Phỏng vấn nhạc sĩ Phó Đức Hoàng về tác phẩm “Lập Xuân”

09:12 AM, Thứ tư, 05/06/2024
587

Tác giả: Mai Hạnh

 

 

Trong lịch diễn từ đầu năm, sáng tác của anh được đề là Lichun, vậy anh có thể chia sẻ với khán giả về tác phẩm được không ? Có cách gọi nào khác dễ cho mọi người đến với tác phẩm không ?

 

Khi tôi bắt tay vào sáng tác tác phẩm giao hưởng mới để công diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, tôi chọn chủ đề về mùa xuân để phát triển vì gần gũi và thân thuộc với văn hóa Á Đông. Để miêu tả khái quát nhất về nội dung và giúp khán giả tiếp cận dễ dàng, tôi đặt tiêu đề tác phẩm theo tiết khí đầu tiên trong lịch 24 tiết khí của văn hóa cổ đại phương Đông, có tên gọi là Lập Xuân, mô tả giai đoạn xuân bắt đầu. Đây là từ Hán Việt dựa theo từ Hán gốc là 立 春, được sử dụng trong ngôn ngữ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Việt Nam cùng với các phiên âm khác nhau.

 

Ban đầu tôi dùng Bính âm Hán ngữ của từ này là Lichun để giữ tính nguyên thủy của tiếng Hán. Nhưng sau khi xem xét việc chuyển nghĩa tiêu đề giữa các ngôn ngữ trở nên rườm rà, tôi quyết định thay đổi và đặt theo phiên âm Hán Việt là “Lập Xuân”.

 

Đã có nhiều tác phẩm mang đề tài mùa xuân, được viết với nhiều phong cách khác nhau qua trăm năm, từ cách diễn đạt của các thời Baroque, qua bút pháp Cổ điển hay ngôn ngữ Lãng mạn, vậy một sáng tác mới của anh ở thời điểm 2024 này sẽ thể hiện cảm nhận của anh về mùa xuân như thế nào ?

 

Có thể nói chủ đề mùa xuân trong âm nhạc luôn phổ biến và được khai thác bằng nhiều sắc thái đa dạng trải suốt các thời kỳ. Tư duy mỗi thời kỳ ra sao thì mùa xuân được phản ánh theo bút pháp như vậy. Tác phẩm Lập Xuân mang hơi thở đương đại thế kỷ 21, thuận theo chủ nghĩa đa nguyên trong đó nhạc sĩ được tự do thu nạp nhiều phong cách âm nhạc khác nhau và tinh lọc ra ngôn ngữ riêng của mình.

 

Trọng tâm tôi muốn truyền tải trong tác phẩm này chính là tái hiện những ký ức và trải nghiệm trong quá khứ của tôi về mùa xuân. Đó là những ký ức mỗi khi cái lạnh thu tàng chuyển thành khí ấm sinh sôi và tôi thấy vạn vật tái sinh. Tôi còn nhớ mỗi lần Tết cổ truyền đến là không khí cuộc sống trở nên nhộn nhịp, tràn ngập niềm vui. Những ký ức đó súc tích về mặt cảm xúc nhưng khá mơ hồ về hình hài, nên tôi cố gắng ‘vẽ’ lại chúng sử dụng những chất liệu âm nhạc phù hợp, khuếch đại khía cạnh trừu tượng. Trong đó, tôi khai thác nhiều thang âm ngũ cung phương Đông theo các cách đặc thù và mở rộng âm hưởng bằng các thủ pháp quang phổ âm thanh.

 

Tổng phổ chỉ đề một cái tên, người nghe có thể thắc mắc tác phẩm này được xếp vào thể loại gì, giao hưởng, hay thơ giao hưởng, hay tổ khúc, hay là cách hiểu khác, thưa nhạc sĩ ?

 

Tác phẩm Lập Xuân chỉ đơn giản là một tác phẩm giao hưởng, với ‘giao hưởng’ mang nghĩa của phương tiện thể hiện. Ở giai đoạn sơ khai của tác phẩm, tôi không chủ đích viết với một ý niệm cụ thể về hình thức nên việc quy chiếu thể loại dựa theo hình thức là không cần thiết. Mô hình định danh dạng này cũng khá phổ biến trong âm nhạc đương đại khi nhiều nhạc sĩ đặt tên tác phẩm khí nhạc với tiêu đề theo ý muốn và kèm theo chú thích phương tiện biểu diễn, hơn là gợi ý về hình thức. Tôi nghĩ hình thức chỉ là một khía cạnh bình đẳng trong nhiều yếu tố nền tảng cấu thành tác phẩm nên tôi tối ưu định danh để giúp khán giả thưởng thức một cách đa chiều nhất.

 

Vậy, chúng ta có thể thả lỏng tâm trí và tận hưởng âm nhạc, không nhất thiết phải ấn định một sáng tác hiện đại vào một chiếc khung nào phải không ?

 

Đó chính là đặc trưng trong quy trình thưởng thức âm nhạc đương đại. Sau khi tìm hiểu qua giới thiệu và diễn giải về tác phẩm, người nghe được khuyến khích tận hưởng với một tâm thế vô tư và cởi mở để có trải nghiệm trọn vẹn. Tôi hy vọng Lập Xuân sẽ để lại ấn tượng tích cực trong lòng khán giả.

 

 

Tác phẩm LẬP XUÂN của nhạc sĩ Phó Đức Hoàng được công diễn lần đầu trong chương trình Hòa nhạc đặt vé trước số 163 của VNSO vào ngày 16.6.2024 tại Phòng hoà nhạc lớn – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

 

Phó Đức Hoàng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hoạt động âm nhạc với tư cách là một nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn piano. Âm nhạc của anh trải rộng ở nhiều thể loại, từ khí nhạc đến điện tử, khám phá các màu sắc âm thanh mang sức thụ cảm sâu đối với người nghe.

 

Bên cạnh mục tiêu chính là khai thác âm sắc, anh yêu thích kết hợp các chất liệu âm nhạc Châu Á, đặc biệt là của Việt Nam, làm giàu và mang tinh hoa âm nhạc Á Đông đến với nhiều khán giả.

 

Âm nhạc của Phó Đức Hoàng đã được biểu diễn bởi nhiều nghệ sĩ, nhóm hòa tấu, và dàn nhạc có tiếng. Anh đã làm việc và hợp tác cùng với các nghệ sĩ và nhóm hòa tấu, bao gồm Ekmeles, ~Nois, Apply Triangle, JACK Quartet, Irvine Arditti, Nina Janßen-Deinzer, Sunshine city Opera, International Contemporary Ensemble, và Boston Musica Viva.

 

Những tác phẩm giao hưởng của anh cũng được dàn dựng và biểu diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Yong Siew Toh, Dàn nhạc Giao hưởng Ocala, Dàn nhạc Florida, và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.

 

Ngoài sáng tác, Phó Đức Hoàng mở rộng hoạt động nghệ thuật qua nhiều lĩnh vực khác như biểu diễn, giáo dục, và sản xuất. Năm 2018-2020, anh là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội nơi anh dạy các lớp về lý thuyết âm nhạc và tính năng nhạc cụ. Cùng trong thời gian đó, anh là một trong thành viên phát triển trụ cột của trường âm nhạc Inspirito, cùng các cộng sự tham gia giảng dạy lý thuyết âm nhạc và định hướng phát triển mảng âm nhạc đương đại thông qua biểu diễn và sản xuất. Anh và đồng nghiệp đã có một năm 2021 thành công trong việc hợp tác với viện Goethe Hà Nội, tổ chức hàng tháng các chương trình biểu diễn và giới thiệu âm nhạc đương đại đến khán giả Việt Nam.

 

Nhạc sĩ Phó Đức Hoàng hiện đang công tác tại Đại học Florida (Mỹ) với vai trò nghiên cứu sinh sáng tác hệ tiến sĩ, và là giảng viên giảng dạy các khóa học lý thuyết âm nhạc và ký xướng âm. Các giáo sư hướng dẫn anh bao gồm James Paul Sain, Paul Richards, Rich Pellegrin, Scott Wilson, Tina Tallon, và Scott Lee. Anh tốt nghiệp thạc sĩ sáng tác tại Đại học miền Nam Florida (Mỹ), và đại học sáng tác tại Nhạc viện Boston – Cao đẳng Âm nhạc Berklee (Mỹ).

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share