Ông đã chia tay thế giới của chúng ta từ năm 1981, trước thời của tất cả những phương tiện truyền thông có khả năng sản xuất hàng loạt. Với thế hệ tôi, hào quang của ông vẫn còn đó, như lời ông hát cho Hà Nội niềm tin và hy vọng - “là ngôi sao mai rạng rỡ”. Dù đã nghe nhiều giọng ca mới, những không gian âm nhạc hiện đại hơn, giọng hát có những nét ngai ngái thô ráp vẫn khiến tôi cảm thấy lồng lộng một bầu âm thanh sử thi, không hoa mỹ mà vẫn lộng lẫy theo kiểu riêng. Nghe giọng ca Trần Khánh, tôi liên tưởng đến những bức tranh của Nguyễn Sáng. Những quãng ngân xen kẽ những chuyển tông của Trần Khánh tựa như những khối hình có dáng dấp chủ nghĩa lập thể chuyển hóa trong tranh Nguyễn Sáng hay Văn Cao, khiến cho những bản thu của ông đến giờ nghe vẫn cảm giác hiện đại. Trần Khánh hát lên những lời ca một cách chân thực nhất vì chính đời ông tựa như nguyên mẫu cho những con người băng qua những thách thức vô song.
“Ai đã gặp anh, không thể nào quên”
Vào thời điểm nửa đầu thập niên 1940, chiến tranh thế giới thứ hai đã đến đỉnh điểm ở vùng Viễn Đông, phát-xít Nhật chiếm đóng Đông Dương và tiến hành thiết lập một chế độ kiểm soát ngặt nghèo cả về tinh thần lẫn vật chất. Mảnh đất Hải Phòng với vị trí cửa ngõ thương mại của miền bắc, tụ hội đông đảo công nhân và thương nhân, trở thành trung tâm của những hoạt động cách mạng. Sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa khơi dậy tinh thần ái quốc trong thanh niên, đồng hành với các trào lưu này có chất xúc tác quan trọng là phong trào viết những bài hát yêu nước chủ đề “thanh niên-lịch sử” mà Trần Khánh hữu lý ở trong vòng các tên tuổi sáng tác đó. Những người đàn anh ở đất Cảng như Hoàng Quý, Nguyễn Đình Thi, Phạm Đức, Văn Cao, Đỗ Hữu Ích với ảnh hưởng của nhóm âm nhạc Đồng Vọng và các tráng đoàn hướng đạo... kết giao với người anh trai Trần Hữu Liễn, hiển nhiên đã thu hút chàng thiếu niên Trần Hữu Khánh tham gia “Tổ thanh niên danh dự đội” của Việt Minh.
NSND Trần Khánh (người cầm đàn ghita) và các đồng nghiệp thập niên 1960. Ảnh trong bài | Gia đình cung cấp |
Thời cuộc đã khiến cậu thiếu niên 13 tuổi can dự hoạt động nguy hiểm của người lớn - “trinh sát liên lạc đưa tài liệu, truyền đơn, điều tra những địa chỉ và sinh hoạt đi lại” của những đối tượng thân Nhật, bảo vệ các đường dây hoạt động của Việt Minh ở Hải Phòng. Cuối tháng 4/1945, đội danh dự có nhiệm vụ diệt trừ Đỗ Đức Phin, một giáo viên tiếng Nhật được Việt Minh xác định là “hiến binh Nhật” đã chỉ điểm và phá hoại nhiều cơ sở cách mạng. Vụ ám sát này gây tiếng vang lớn, bởi lẽ người thực hiện là một họa sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ trẻ 22 tuổi tên là Văn Cao, cái tên khi ấy chưa được biết đến rộng rãi nhưng rồi sẽ trở thành một thần tượng của văn nghệ cao trào Cách mạng tháng Tám.
Nhưng để Văn Cao thực hiện được nhiệm vụ táo bạo đó, cần một người trinh sát, đó chính là Trần Khánh. Hồ sơ do những người thực hiện nhiệm vụ đã kể, Trần Khánh “đã lên tận tiệm thuốc phiện chỗ tên Phin nằm hút để làm ám hiệu” cho Văn Cao lên bắn và sau đó “bảo vệ cho đồng chí bắn tên Phin rút lui vô sự” (Theo giấy chứng nhận của Văn Cao-1962, Đỗ Hữu Ích-1960 và Trần Hữu Liễn-2000 do gia đình NSND Trần Khánh cung cấp). Không dừng lại ở đó, Trần Khánh đúng nghĩa “tiến mau ra sa trường”, khi lên đường sang Đệ tứ chiến khu ở Đông Triều dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, nhà quân sự lừng danh, tham gia giành chính quyền ở Quảng Yên.
Người anh trai kể lại, do có khả năng văn nghệ nên từ năm 1943 đến 1945, ông và người bạn cùng tuổi Văn Cao đã dìu dắt người em tham gia nhiều cuộc biểu diễn văn nghệ ủng hộ cho phong trào Truyền bá Quốc ngữ và cứu đói, đồng thời tranh thủ tuyên truyền cho các hoạt động của Việt Minh. Bài hát đầu tiên chàng thiếu niên Trần Hữu Khánh hát trước công chúng là Đàn chim Việt của người tiền bối Văn Cao. Nhưng âm nhạc vẫn chưa trở thành nghề của chàng trai, khi nợ nước vẫn còn vận vào đời như cái nghiệp. Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Khánh làm quân báo ở Hải Phòng, rồi cuối năm 1945 theo đoàn quân nam tiến vào Nam Bộ, chiến đấu ở mặt trận Liên khu 5, từ Nam Trung Bộ lên tới Tây Nguyên, sau đó ra bắc hoạt động tình báo và cảm tử trong những ngày nóng bỏng trước và thời kỳ đầu Toàn quốc kháng chiến, để rồi theo công tác biệt động và bí mật cho công an Hải Phòng và Hà Nội.
Một sự cố về đường dây đầu năm 1950 đã không ngờ trở thành một khởi đầu đầy đau khổ cho Trần Khánh: anh bị địch bắt và giam tại Hỏa Lò trong 8 tháng, sau đó ra tù tiếp tục hoạt động bằng cách lên chiến khu móc nối với tổ chức. Để đi lại tự do, người cấp trên cũ đã tìm cách làm cho anh một giấy xác nhận giả của phòng Nhì. Giữa đường lên vùng tự do ở Bắc Giang, do mang giấy tờ tùy thân giả, Trần Khánh bị công an xã bắt lại, xét xử 8 năm tù và bị giam giữ tại địa phương cho đến ngày hòa bình lập lại, chỉ được trả tự do theo quy định trao trả tù binh của Hiệp định Geneve 1954.
Sự trớ trêu của hoàn cảnh đã khiến Trần Khánh không chỉ bị vào tù của cả hai phía mà còn thành bản án không được xóa cho đến tận một thập niên sau. Không có nghề nghiệp, Trần Khánh cứ thế làm lao động tự do, từ làm ruộng đến thợ xẻ ở Yên Thế, cho đến tháng 5/1955 được bạn bè ở Sở Văn hóa Hải Phòng rủ về dạy hát và hoạt động văn nghệ, lập ra đoàn đồng ca Bồ Câu Trắng. Trần Khánh cũng lên Hà Nội tham gia làm nhạc kịch Con trâu với kịch sĩ Phan Tại, nhưng rồi chỉ một thời gian lại lưu lạc đi làm dân công tại công trường ở Bắc Giang... Dường như số phận đã an bài khi tháng 10/1956, Trần Khánh về phòng ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng chỉ ba năm anh lại bị phê bình mắc sai lầm về tác phong sinh hoạt. Cuộc đời tựa bể trầm luân này chỉ tạm chấm dứt vào tháng 5/1959 khi Trần Khánh trở lại Đài. 28 tuổi, Trần Khánh chưa lập gia đình và vẫn chưa được vào biên chế của cơ quan.
Rằng đã hồi sinh, tình yêu non nước hòa bình
Năm 1963, Trần Khánh gặp cô Dậu, người vợ tương lai, khi đó 18 tuổi, ở quán cơm của mẹ cô tại 34 Thợ Nhuộm, ngay gần Đài. Hai người kết hôn và có con gái đầu lòng một năm sau đó. Cuộc sống của một giọng ca chủ lực của cơ quan truyền thông số 1 của nhà nước chật vật bởi lẽ Trần Khánh vẫn là giọng ca ngoài biên chế. Cho dù đã có những xác nhận minh oan và kết luận của Tòa án tối cao, thậm chí có cả đơn thư gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng như chỉ đạo từ trên xuống, Trần Khánh cứ thế hát chỉ với mức lương cơ bản suốt 23 năm, cho đến tận năm 1979. Gần 50 tuổi, ông mới chính thức vào biên chế.
Bút tích của Trần Khánh trong lý lịch tự thuật. |
Nhưng không hề gì, Trần Khánh luôn là sự lựa chọn số một của các nhạc sĩ khi cần thể hiện những khúc tráng ca hào khí mạnh mẽ và tự sự nhất. Thật khó hình dung lịch sử âm nhạc miền bắc những năm tháng ấy sẽ ra sao nếu khuyết đi giọng ca Trần Khánh trong những bài hát Ba Đình nắng (Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh), Tôi là người thợ lò, Người chiến sĩ ấy hay hợp xướng Hồi tưởng (đều của Hoàng Vân), hay những bài ca về hai thành phố của đời ông: Thành phố Hoa phượng đỏ (Lương Vĩnh - Hải Như) và Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân).
Âm vang giọng ca của Trần Khánh tựa như âm vang của chính đời sống những năm tháng ấy, mỗi con người đều gắng vượt qua những gian khó và đau đớn để rồi cất lên những lời ca dịu dàng, như những gì bản Tình ca đất nước mà Trần Khánh hợp tác cùng nhạc sĩ Phan Nhân đã cất lên: “Rằng đã hồi sinh tình yêu non nước hòa bình, Việt Nam tưng bừng khúc ca bình minh, Một lòng sắt son thủy chung...”.
Mùa hè 1981, trên đường đi Quảng Ninh để chuẩn bị cho một chương trình biểu diễn, Trần Khánh gặp tai nạn trên đường số 5 và qua đời ngày 16/7 (15 tháng Sáu âm lịch). Trần Khánh mất năm 50 tuổi, không có một danh hiệu hay phần thưởng nào chính thức ngoài huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật toàn quốc năm 1962. Các danh hiệu (Nghệ sĩ ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ nhân dân năm 2007) đều là truy tặng, song trong tâm khảm người nghe nhiều thế hệ, giọng hát Trần Khánh rót vào họ những “niềm tin yêu và hy vọng”, “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”... như lời những bài ca ông đã chắp cánh trên làn sóng phát thanh. Đến giờ, gia đình vẫn mong mỏi một sự xác nhận chế độ cho thân nhân người hoạt động cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa.
Ông cũng chỉ để lại đôi tấm ảnh, ngỡ như ông là người của một cõi vô hình nhưng kỳ lạ thay, hình dung về ông thật rõ nét như một tiếng hát rực rỡ, như những gì ông hát về “người chiến sĩ ấy”: “Ơi những mùa xuân đẹp nhất, trên đường kháng chiến hoa nở sáng rừng, rừng bao nhiêu lá thương anh biết mấy, uống nước đầu sông lại nhớ tới nguồn...”. Chỉ có thể gọi đó là tiếng hát mùa xuân nhất trong những tiếng ca.
(Nguồn: https://nhandan.vn/)