Tác giả: Cobeo
Thông tin chung
Tác giả: Felix Mendelssohn.
Tác phẩm: Octet cho dàn dây giọng Mi giáng trưởng, Op. 20
Thời gian sáng tác: Mùa thu năm 1825.
Công diễn lần đầu: Ngày 30/1/1836 tại Leipzig Gewandhaus. Trước đó đã có buổi biểu diễn mang tính chất riêng tư tại nhà riêng của Mendelssohn.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng người bạn và thầy giáo dạy violin của Mendelssohn, Eduard Rietz, người lúc này đang là concertmaster của Berlin Court Orchestra.
Độ dài: Khoảng hơn 30 phút.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Allegro moderato ma con fuoco (Mi giáng trưởng)
Chương II – Andante (Đô thứ)
Chương III – Scherzo: Allegro leggierissimo (Son thứ)
Chương IV – Presto (Mi giáng trưởng)
Hoàn cảnh sáng tác
Rất ít nhà soạn nhạc trong lịch sử âm nhạc cổ điển có sự tiến bộ trong thời niên thiếu với tốc độ phi thường như Mendelssohn trẻ tuổi: ở tuổi 15, ông đã sáng tác một bản giao hưởng và mười hai bản giao hưởng dành cho đàn dây, nhiều bản trong số đó thể hiện mức độ trưởng thành đáng chú ý. Các tuyệt phẩn đầu tiên của ông bao gồm Midsummer Night’s Dream Overture, được sáng tác vào năm 1826 và Octet dành cho đàn dây, được hoàn thành một năm trước đó, khi ông mới 16 tuổi. Octet, được trang bị nhiều chủ đề phong phú, sự phối hợp tuyệt vời giữa các nhạc cụ và cách sử dụng sáng tạo hình thức sonata cổ điển trong từng chương, là một minh chứng chắc chắn cho tài năng sớm phát triển khác thường của Mendelssohn trẻ tuổi.
Tháng 3/1925, Mendelssohn cùng người cha Abraham đi du lịch tới Paris. Tại đây chàng thiếu niên 16 tuổi có cơ hội biểu diễn các bản tứ tấu piano trong các buổi dạ tiệc riêng tư cho các nhân vật uy tín nhất tại đây. Nhà soạn nhạc Luigi Cherubini, lúc này đang là giám đốc Nhạc viện Paris dành rất nhiều lời ngợi khen cho tài năng của Mendelssohn, nói với Abraham rằng con trai ông sẽ có một tương lai tươi sáng. Trên đường trở về, họ ghé qua Weimar và gặp lại Goethe, người trước đó đã từng so sánh Mendelssohn với Mozart. Đó là giai đoạn tràn đầy hạnh phúc của Mendelssohn và gia đình cậu. Không có gì ngạc nhiên khi bản Octet được sáng tác vào mùa thu năm đó, dành cho 4 violin, 2 viola và 2 cello, tràn đầy sức sống và sự lạc quan.
Octet (bát tấu) có lẽ không phải là một thể loại âm nhạc. Haydn và Mozart không có một tác phẩm nào như vậy. Beethoven có octet, Op. 103 dành cho các nhạc cụ hơi, Schubert cũng vậy, nhưng là dành cho cả nhạc cụ dây và hơi. Trước Mendelssohn, nhà soạn nhạc duy nhất từng viết một tác phẩm dành cho 4 violin, 2 viola và 2 cello là Louis Spohr với tên gọi double quartet số 1 giọng Rê thứ, Op. 65 ra đời vào mùa xuân năm 1823. Có thể đây chính là nguồn cảm hứng của Mendelssohn, nhưng không có thông tin khẳng định rằng ông đã biết đến tác phẩm của Spohr trước đó. Tuy nhiên, nhìn vào tên gọi của Spohr, ta có thể dễ dàng nhận ra mục đích sáng tác của nhà soạn nhạc là để hai nhóm tứ tấu chơi độc lập với nhau, tạo nên một sự đối âm. Bản thân Spohr cũng thừa nhận ý tưởng này khi so sánh double quartet với “hai dàn hợp xướng”. Trong khi đó, octet của Mendelssohn lại mang một màu sắc khác hẳn. Đó là một nỗ lực “hợp tác” toàn bộ tám nhạc cụ trong tác phẩm. Ông đã khám phá và khai thác toàn bộ phạm vi các nguồn lực biểu đạt cũng như sự kết hợp cụ thể của chúng, tạo nên một góc nhìn rộng lớn hơn – “giao hưởng” hơn – so với thông thường mà một tác phẩm thính phòng vốn có. Bản thân Mendelssohn cũng nhấn mạnh khía cạnh này: “Octet phải được tất cả các nhạc cụ chơi theo phong cách của một dàn nhạc giao hưởng. Các chỉ dẫn piano và forte phải được tuân thủ nghiêm ngặt và được nhấn mạnh mạnh mẽ hơn bình thường trong các tác phẩm có tính chất này”. Về mặt nội dung, octet cũng toát ra hơi thở của chủ nghĩa Lãng mạn, lúc này còn khá mới mẻ trong đời sống âm nhạc.
Bản octet được hoàn thành vào ngày 15/10/1825, chỉ hai ngày trước sinh nhật lần thứ 23 của người bạn và thầy giáo dạy violin cho Mendelssohn, Eduard Rietz, đối tượng được nhà soạn nhạc dành tặng tác phẩm này. Rietz đáp lại món quà của người học trò mình bằng cách tự tay chép các phân phổ để sử dụng trong buổi biểu diễn ra mắt tác phẩm, ngay tại nhà riêng của Mendelssohn với những vị khách được chọn lọc. Rietz đảm nhiệm bè violin chính và Mendelssohn cũng tham gia trong nhóm hoà tấu (tuy nhiên không rõ ông chơi violin hay viola).
Phân tích
Chương I
Chương I được viết theo hình thức sonata có độ dài chiếm gần một nửa thời lượng của toàn bộ tác phẩm. Chủ đề chính được violin thứ nhất thể hiện là một giai điệu cao vút với những nốt móc kép bay bổng qua gần ba quãng tám trên nền những hợp âm đảo phách do bảy nhạc cụ còn lại tạo thành, đòi hỏi một nền tảng kỹ thuật hoàn hảo mà rõ ràng là Mendelssohn để dành cho người thầy của mình. Chủ đề thứ hai cho thấy một sự tương phản phù hợp: mượt mà và trong một phạm vi hẹp hơn. Chỉ riêng phần trình bày đã chiếm gần một nửa chương nhạc, một ví dụ về cách xử lý khá thường của Mendelsoshn với hình thức sonata. Kết cấu nhanh chóng được chia thành những nhóm nhỏ hơn với các dòng nhạc riêng biệt nhưng violin thứ nhất vẫn đóng vai trò như một nhạc cụ độc tấu trong một bản concerto, minh chứng cho không khí giao hưởng của bản octet. Tại phần phát triển, màu sắc trở nên tối tăm hơn nhưng chỉ là thoáng qua khi các chủ đề trở lại trong phần tái hiện và chương nhạc kết thúc bằng một coda sôi nổi.
Chương II
Mọi thứ dường như chậm lại trong chương II khi Mendelssohn giới thiệu một khúc Andante êm dịu giọng Đô thứ ở nhịp 6/8, một điệu siciliano của Ý, mở đầu bằng những chùm ba. Dường như hình thức là không rõ ràng nhưng đẹp đẽ về màu sắc và chứa đựng sự u buồn ngọt ngào. Có một chút dữ dội bột phát ở phần giữa nhưng không tạo nên sự đột biến của tổng thể. Ở đây, chúng ta cảm nhận rõ ràng hơn về chủ nghĩa Lãng mạn khi dường như Mendelssohn đang truyền tải những dòng cảm xúc sâu sắc của mình.
Chương III
Chương III tuy ngắn nhất nhưng lại là phần nổi tiếng nhất của toàn bộ bản octet. Theo lời của Fanny, chị gái của Mendelssohn, cảm hứng của scherzo này được lấy từ những câu thơ cuối của phần “Walpurgis Night’s Dream” trong tác phẩm Faust (Goethe).
Những vệt mây và sương mù
Sáng lên từ trên cao;
Gió thổi qua những tán cây và những đám lau sậy,
– Và tất cả đều tan biến.
Mendelssohn đặc biệt nhấn mạnh chương nhạc này phải chơi nhẹ nhất có thể (leggierissimo) cũng như pianissimo và staccato trong suốt chương. Fanny đã nêu cảm nghĩ về phần scherzo này: “Tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm nhưng lại rất quen thuộc và dễ chịu. Người ta cảm thấy rất gần với thế giới của những linh hồn, bị cuốn đi trong không trung, nửa muốn chộp lấy một cây chổi và bay theo theo đoàn diễu hành trên không trung. Đến cuối cùng, violin đầu tiên bay đi với sự nhẹ nhàng như một chiếc lông vũ, và – tất cả đã biến mất”.
Đây là chương nhạc yêu thích của Mendelssohn và là một bằng chứng hùng hồn để khẳng định rằng không khí bản octet đã vượt ra khỏi phạm vi của một tác phẩm thính phòng và mang trong mình thế giới âm thanh của dàn nhạc giao hưởng. Năm 1829, Mendelssohn đã chuyển soạn phần này cho 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoons, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây để thay thế cho chương III của bản giao hưởng số 1 được sáng tác trước đó.
Chương IV
Mendelssohn dành màn trình diễn kỹ thuật điêu luyện đáng kinh ngạc nhất của mình cho một chương IV mới lạ đầy bất ngờ, thường được mô tả là sự kết hợp của rondo, fugue và perpetuum mobile. Nó được bắt đầu bằng một fugue 8 bè với tốc độ chóng mặt, được chơi lần lượt qua từng nhạc cụ, từ bên phải qua bên trái, bắt đầu từ cello ngoài cùng cho đến violin đầu tiên. Rõ ràng, ngay từ khi còn trẻ, Mendelssohn đã bị âm nhạc Baroque của Bach và Handel ám ảnh. Trong chương nhạc này, ông còn sử dụng lại giai điệu của “And he shall reign forever and ever” trong Messiah của Handel. Có quá nhiều điểm độc đáo được lồng ghép khéo léo ở đây khi âm nhạc của chương III cũng xuất hiện thoáng qua, cho thấy nhà soạn nhạc cũng đã có những ý tưởng nhất định về việc xây dựng một tác phẩm có hình thức tuần hoàn, giống như cách mà Schubert đã thực hiện trong Fantasy Wanderer. Nằm trong một hình thức được bố trí chặt chẽ như vậy lại là một nội dung trẻ trung, bay bổng và phấn khích. Chương nhạc khép lại với một không khí đầy hân hoan và vui tươi. Thật khó hình dung khi tất cả những điều tuyệt vời và phức tạp đó được thực hiện một cách hoàn hảo này lại đến từ một cậu bé mới có 16 tuổi.
Trên thực tế, phiên bản ngày nay chúng ta thưởng thức đã được Mendelssohn sửa chữa lại nhiều lần. Ông chỉ mang chúng đi xuất bản vào năm 1833, tám năm sau khi tác phẩm ra đời. Tuy nhiên, bản viết tay của phiên bản đầu tiên vẫn còn được lưu giữ vẫn cho chúng ta thấy được cái nhìn sâu sắc và độc đáo trong quá trình sáng tác bản octet của thiên tài trẻ tuổi này. Bản thân Mendelssohn cũng tỏ ra vô cùng hài lòng với đứa con tinh thần này của mình. Ông miêu: “Đây là tác phẩm yêu thích nhất của tôi trong toàn bộ các sáng tác” và nhấn mạnh thêm “Tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời nhất khi sáng tác tác phẩm này!”. Sau Mendelssohn, từng có một số nhà soạn nhạc khác cũng thử sức mình với octet dành cho 8 nhạc cụ dây như Max Bruch, Reinhold Glière hay George Enescu nhưng không một tác phẩm nào có thể so sánh với bản nhạc tuyệt vời này, bởi vì như Spohr đã nhận xét: “đó là một loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác”.
(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)