Giao hưởng số 2 của Rachmaninov

09:04 PM, Thứ năm, 30/11/2023
148

Tác giả: Mai Hạnh

 

 

Vượt qua giai đoạn khủng hoảng tinh thần vì thất bại của Giao hưởng số 1 bằng Concerto piano số 2 đầy thuyết phục, Rachmaninov đã phần nào khắc phục được tổn thương tâm lý năm xưa. Tuy vậy, trong thâm tâm nhà soạn nhạc vẫn còn tự ti, chưa đủ tin tưởng vào lĩnh vực giao hưởng. Lịch trình biểu diễn tại Nhà hát Bolshoi ở Moskva khiến ông bị ảnh hưởng đến thời gian sáng tác, vì vậy, dù rất thành công với vai trò chỉ huy, Rachmaninov vẫn quyết định chuyển sang Dresden, Đức, một phần để tránh tình hình chính trị rối ren ở Nga lúc bấy giờ. Rachmaninov vẫn tự ý thức một điều quan trọng ở bản thân: trên hết, ông coi mình là một nhà soạn nhạc giao hưởng. Khoảng thời gian này, nhạc sỹ đã tập trung làm việc và cho ra đời bản Giao hưởng số 2 Mi thứ, Op. 27 – một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của riêng ông và của lịch sử âm nhạc.

 

Bản giao hưởng gồm 4 chương:

Chương I bắt đầu với phần mở đầu Largo chậm, ảm đạm, đưa ra chủ đề cốt lõi (motto) của cả bản giao hưởng rồi dẫn tới cao trào, và qua một khúc kèn cor anglais độc diễn, Rachmaninov dẫn dắt người nghe sang phần Allegro moderato (nhanh vừa phải) kết cấu sonata, trình bày chủ đề đầu tiên lấy nguồn từ chủ đề motto và chủ đề thứ hai. Phần phát triển của sonata chứa đựng năng lượng vũ bão, dịch chuyển qua nhiều điệu tính, và Coda kết thúc chương bùng nổ với cường độ mạnh fortissimo.

 

Chương II Allegro molto (rất nhanh) tương tự một chương scherzo bình thường với kết cấu rondo ABACABA, nhưng có nhịp đôi (2/2) thay vì các loại nhịp ba (3/4, 3/8). Ở chương nhạc này, nét giai điệu Dies Irae (giai điệu từ khúc ca cổ về Ngày Phán Xét Cuối Cùng trong Kinh Thánh) xuất hiện qua tiếng kèn cor trong các ô nhịp mở đầu – như một thông lệ thường thấy trong các tác phẩm lớn của Rachmaninov (Sonata số 1, Thơ Giao hưởng The Isle of the Dead, Rhapsody trên chủ đề Paganini…). Phần B của chương nhạc là một giai điệu mang tính ca xướng mềm mại, chậm rãi. Phần giữa đột ngột ập tới với âm lượng lớn (fortissimo) trên toàn dàn nhạc (tutti) ở hợp âm nghịch tai. Trong chương II, ta cũng thấy tài năng sử dụng thủ pháp phức điệu (fuga) của Rachmaninov, như một cách tri ân đến người thầy Taneyev – người được ông đề tặng bản giao hưởng. Cuối chương giai điệu ám ảnh của Dies Irae trở lại trên dàn kèn đồng, rồi dần khép lại trong êm đềm.

 

Chương III Adagio (chậm) cấu trúc ba phần, đặc biệt nổi tiếng bởi tính trữ tình, sâu lắng và đặc biệt gây ấn tượng bởi giai điệu mở đầu tha thiết của bè violin, tiếp nối là một đoạn ngắn chơi độc tấu của cây clarinet, như diễn tả trạng thái hoài niệm, xa vắng. Âm nhạc trong chương 3 lôi cuốn người nghe ngay từ những nốt đầu cho tới cao trào giữa chương, và cuối cùng khép lại trong lặng lẽ.

 

Chương IV Allegro vivace (nhanh, sôi nổi) có chủ đề mở đầu mang hiệu ứng hiệu triệu nhà binh (fanfare), có cả âm hưởng Dies Irae từ chương II, rồi dần dần dẫn đến đoạn hành khúc của khối kèn gỗ. Chủ đề hai do dàn dây thể hiện với giai điệu rộng mở. Cuối chương có phần Coda ở tốc độ nhanh.

 

Giao hưởng số 2 Mi thứ Op.27 là một minh chứng cho tài năng của Rachmaninov bởi vẻ đẹp lộng lẫy, tinh tế của tác phẩm. Với âm nhạc của Rachmaninov, người nghe tìm thấy ở ông có chất nhạc trầm lắng nhưng vẫn mang vẻ đẹp dịu dàng, khiến ta hy vọng vào điều tốt đẹp phía trước. Vì thế, Rachmaninov được coi là người kế vị Tchaikovsky ở lĩnh vực soạn nhạc giao hưởng của nước Nga.

 

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều