Schubert: Impromptus

07:00 AM, Thứ tư, 18/12/2024
201

Tác giả: Cobeo tổng hợp

Thông tin chung

Tác giả: Franz Schubert.
Tác phẩm: Impromptu, D. 899 (Op. 90) và D. 935 (Op. 142)
Thời gian sáng tác: Năm 1827.
Độ dài: Tập D. 899 khoảng 29 phút, tập D. 935 khoảng 37 phút.
Cấu trúc tác phẩm: Mỗi tập Impromptu gồm 4 tiểu phẩm.

Hoàn cảnh sáng tác

Impromptu (khúc tuỳ hứng) là một thể loại âm nhạc có quy mô nhỏ, ra đời vào đầu thế kỷ 19, giai đoạn có nhiều xáo trộn về tư duy và phong cách âm nhạc. Impromptu thường thể hiện một ý tưởng âm nhạc đơn giản theo phong cách trữ tình gần gũi với mục đích gợi lên tâm trạng mang tính suy tư và chủ yếu dành cho piano độc tấu, thể loại này nhấn mạnh vào nội dung mà nó mang đến hơn là hướng sự chú ý vào cấu trúc và nhịp điệu của tác phẩm. Một trong những nhà soạn nhạc đầu tiên sử dụng thuật ngữ này là nhạc sĩ người Czech Jan Václav Voříšek, một người bạn của Schubert với tác phẩm Impromptu, Op. 7 vào năm 1822. Chính tác phẩm này là nguồn cảm hứng để Schubert sáng tác 2 tập Impromptu tuyệt phẩm của mình.

Trong những tháng cuối năm 1827, Schubert đã hoàn thành 2 tập Impromptu, mỗi tập gồm 4 tiểu phẩm. Trong những tác phẩm này, ngôn ngữ âm nhạc của Schubert đã ngày càng xa rời truyền thống Cổ điển, hướng đến việc bộc lộ những cảm xúc nội tâm nồng nhiệt và bỏng cháy hơn. Dường như những gì Schubert khao khát, những niềm vui, nỗi buồn lung linh, phong phú đầy màu sắc đều được bộc lộ qua từng nốt nhạc. Âm nhạc đúng như tên gọi của nó, mang tính ngẫu hứng rất cao, cấu trúc tác phẩm đơn giản, hầu hết ở dạng 3 đoạn ABA hoặc ở hình thức biến tấu, sở hữu nhiều giai điệu buồn và tràn đầy những cảm xúc dịu dàng.

Trong những năm cuối cuộc đời Schubert, thị trường cho những tác phẩm dành cho piano độc tấu, đặc biệt là những tiểu phẩm rất phát triển. Ông đã đồng ý bán các tập Impromptu cho nhà xuất bản Haslingerin, Vienna. Nhà xuất bản này đã chia nhỏ các tập ra để phát hành nhằm kiểm tra sự chấp nhận của thị trường. Và 2 bản đầu đã được xuất bản ngay sau đó vào năm 1828 và được đánh số Op. 90. Tuy nhiên sự qua đời của Schubert đã khiến kế hoạch phát hành tiếp theo phải tạm ngừng. Hai bản còn lại của tập đầu tiên chỉ được xuất bản vào năm 1857, tuy nhiên bản số 3 không biết vì lí do gì đã được chuyển giọng từ Son giáng trưởng thành Son trưởng (có lẽ để dễ biểu diễn hơn). Sự nhầm lẫn này chỉ được sửa lại hàng chục năm sau đó. Tập thứ hai được xuất bản vào năm 1839 với sự đề tặng Franz Liszt của nhà xuất bản.

Phân tích

Impromptu Op. 90/1 giọng Đô thứ: Giống như các Impromptu khác, tác phẩm này có chất liệu âm nhạc đồng nhất và cô đọng, nhưng khá khác biệt ở cấu trúc bất thường và tính chất bi kịch và sử thi. Nó có 2 chủ đề chính, khá tương đồng với nhau và hầu như không có thêm gì khác, ngoại trừ một số phát triển có nguồn gốc từ các chủ đề này. Tác phẩm bắt đầu giống như việc một nhân vật bi thảm đang tuyên bố về số phận đau thương của mình với một giọng nói điềm tĩnh. Một nỗi buồn đúng theo phong cách thường gặp của Schubert xuất hiện ở đây. Âm nhạc trở nên phong phú hơn nhưng vẫn đảm bảo sự cân bằng và đối xứng hoàn hảo. Chủ đề hai xuất hiện, ở giọng La giáng trưởng, có sử dụng một số chất liệu âm nhạc của phần trước đó. Âm nhạc tiếp tục tiến về phía trước với những biến tấu dựa trên 2 chủ đề này. Impromptu khép lại trong một coda ở giọng Đô trưởng dù vẫn giữ tính chất buồn bã và điềm tĩnh giống như đầu tác phẩm.

Impromptu Op. 90/2 giọng Mi giáng trưởng: Bản nhạc này có cấu trúc đơn giản hơn so với phần trước đó, ở dạng A-B-A’. Dù vậy, đây là một dạng 3 đoạn phức hợp vì trong mỗi phần A và B cũng lại đều ở dạng 3 đoạn a-b-a’, trong đó sự khác biệt giữa a và b là khá nhỏ. Phần B khá tương phản với phần A nhưng có sự liên quan chặt chẽ với nhau về chất liệu âm nhạc và nhịp điệu. Đây là tác phẩm một chương hiếm hoi bắt đầu bằng giọng trưởng nhưng kết thúc ở giọng thứ song song (một tác phẩm khác tương tự có thể kể đến là Rhapsody giọng Mi giáng trưởng trích trong tập 4 tiểu phẩm cho piano, Op. 119 của Johannes Brahms).

Impromptu Op. 90/3 giọng Son giáng trưởng: Tác phẩm ở giọng hiếm gặp Son giáng trưởng và đó có thể là lý do để khi xuất bản lần đầu, nó được chuyển thành Son trưởng. Bản nhạc du dương này có thể được coi là một serenade và là một ví dụ điển hình cho tính trữ tình trong âm nhạc của Schubert với những giai điệu dài đẹp tuyệt vời. Tác phẩm có hình thức 3 đoạn, trong đó phần B ở giọng Mi giáng thứ. Âm nhạc trôi chảy và có chút phấn khích nhẹ trong phần B. Không hề có những lời phàn nàn, những tiếng kêu tuyệt vọng hay những hành động phản kháng, tính chất của bản nhạc như một sự chấp nhận thực tế về nỗi đau và sự thống khổ của con người.

Impromptu Op. 90/4 giọng La giáng trưởng: Dù bản nhạc ở giọng La giáng trưởng nhưng nó lại được bắt đầu ở giọng La giáng thứ và một lần nữa, lại có hình thức 3 đoạn. Âm nhạc mở đầu khá tươi vui nhưng sau đó, bầu không khí bị phá vỡ khi xuất hiện phần B tương phản, giàu cảm xúc. Một chút buồn bã, một chút lo âu. Nhưng cuối cùng chất liệu âm nhạc ở phần đầu được tái hiện, nhưng lần này ở giọng trưởng, đã tạo ra một cảm giác nhẹ nhõm và thoải mái hơn.

Impromptu Op. 142/1 giọng Pha thứ: Schumann từng coi tập Impromptu thứ hai này là một bản sonata có hình thức tương đối lỏng lẻo. Một trong những nguyên nhân đưa ra lời nhận xét trên là vì bản nhạc đầu tiên của tập này không có đầy đủ hình dạng của một sonata-allegro vì thiếu phần phát triển cũng như mối quan hệ về giọng giữa nó và các phần sau đó. Tuy nhiên Schumann đã đúng khi nhận ra sự biểu đạt to lớn về nội dung của phần đầu tiên này. Chủ để chính mở đầu khá táo bạo hứa hẹn một sự kịch tính nhưng cuối cùng lại bộc lộ tính cách thực sự là sự u sầu dịu dàng. Chủ đề hai đa dạng tính cách hơn, đôi khi tràn đầy cảm hứng, đôi khi mang đến cảm xúc nhẹ nhàng.

Impromptu Op. 142/2 giọng La giáng trưởng: Âm nhạc trong trẻo, thanh bình gợi nhớ lại điệu minuet nhẹ nhàng dường như đã lỗi mốt vào thời của Schubert và cũng mang đến điệu ländler, khá phổ biến trong các tác phẩm của Schubert. Cấu trúc có dạng A-B-A cổ điển với minuet và một trio. Trong đó mỗi phần đều có dạng a-b-a và trio (đóng vai trò B) ở giọng Rê giáng trưởng với phần b ở giọng thứ với nhịp điệu hài hoà và nhịp nhàng.

Impromptu Op. 142/3 giọng Si giáng trưởng: Schubert dường như đặc biệt yêu thích giai điệu chính trong bản nhạc này. Ông đã sử dụng nó hai lần trước đó: trong Entract màn 3 Rosamunde (1820) và chương II bản Tứ tấu dây số 13 (1824). Chủ đề chính này sau đó được phát triển thành 5 biến tấu, tạo nên sự đa dạng và sâu sắc cho bản nhạc. Tác phẩm kết thúc bằng một coda ngắn gọn gợi nhớ lại chủ đề gốc ban đầu.

Impromptu Op. 142/4 giọng Pha thứ: Dù được viết ở giọng thứ nhưng đây là tác phẩm mang không khí tươi vui và hướng ngoại nhất trong toàn bộ hai tập Impromptu. Âm nhạc mang tính chất của một điệu dân vũ rực rỡ, có lẽ có nguồn gốc Di gan. Tác phẩm mang tính bravura nhất, đòi hỏi kỹ thuật trình diễn điêu luyện với những quãng 8, hợp âm rải, hợp âm cuộn và những nốt láy rền. Có hình thức 3 đoạn, bản nhạc kết thúc trong một coda dài với một đoạn Piu presto trong các quãng 8.

Schubert sinh ra và sáng tạo âm nhạc trong thời kỳ giao thoa giữa chủ nghĩa Cổ điển và chủ nghĩa Lãng mạn, các tác phẩm thính phòng và giao hưởng của ông vẫn duy trì phong cách cổ điển truyền thống nhưng âm nhạc piano và ca khúc nghệ thuật của Schubert đã tràn đầy hơi thở của chủ nghĩa Lãng mạn, mang những nét đặc trưng của thời đại. Ngôn ngữ âm nhạc mang tính tự sự, chiêm nghiệm sâu sắc hơn và thoát ly khỏi những thể loại khuân mẫu cứng nhắc. Hai tập Impromtu không chỉ là những đỉnh cao và tiêu biểu trong các sáng tác của Schubert mà còn là tác phẩm điển hình cho một sự chuyển mình của tư duy âm nhạc, hướng đến một tương lai nhiều cách tân và đột phá hơn nữa.

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/schubert)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share