Cảm xúc từ giọng hát và diễn xuất của nghệ sĩ Ngô Hương Diệp

02:52 PM, Thứ năm, 11/04/2024
179

Tác giả: Triệu Phong

 

Ngô Hương Diệp đã để lại nhiều ấn tượng với người xem từ vở nhạc kịch “Lá đỏ” (tác giả-nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân) và “Carmen” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Cô thật sự là một trong những điểm sáng của vở diễn với giọng hát đẹp, kỹ thuật điêu luyện, phong thái trình diễn tươi trẻ, hồn nhiên, tinh tế và giàu biểu cảm. Chất thanh niên xung phong, chất lính ngày kháng chiến được cô thể hiện rất đậm nét cứ như ca sĩ từ chính môi trường này đi ra…

 

Nghệ sĩ Ngô Hương Diệp biểu diễn trong vở nhạc kịch “Carmen” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. (Ảnh NH)

 

Ngô Hương Diệp là con gái một nghệ sĩ quân đội đã tham gia phục vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người cha ấy đã để lại cho con gái một giọng hát tuyệt đẹp, một tình yêu nghệ thuật tha thiết và đã trực tiếp rèn giũa cô từ năm ấu thơ để mai sau trở thành một nghệ sĩ. Lớn lên, Ngô Hương Diệp theo học Nhạc viện Quốc gia Việt Nam, sau đó cô có thời gian dài tu nghiệp cao học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Bucarest của Rumani.

 

Cô từng đoạt những giải thưởng âm nhạc quốc tế và sau khi về nước năm 2016 trở thành giọng hát solis của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Trong thời gian học tập và làm việc tại nhà hát, Ngô Hương Diệp đã đoạt các giải thưởng như: Giải ba cuộc thi “Tiếng hát mùa thu” của Đài Truyền hình Hà Nội năm 2010, Giải nhất trong bảng cổ điển tại Festival quốc tế Dinu Lipatti của Rumani năm 2014.

 

Sở hữu chất giọng đẹp, bài bản về kỹ thuật, Ngô Hương Diệp đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng khi đảm nhận vai nữ chính trong nhiều vở opera nổi tiếng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam như: “Cô Sao”, “Đêm huyền ảo”, “Maria de Buenos Aires”, “Những người khốn khổ, “Carmen”, “Lá đỏ” và một số vở opera của nước ngoài: “Der durch das Tal geht” (2011), “Dorabella trong Cosi fan tutte-Mozart” (năm 2012).

 

Đã tám năm trôi qua, Ngô Hương Diệp vẫn bồi hồi về vai Hương cô đảm nhiệm trong vở “Lá đỏ”: “Tôi vẫn ấn tượng với tác phẩm “Lá đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Sau khi du học về, tôi may mắn được nhận vai chính trong tác phẩm đó.

 

Đây là một vở opera cực kỳ khó, cũng khó như khi mình chinh phục một vở opera nước ngoài. Đặc thù của tiếng Việt là thanh dấu khác nhau, khi lên nốt cao mình phải hát như thế nào để người nghe không cảm thấy bị chói. Khán giả khi nghe hát opera tiếng Việt sẽ khó tính hơn, đòi hỏi sự kết hợp diễn xuất tinh tế, để khi đến với những trường đoạn cảm xúc có thể khiến khán giả rơi nước mắt…”.

 

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đầy xúc động khi nhớ về vở “Lá đỏ” cùng dàn nghệ sĩ diễn xuất: Ý nghĩa vở “Lá đỏ” rất lớn khi thể hiện đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vở nhạc kịch có thời lượng hai giờ, hai màn, sáu cảnh xoay quanh câu chuyện bi tráng có thật về tám chiến sĩ Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn.

 

Với họ, hằng ngày được khai mở đường vận chuyển vào chiến trường, được giao lưu hồn nhiên với những chiến sĩ trên đường hành quân, được sẻ chia tâm sự về gia đình, ấy là mãn nguyện. Kịch tính của vở nhạc kịch được đẩy lên cao khi trong một trận cứu hàng tránh bom, tám người họ đã bị vùi lấp trong hang. Dù bị kẹt trong hang sâu, họ vẫn không chùn bước, vẫn dạt dào hy vọng, kiên cường động viên nhau trụ lại cho đến phút giây hy sinh.

 

Vở “Lá đỏ” là bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ. Đây cũng là chủ đề phù hợp với yêu cầu của ngày hôm nay. Chúng ta không chỉ hát, nói về ngày hôm nay, phải tri ân quá khứ nhất là hai cuộc kháng chiến. Vở diễn không chỉ dành cho khán giả hôm nay mà còn cho những lứa tuổi đã từng tham gia cuộc chiến, những cựu Thanh niên xung phong, những cựu chiến binh đã từng có mặt trên những chiến trường khốc liệt nhất. Nhiều người xúc động thấy đúng là hiện thực được tái hiện sinh động, đầy ý nghĩa.

 

Hơn nữa, được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật âm nhạc, bằng ca từ, giai điệu, hiệu quả của dàn nhạc giao hưởng, cho nên mang lại hiệu quả, vượt qua thể loại thông thường như những ca khúc, những bài hát mà chúng ta thường thưởng thức.

 

Trước đó, hợp xướng “Hoa lau trắng Khe Sanh” của nhạc sĩ Doãn Nho được con trai của ông là chỉ huy dàn nhạc tài hoa Doãn Nguyên của Nhà hát ca múa nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng làm tiết mục cho đài. Anh đã mời hai giọng hát oprera xuất sắc là Phúc Tiệp và Ngô Hương Diệp lĩnh xướng cho bài hát. Tôi nghe giọng hát của họ mà trào dâng xúc động.

 

Quả thật, âm nhạc và những nghệ sĩ tài năng đã mang lại những xúc cảm thật tuyệt vời, thật lớn lao khiến những câu thơ bay bổng theo các giai điệu sâu lắng, hào hùng: “Con về đây với Đường Chín Khe Sanh/ Nơi con đường năm xưa cha ra trận/ Cha đi trong mây bay là lau trắng/ Khúc quân hành và khẩu súng trong tay/ Cùng những binh đoàn hành quân ra trận/ Từ Điện Biên chiến thắng lẫy lừng/ Từ cột mốc Điện Biên lịch sử/ Trăng đêm nay vầng trăng sáng Him Lam…”.

 

Tôi được biết một vở opera mới của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mang tên “Vầng trăng Him Lam” khi hoàn thành sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng và chúng ta sẽ lại gặp những nghệ sĩ opera tài danh, trong đó có Ngô Hương Diệp trong những vai chính của vở nhạc kịch trong ngày hội cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Nhưng trước mắt, niềm vui của công chúng là vào ba buổi tối 14, 15 và 16/3 này, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ ra mắt vở opera được yêu thích nhất trên thế giới mang tên “Carmen”. Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ kỳ cựu: Huy Đức, Ngô Hương Diệp, Anh Vũ, Kiều Thẩm; nghệ sĩ opera Đào Tố Loan và những diễn viên trẻ tài năng như Lan Nhung, Trường Linh cùng sự góp mặt của các nghệ sĩ ballet nổi tiếng như Đức Hiếu, người từng đoạt Giải nhất Tài năng Múa 2022 và sự tham gia của Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices.

 

(Nguồn: https://nhandan.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều