn tượng rất mạnh trong những buổi hát độc tấu, chúng thường tạo ra những cảm xúc mãnh liệt bất ngờ mà chính bản thân Souzay cũng không thể lường trước được. Tất cả những điều này khiến Souzay được sinh ra để hát các mélodie Pháp. Souzay giải thích phong cách tiếp cận nghệ thuật của mình: “Tôi nghĩ đó là lý do tại sao tôi sẽ không bao giờ thực sự nổi tiếng. Công chúng thích những kiểu diễn giải mang tính giải thích. Đối với tôi, âm nhạc rõ ràng như pha lê và dễ hiểu. Vì vậy, khi biểu diễn, tôi chỉ đề xuất cảm xúc của mình”. Chính những cảm xúc này khi được Souzay mang vào trong những lieder lại tạo ra một cảm giác mới lạ và hào hứng khi khán giả quá quen thuộc với cách diễn giải mang nặng tính lý trí của những ca sĩ Đức. Fischer-Dieskau đã từng thốt lên: “Tôi ước gì mình có thể hát mélodie của Pháp cũng tuyệt vời như Souzay hát trong lieder Đức”. Souzay có lẽ là người cầu toàn và mang trong mình chủ nghĩa hoài nghi. Trong những năm về sau, khi nhìn lại những thành tựu ban đầu của mình, ông tỏ ra không hài lòng và có xu hướng khó chịu khi thảo luận về chúng. Souzay đã yêu cầu ngừng phát hành tất cả những đĩa nhạc như vậy, được thực hiện với Boite à Musique và Decca trong những năm đầu. Ông cho rằng chúng đã được cải thiện trong các phiên bản sau này của mình. Quan điểm này được Souzay duy trì cho đến những năm 1980.

 

Trong thập niên 1970, Souzay bắt đầu giảm dần công việc biểu diễn của mình, chủ yếu trong opera để tập trung cho các buổi độc tấu. Ngày 3/12/1975, ông có lần đầu tiên xuất hiện tại La Scala nhưng không phải trong opera mà đó là một recital các ca khúc của Ravel. Đêm diễn cũng trở thành một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của ông. Souzay chính thức giã từ sự nghiệp biểu diễn vào cuối những năm 1980. Sau đó, ông dành những năm tháng để giảng dạy các buổi học masterclass tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Như đặc điểm chung của các ca sĩ, sự nghiệp của họ hiếm khi kéo dài đến khi về già. Souzay, người chưa bao giờ kết hôn và có con, đã sống một tuổi già cô đơn và bị quên lãng tại Antibes, miền Nam nước Pháp. Ông qua đời tại đây vào ngày 17/8/2004 ở tuổi 85. Theo Winston Ku, Giám đốc của Quỹ nghệ thuật thanh nhạc Gérard Souzay, người bạn và học trò của Souzay cho biết ông qua đời về nguyên nhân tự nhiên. Trước đó, ông vẫn làm việc một cách nghiêm túc, chỉnh sửa và giám sát việc phát hành lại những bản thu âm trước đây của mình. 

 

Đương thời, ngoài ca hát, Souzay còn có niềm đam mê với hội họa trừu tượng. Năm 1983, ông cho xuất bản cuốn sách Trên con đường của tôi: suy nghĩ và những bức tranh, trong đó tuyển chọn một một số bức tranh của ông cùng với lời bình luận về nghệ thuật và cuộc sống.

 

***

 

Bất chấp việc Souzay để lại một di sản to lớn với hơn 750 bản thu âm trong suốt sự nghiệp, ông không phải là một cái tên nổi bật, đặc biệt kể từ khi giã từ sự nghiệp, chỉ được những người sành sỏi nhớ đến. Tuy nhiên, sau khi ông qua đời, tài năng và những cống hiến của Souzay mới được đánh giá một cách đúng mực. Daily Telegraph nhận định: “Sánh ngang với Dietrich Fischer-Dieskau cho danh hiệu giọng baritone trữ tình hay nhất trong thời đại của mình”. Còn New York Times mô tả giọng hát của ông: “không hùng vĩ, nhưng đa dạng về màu sắc và phong thái, dẻo dai, lôi cuốn và quyến rũ. Souzay là một người theo chủ nghĩa gợi cảm, phản ứng trực tiếp với âm nhạc và cho phép nó đưa ông đi theo những hướng mới trong một buổi hòa nhạc cụ thể”. The Guardian nhận xét: “Cơ sở nổi tiếng của ông trong nghệ thuật độc tấu nằm ở chất giọng nam trung ấm áp, đầy sức sống, dễ nhận biết của ông. Nó đã được người chủ nhân sử dụng với một khả năng thanh thoát bẩm sinh và phong cách sành điệu. Nghệ thuật hấp dẫn của ông được thiết lập, hơn tất cả, trên một cách tiếp cận rất Pháp, đồng thời cân bằng và tao nhã với nội tâm thơ mộng”.□

 

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share