Leonard Bernstein – Một biểu tượng văn hóa

05:49 PM, Thứ năm, 11/04/2024
151

Tác giả: Ngọc Tú (tổng hợp)

 

“Âm nhạc gợi lên những thứ không thể đặt tên và truyền đạt những điều không thể biết được.” – Leonard Bernstein

 

Leonard Bernstein không chỉ đơn thuần là một nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nghệ sĩ piano, nhà giáo dục và truyền bá âm nhạc. Ông còn là biểu tượng văn hoá, là đại diện tiêu biểu nhất của thế hệ các nhạc sĩ học tập và trưởng thành ngay tại chính nước Mĩ và vươn mình trở thành một trong những tên tuổi vĩ đại nhất của thế giới nhạc cổ điển trong thế kỷ 20. Là một nghệ sĩ đa tài, Bernstein ghi dấu ấn đậm nét tại bất cứ lĩnh vực nào mà ông có hiện diện. Xuất phát điểm là một nghệ sĩ piano, ông gắn bó với nhạc cụ này trong suốt sự nghiệp của mình, thường xuyên biểu diễn trước công chúng. Với tư cách là nhạc trưởng, Bernstein được coi là một trong những chỉ huy dàn nhạc quan trọng nhất trong thời đại của mình, là người được đào tạo trong nước đầu tiên nhận được sự ca ngợi trên trường quốc tế và trở thành giám đốc âm nhạc người Mĩ đầu tiên của một dàn nhạc lớn khi gắn bó với New York Philharmonic từ năm 1958 với một di sản đồ sộ. Tháng 11/2010, tạp chí BBC Music Magazine phỏng vấn 100 nhạc trưởng đương đại để lựa chọn ra những chỉ huy dàn nhạc xuất sắc nhất, Bernstein được xếp ở vị trí thứ hai. Là một nhà soạn nhạc, Bernstein đã có được một khối lượng tác phẩm đồ sộ, thành công ở nhiều thể loại như giao hưởng, opera, nhạc phim, ballet, hoà tấu thính phòng và piano. Trong đó, có lẽ nổi bật và được biết đến nhiều nhất là các vở West Side Story, On the Town, Wonderful Town, là sự pha trộn hoàn hảo giữa opera và musical, được coi là cây cầu nối giữa hai thể loại nhạc: cổ điển và đại chúng. Bernstein còn được biết đến là một nhà giáo dục âm nhạc vĩ đại. Qua sóng truyền hình, ông đã chia sẻ và khám phá âm nhạc cổ điển với đông đảo khán giả. Trong đó đáng chú ý là chuỗi 53 chương trình Những buổi hoà nhạc dành cho giới trẻ được Bernstein thực hiện cùng New York Philharmonic từ năm 1958-1972, góp phần to lớn trong việc quảng bá nhạc cổ điển, giúp người xem cảm thấy gần gũi và dễ hiểu hơn, từ đó giúp cho thể loại này có thêm nhiều khán giả trung thành. Tất cả những điều đó, cùng với những hoạt động mạnh mẽ ủng hộ quyền con người, phản đối chiến tranh, Bernstein đã vượt ra khỏi cái bóng của một nghệ sĩ nhạc cổ điển, trở thành một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của âm nhạc nước Mĩ và thế giới trong thế kỷ 20.

 

Người đàn ông mang trọng trách chấn hưng nền âm nhạc nước Mĩ trong tương lai sinh ngày 25/8/1918 tại Lawrence, Massachusetts trong một gia đình Do Thái nhập cư từ Ukraine. Mặc dù ông Samuel và bà Jennie rất muốn con trai mình mang cái tên Leonard nhưng phải đặt là Louis vì chiều lòng bà ngoại của cậu bé. Mặc dù vậy, họ luôn gọi cậu là Leonard và sau khi bà ngoại qua đời 18 năm sau đó, Bernstein đã chính thức đổi lại tên của mình. Còn với những người thân thiết, họ luôn gọi cậu là Lenny. Khi mới sinh, Lenny có thể trạng ốm yếu và chỉ đến khi cậu trở nên khoẻ mạnh hơn, cậu và mẹ mới chuyển đến sinh sống tại Boston và khi Lenny 15 tuổi là thành phố Newton ở gần đó, nơi ông Samuel làm chủ một công ty cung cấp sản phẩm làm đẹp và tóc. Samuel là một doanh nhân thành đạt, điều đó đã giúp gia đình Lenny vượt qua được giai đoạn khó khăn trong thời kỳ Đại suy thoái. Trên thực tế, Lenny không hề tiếp xúc hay học tập âm nhạc từ khi còn nhỏ. Tất cả những gì gắn bó với cậu chỉ là qua đài phát thanh vào tối thứ sáu hàng tuần. Chỉ đến khi Lenny lên 10 tuổi, Clara, em gái của ông Samuel li dị chồng và gửi cây đàn piano của mình đến nhà của anh trai, cậu bé mới lần đầu tiên biết đến một nhạc cụ. Ngay lập tức Lenny đã bị thu hút, cậu gõ lên phím đàn và kêu: “Mẹ ơi, con muốn học!”. Cậu nhanh chóng lao vào chơi đàn và nghiên cứu lý thuyết âm nhạc. Samuel ban đầu không hề muốn con trai mình học nhạc, ông muốn Lenny trở thành người nối nghiệp nên từ chối trả học phí. Tuy nhiên, Lenny đã kiếm tiền bằng cách dạy piano lại cho những đứa trẻ khác. Lenny đã cho thấy năng khiếu chỉ huy của mình ngay từ lúc này khi dàn dựng cho lũ trẻ hàng xóm hát trong các vở opera từ Carmen (Georges Bizet) cho đến The Pirates of Penzance (Arthur Sullivan) với âm nhạc được Lenny biểu diễn từ cây đàn piano. Ông Samuel đành phải thoả hiệp và đưa Lenny tới những buổi hoà nhạc, điều càng khiến cho tình yêu âm nhạc của Lenny trở nên bỏng cháy hơn.

 

Một trong hai ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với Lenny trong giai đoạn này là lần đầu thưởng thức màn trình diễn của Boston Pops Orchestra dưới sự chỉ huy của Arthur Fiedler vào tháng 5/1932. Bernstein hồi tưởng lại: “Với tôi, vào những ngày đó, Pops chính là thiên đường… tôi nghĩ… đó là thành tựu tối cao của loài người”. Điều còn lại là sự qua đời của George Gershwin vào ngày 11/7/1937. Khi đó Lenny đang làm cố vấn âm nhạc tại một trại hè, cậu đã làm gián đoạn bữa trưa bằng cách chơi một prelude của nhà soạn nhạc để tưởng nhớ ông. Lenny chính thức biểu diễn trước công chúng với tư cách một nghệ sĩ piano vào ngày 30/3/1932 tại New England Conservatory. Hai năm sau, cậu lần đầu tiên biểu diễn cùng dàn nhạc khi chơi Concerto piano của Edvard Grieg cùng Boston Public School Orchestra. Năm 1935, Lenny theo học chuyên ngành âm nhạc tại đại học Harvard và có được sáng tác đầu tiên của mình, Psalm 148, cho giọng hát và piano. Tại Harvard, người có ảnh hưởng to lớn đến thế giới quan của Lenny là giáo sư David Prall, người có những nghiên cứu sâu rộng về quan điểm thẩm mỹ. Khi là sinh viên năm thứ hai, Lenny đã có cuộc gặp với Dimitri Mitropoulos, người đóng vai trò quyết định trong việc trở thành nhạc trưởng của cậu. Nhiều năm sau đó, Bernstein cho biết: “Ảnh hưởng của Mitropoulos đến cuộc đời tôi, đến sự nghiệp chỉ huy của tôi là rất lớn và thường bị đánh giá thấp hoặc không hề được biết đến, bởi vì thông thường hai nhạc trưởng vĩ đại mà tôi đã học cùng là những người nhận được tín nhiệm về năng lực chỉ huy mà tôi có, cụ thể là Serge Koussevitzky và Fritz Reiner… Nhưng rất lâu trước khi gặp một trong hai người, tôi đã gặp Dimitri Mitropoulos… và việc xem ông ấy chỉ huy trong hai tuần luyện tập và biểu diễn với Boston Symphony Orchestra đã tạo nên niềm đam mê chỉ huy và nền tảng nào đó trong tâm hồn tôi mà tôi thậm chí còn không hề được biết cho đến nhiều năm sau đó”. Cũng tại đây, Lenny trở thành người bạn thân của Aaron Copland và coi ông là “giáo viên sáng tác thực sự duy nhất” của mình. Sau này, Bernstein thường xuyên biểu diễn các tác phẩm của Copland. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu tại Harvard vào năm 1929, theo lời khuyên của Mitropoulos, cậu tiếp tục theo học tại Học viện Âm nhạc Curtis, chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc dưới sự hướng dẫn của Fritz Reiner, cùng với đó là những bộ môn khác như piano, đối âm, phối khí và đọc tổng phổ. Năm 1940, Lenny tham dự buổi khai trương Trung tâm Âm nhạc Tanglewood (lúc đó mang tên Berkshire), ngôi nhà mùa hè của Boston Symphony Orchestra. Chàng trai trẻ đã có cơ hội tiếp xúc và học tập với Serge Koussevitzky, giám đốc âm nhạc của dàn nhạc, người được cho là có ảnh hưởng tích cực nhất tới phong cách chỉ huy của Bernstein. Ông đã dành cho Koussevitzky những lời trân trọng: “Đối với tôi, ông ấy giống như một người cha thay thế. Ông ấy không có con và tôi có một người cha mà tôi rất yêu quý nhưng lại không hề quan tâm đến âm nhạc… Và thế là tôi đã tìm được một người cha khác: đầu tiên là Mitropoulos, sau đó là Reiner và bây giờ là Koussevitzky. Nhưng mối quan hệ Koussevitzky rất đặc biệt, vô cùng ấm áp”. Bernstein luôn gắn bó với Tanglewood. Ông gần như luôn trở lại đây mỗi năm vào mùa hè trong suốt quãng đời còn lại của mình. Bernstein tốt nghiệp Curtis vào năm 1941. Koussevitzky đã mời Bernstein đến với Boston Symphony Orchestra. Tuy nhiên, Liên đoàn Nhạc sĩ Mĩ, mà Bernstein là thành viên đã khuyến cáo các hội viên của mình tẩy chay Boston Symphony Orchestra, dàn nhạc lớn duy nhất chưa tham gia vào Liên đoàn. Vì vậy, Bernstein đành phải từ bỏ công việc này.

 

Chuyển đến sinh sống tại New York, Bernstein bắt đầu tìm kiếm cơ hội cho mình. Ông dạy piano, đệm đàn tại các lớp khiêu vũ, chuyển soạn các bản nhạc jazz và pop, lấy nghệ danh là Lenny Amber (Bernstein trong tiếng Đức đồng nghĩa với Amber trong tiếng Anh: hổ phách). Dưới sự tiến cử của Koussevitzky, Artur Rodziński, giám đốc âm nhạc đương nhiệm của New York Philharmonic đã nhận Bernstein làm trợ lý cho mình. Rodziński nói: “Tôi cần một trợ lý nhạc trưởng. Tôi đã xem qua tất cả những người chỉ huy mà tôi biết trong đầu và cuối cùng tôi đã hỏi Chúa rằng tôi sẽ chọn ai và Chúa nói “Hãy lấy Bernstein””. Đó đã là một sự kiện đặc biệt vì Bernstein khi đó mới 25 tuổi và là nhạc trưởng được đào tạo tại Mĩ, còn quá trẻ và không được đánh giá cao về năng lực, vốn thường ưu ái cho những người có xuất xứ từ châu Âu. Vào ngày 14/11/1943, Bernstein lần đầu đứng trên bục chỉ huy khi thay thế Bruno Walter bị ốm trong một chương trình của New York Philharmonic, khi mới được bổ nhiệm làm trợ lý cho Rodziński. Bernstein không hề có được một buổi tập luyện nào trước đó. Chương trình được phát sóng trên đài phát thanh và New York Times có bài nhận xét: “Bernstein phải có thứ gì đó gần giống thiên tài để tận dụng tối đa cơ hội của mình… Đó là một câu chuyện thành công điển hình của nước Mĩ. Chiến thắng thân thiện, ấm áp đã tràn ngập khắp Carnegie Hall và lan xa trên sóng truyền thông”. Điều này đã khiến tên tuổi Bernstein ngay lập tức nổi tiếng trên khắp nước Mĩ. Nhiều người đã nói về “Sự may mắn điển hình của Bernstein” nhưng trên thực tế ông đã cảm nhận được sức khoẻ không tốt của Walter và đã dày công nghiên cứu kỹ càng tổng phổ của những tác phẩm được biểu diễn trong chương trình. Ở tuổi 25, Bernstein đã bắt đầu nắm bắt được cơ hội của mình. Ban đầu, ông cố gắng theo đuổi ba mục tiêu khác nhau: sáng tác, nhạc trưởng và nghệ sĩ piano. Bernstein cho biết: “Tôi không thể đưa ra lựa chọn duy nhất trong số các hoạt động khác nhau. Điều có vẻ phù hợp với tôi tại bất kỳ thời điểm nào là điều tôi phải làm… Sự kết thúc chính là âm nhạc… và phương tiện là vấn đề riêng tư của tôi”. Tuy nhiên, sau đó ông chủ yếu tập trung vào sáng tác và chỉ huy dàn nhạc.

 

Bernstein liên tiếp nhận được những lời mời biểu diễn trên khắp nước Mĩ và Canada. Đây cũng là dịp để ông giới thiệu những tác phẩm của mình, như Giao hưởng số 1 “Jeremiah” với nhiều chất liệu lấy từ nguồn gốc Do Thái của mình hay âm nhạc cho vở ballet Fancy Free. Sự thành công của Fancy Free đã khiến Bernstein mở rộng phạm vi sáng tác cho tác phẩm, nâng cấp nó thành vở nhạc kịch On the Town, giành được thành công vang dội khi công diễn ra mắt vào ngày 28/12/1944 tại Adelphi Theatre, Broadway. Từ năm 1945-1947, Bernstein là giám đốc âm nhạc của New York City Symphony, dàn nhạc được Leopold Stokowski thành lập một năm trước đó. Ngày 12/2/1947, ông trở thành nhạc trưởng đầu tiên sau 22 năm, không phải Koussevitzky, chỉ huy Boston Symphony Orchestra trong một chương trình tại Carnegie Hall. Trong mùa diễn 1948-1949, Bernstein là cố vấn âm nhạc của Israel Philharmonic, mở đầu cho một sự gắn kết lâu dài sau đó. Tên tuổi của Bernstein đã được biết đến tại châu Âu. Ngày 10/12/1953, ông trở thành nhạc trưởng sinh ra tại Mĩ đầu tiên chỉ huy một vở opera tại La Scala trong Medea (Luigi Cherubuni) với Maria Calas đóng vai chính. Cũng trong năm này, Bernstein đã sáng tác Wonderful Town, một vở nhạc kịch đã giành được những thành công cả về mặt nghệ thuật lẫn thương mại.

 

Khi Mitropoulos trở thành giám đốc âm nhạc của New York Philharmonic từ mùa diễn 1951-1952, Bernstein là nhạc trưởng khách mời thường xuyên của dàn nhạc. Năm 1957, họ trở thành đồng chỉ huy chính và Bernstein chính thức một mình đảm nhận cương vị này từ mùa diễn 1958-1959. Đây là thử thách thực sự khắc nghiệt vào thời điểm đó. Một trong những dàn nhạc lâu đời nhất và nổi tiếng nhất thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn. Chất lượng dàn nhạc đi xuống, lượng khán giả giảm sút và tinh thần của các nhạc công suy sụp một cách nghiêm trọng. Bernstein xuất hiện và mang đến một luồng sinh khí mới cho New York Philharmonic, đưa dàn nhạc trở lại vị thế vinh quang vốn có và thậm chí còn xuất sắc hơn thế. Làm giám đốc dàn nhạc trong 11 năm (1958-1969) nhưng mối liên kiết giữa Bernstein và New York Philharmonic kéo dài tới 47 năm với 1.244 buổi hòa nhạc và hơn 200 bản ghi âm. Đó là giai đoạn chói sáng nhất trong lịch sử dàn nhạc. Các bản thu âm của Bernstein với New York Philharmonic sau này được Sony Classical tập hợp thành một tuyển tập “Thế kỷ Bernstein”. Năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Gustav Mahler, Bernstein và dàn nhạc đã lần đầu tiên thu âm 8/9 bản giao hưởng của nhà soạn nhạc (ngoại trừ bản số 8 được thực hiện với London Symphony Orchestra). Cũng trong nhiệm kỳ của ông, dàn nhạc đã chuyển trụ sở từ Carnegie Hall tới phòng hoà nhạc mới Philharmonic Hall tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln với 2.738 ghế ngồi. Bernstein rất tích cực trong việc thực hiện các chuyến lưu diễn cùng dàn nhạc. Năm 1959, dàn nhạc biểu diễn tại Liên Xô. Cùng với đó là những chuyến đi tới châu Mĩ Latin, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu. Tổng cộng, ông đã chỉ huy dàn nhạc đi lưu diễn tới 144 thành phố ở 38 quốc gia. Trong quãng thời gian này, ông thể hiện một khả năng làm việc phi thường, từng chỉ huy 25 buổi chỉ trong 28 ngày đồng thời vẫn duy trì công việc sáng tác một cách đều đặn. Những tác phẩm lớn như Candide và West Side Story lần lượt được ra mắt. Trong đó, West Side Story, một phiên bản cập nhật của Romeo và Juliet (Shakespeare), ra mắt vào ngày 26/9/1957, có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông. Âm nhạc của West Side Story được nhận xét là sự pha trộn giữa “jazz, nhạc Mĩ Latin, giao hưởng và các quy ước âm nhạc-hài hước mang tính đột phá của Broadway”. Năm 1961, West Side Story được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và đã giành tới 10 giải Oscar.

 

Phạm vi chỉ huy của Bernstein rất rộng lớn, trải dài từ Baroque tới âm nhạc của những nhà soạn nhạc đương đại, trong đó có những người bạn thân thiết của ông như Copland, William Schuman hay Roy Harris. Đặc biệt Bernstein luôn được nhớ đến như là người đầu tiên hồi sinh các bản giao hưởng của Mahler. Ông là nhạc trưởng đầu tiên thực hiện thu âm trọn bộ 9 bản giao hưởng của nhà soạn nhạc tài danh này vào những năm 1960-1967 và một lần nữa lặp lại điều này vào thập niên 80. Với Bernstein, âm nhạc là câu chuyện đầy cảm xúc, một phép ẩn dụ trong cuộc sống. Ông có phong cách chỉ huy bốc lửa, đầy sôi nổi và đam mê. Bernstein thực sự nhảy múa trên bục chỉ huy để dàn nhạc thực hiện theo ý đồ của mình, đặc biệt trong những khoảnh khắc cao trào. Tuy nhiên, đôi khi những động tác này bị chỉ trích là “loè loẹt” và “khiến dàn nhạc mất tập trung” và họ ước rằng ông “bớt phấn khích hơn”. Tuy nhiên, đó mới chính là bản chất của Bernstein. Ông luôn muốn vắt kiệt từng giọt biểu cảm của âm nhạc. Bernstein có cách diễn giải tác phẩm mang đậm màu sắc cá nhân. Dường như phẩm chất của một nhà soạn nhạc đã có tác động to lớn trong việc này. Có lẽ Bernstein nghiên cứu ý đồ của những nhà soạn nhạc khác dưới góc độ của một đồng nghiệp. Ông đặt mình trong vài trò của chính tác giả bản nhạc đó và hiểu biết chúng một cách thấu đáo. Càng lớn tuổi, Bernstein có xu hướng lựa chọn nhịp độ bản nhạc một cách chậm rãi hơn. Ông cho biết: “Chỉ huy là một công việc cực kỳ khó khăn. Điều dễ dàng là trở nên tầm thường. Trở nên tốt là điều khó nhất trên đời. Hãy tin tôi, tôi biết. Tôi vẫn đang nỗ lực làm điều đó”.

 

Bất chấp việc chia tay New York Philharmonic vào năm 1969, dù trở thành một nhạc trưởng tự do nhưng khối lượng công việc của Bernstein không vì thế mà giảm đi. Ông vẫn duy trì một lịch làm việc dày đặc một cách đáng kinh ngạc. Bernstein biểu diễn ở châu Âu nhiều hơn, đáng chú ý là mối quan hệ vô cùng thân thiết với Vienna Philharmonic. Ngoài Columbia Records, Bernstein có được một hợp đồng thu âm mới với Deutsche Grammophon. Cùng nhau họ đã thực hiện hơn 100 đĩa nhạc. Cùng với người bạn Schuyler G. Chapin, Bernstein đã thành lập Amberson Productions, một công ty chuyên sản xuất những chương trình truyền hình về nhạc cổ điển. Đồng thời, ông thường xuyên đệm đàn cho những ca sĩ trong những chương trình hát lied cũng như không hề lơ là công việc sáng tác, đáng chú ý là vở opera A Quiet Place. Là một người nghiện thuốc lá và rượu mạnh, thích tiệc tùng thâu đêm và chỉ đi ngủ vào lúc rạng sáng để thức dậy vào buổi trưa, Bernstein vẫn đủ thể lực để cống hiến hết mình cho âm nhạc. Ông nói vào thời điểm mình gần 70 tuổi: “Có Chúa mới biết, giờ này đáng ra tôi đã chết rồi. Tôi hút thuốc. Tôi uống rượu. Tôi thức cả đêm. Tôi tham gia quá mức trên mọi lĩnh vực… Tôi được bảo rằng nếu tôi không chấm dứt việc hút thuốc, tôi sẽ chết ở tuổi 35. Chà, tôi đã vượt qua giới hạn”. Tuổi càng cao, Bernstein lại dường như có dấu hiệu tăng tốc. Ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ, tháng 12/1989, Bernstein biểu diễn buổi hoà nhạc “Berlin Celebration Concerts” mang tính lịch sử tại cả hai bờ của bức tường Berlin với bản Giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven. Chương trình có tính cầu nối này chưa bao giờ xảy ra điều tương tự khi mà các nhạc công là đại diện của hai nước Đông Đức và Tây Đức cùng 4 cường quốc chia cắt Berlin sau Thế chiến thứ hai. Trong buổi hòa nhạc lịch sử này, Bernstein đã đổi từ “niềm vui” (Freude) trong lời thơ của Schiller thành “tự do” (Freiheit). Bernstein nói: “Tôi chắc rằng Beethoven sẽ ban phúc lành cho chúng tôi”.

 

Khi cuộc đời ông đã đi đến những chặng cuối cùng, Bernstein bảo vệ quyết định hồi trẻ của mình là trải rộng bản thân sang nhiều lĩnh vực nhất mà ông có thể nỗ lực để thành thạo. Ông chia sẻ trên The Times: “Tôi không muốn dành cả đời mình, như Toscanini đã làm, nghiên cứu đi nghiên cứu lại 50 bản nhạc. Nó sẽ làm tôi chán chết. Tôi muốn chỉ huy. Tôi muốn chơi piano. Tôi muốn viết nhạc cho Hollywood. Tôi muốn sáng tác giao hưởng. Tôi muốn tiếp tục cố gắng trở thành một nhạc sĩ, theo đúng nghĩa của từ tuyệt vời này. Tôi cũng muốn dạy học. Tôi muốn viết sách và làm thơ. Và tôi nghĩ tôi vẫn có thể mang lại sự công bằng cho tất cả chúng”. Khi ngoài 70 tuổi, sức khoẻ của Bernstein suy giảm rõ rệt. Ông thường xuyên phải huỷ các chương trình của mình. Ông bị khí phế thũng, nhiễm trùng phổi và tràn dịch màng phổi. Bernstein biểu diễn lần cuối cùng vào ngày 19/8/1990. Tại Tanglewood, ông cùng Boston Symphony Orchestra trình tấu các tác phẩm Four Sea Interludes của Benjamin Britten và Giao hưởng số 7 của Beethoven.

 

Ngày 14/10/1990, Bernstein qua đời ở nhà riêng tại Manhattan ở tuổi 72 vì lên cơn đau tim do các bệnh liên quan đến phổi tiến triển. New York Philharmonic đã tri ân ông: “11 năm của ông với tư cách là giám đốc âm nhạc của chúng tôi và 21 năm với tư cách nhạc trưởng danh dự là những giai đoạn chói sáng trong lịch sử của dàn nhạc. Bernstein sẽ được nhớ đến với thiên tài, khí chất lãnh đạo, chủ nghĩa nhân văn, khả năng truyền tình yêu âm nhạc của mình cho các thanh niên và người lớn tuổi, sự cống hiến của ông cho dàn nhạc, sự phục vụ của ông đối với các nhạc công trẻ, tính cách khó quên, sôi nổi và chu đáo của ông. Chúng tôi biết ơn vì di sản của Bernstein”. Không thể kể hết những giải thưởng mà Bernstein đã được trao tặng, ông luôn được nhớ tới như là một tượng đài sừng sững trong âm nhạc, nhân vật đã phá bỏ mọi rào cản để trở thành người tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực. Trong trái tim và ký ức của người hâm mộ, Bernstein sẽ luôn hiện hữu với niềm đam mê cháy bỏng và luôn vắt kiệt sức mình để phụng sự cho âm nhạc.

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều