Haydn: Giao hưởng số 100 “Quân đội”

09:04 PM, Thứ hai, 05/02/2024
187

Tác giả: Ngọc Tú (tổng hợp) 

 

 

Thông tin chung

Tác giả: Joseph Haydn. Tác phẩm: Giao hưởng số 100 giọng Son trưởng “Quân đội”, H. 1/100 Thời gian sáng tác: Đầu năm 1794. Chương II sử dụng chất liệu được viết cho một tác phẩm trước đó vào năm 1786. Công diễn lần đầu: Tại King’s Theatre, London vào ngày 31/3/1794 dưới sự chỉ huy của Haydn nhân dịp sinh nhật lần thứ 62 của nhà soạn nhạc. Độ dài: Khoảng 25 phút. Tác phẩm có 4 chương: Chương I – Adagio – Allegro Chương II – Allegretto Chương III – Menuetto: Moderato Chương IV – Presto Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani, triangle, cymbals, bass drum và dàn dây.

 

Hoàn cảnh sáng tác

Năm 1790, ông chủ của Joseph Haydn trong gần ba thập kỷ, hoàng thân Nicholas Esterházy qua đời và được con trai Anton kế vị. Vị hoàng thân mới không tỏ ra hứng thú với âm nhạc nên Haydn, mặc dù trên danh nghĩa vẫn làm việc với cương vị Kapellmeister và có một khoản tiền trợ cấp nhưng ông đã được tự do khám phá. Dưới sự hỗ trợ của Johann Peter Salomon, Haydn lên đường tới nước Anh vào năm 1791 và đã có được những khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc và tràn đầy cảm hứng sáng tác. Ông trở lại Vienna vào mùa hè năm 1792 và sau đó vui vẻ quay lại Anh vào năm 1794.

 

Trong hai chuyến lưu trú tại đây, Haydn đã sáng tác 12 bản giao hưởng, từ số 93-104, thường được gọi là các bản giao hưởng “London” và đôi khi “Salomon”. Thành công của bản giao hưởng số 94 “Bất ngờ” trong chuyến viếng thăm đầu tiên càng khiến cho Haydn cảm thấy gắn bó với mảnh đất nơi đây. Nhưng đồng thời, đó cũng là áp lực khiến nhà soạn phải có một tác phẩm tương xứng trong chuyến viếng thăm London lần thứ hai này.

 

Tại châu Âu lúc đó, âm nhạc của Janissary, lực lượng cấm vệ quân của các Sultan thuộc Đế quốc Ottoman, nơi có những sự đối nghịch với các vương triều tại đây rất thịnh hành. Chúng được sử dụng để miêu tả cho quân đội với những nhạc cụ điển hình như cymbals, bass drum và triangle. Tất cả những điều này đã được Haydn sử dụng để đưa vào bản Giao hưởng số 100 của mình. Cái tên “Quân đội” không phải do Haydn đặt nhưng nó đã gắn liền với bản giao hưởng ngay sau khi được công diễn lần đầu tiên vì những đặc trưng không thể nhầm lẫn của nó. Ban đầu Haydn chỉ gọi tác phẩm của mình là “New Grand Overture”. Vì những quan niệm sáng tác và biểu diễn thời kỳ đó, trong đêm diễn ra mắt, thành phần dàn nhạc còn có thêm harpsichord do chính Haydn biểu diễn. Tuy nhiên, ngày nay nó đã biến mất.

 

Nội dung

Chương I

Chương I nhịp 2/2 được sáng tác ở hình thức sonata. Nó bắt đầu với phần mở đầu Adagio chậm rãi, gợi ý về các motif sẽ xuất hiện sau đó trong chương nhạc. Phần Allegro bắt đầu với một chủ đề khiêu vũ, thật bất ngờ khi chỉ được chơi trên flute và oboe. Dàn dây lặp lại chủ đề bằng cách chơi lại giai điệu này nhưng thấp hơn một quãng tám. Sau đó chủ đề thứ hai xuất hiện trên toàn bộ dàn nhạc, ở át âm Rê trưởng. Việc Haydn sử dụng các chủ đề và giọng ở đây đã xác định điểm quan trọng trong hình thức sonata: chủ đề thứ hai được xác định ở giọng mới chứ không chỉ là một giai điệu mới. Một coda được chơi trên toàn bộ dàn nhạc khép lại chương I.

 

Chương II

Chương II là một tác phẩm được Haydn đã sáng tác vào năm 1786. Đó là concerto cho Lire Organizzata (một nhạc cụ dây phát ra âm thanh gần giống với violin) dành cho vua Ferdinand IV của Naples. Chương nhạc có hình thức ba đoạn đơn giản với phần trung tâm ở giọng thứ nhưng lại có màu sắc đa dạng nhất trong toàn bộ bản giao hưởng. Đây là chương nhạc duy nhất sử dụng viola divisi (chia thành nhiều bè nhỏ) và clarinet. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là toàn bộ các nhạc cụ “Thổ Nhĩ Kỳ” (cymbals, bass drum và triangle) đã lần đầu xuất hiện trong phần trung tâm ở giọng thứ. Chương nhạc kết thúc trong một coda mở rộng với tiếng kèn lệnh của trumpet độc tấu, tiếng timpani cuộn lên, một cuộc cách mạng trong việc sử dụng các nhạc cụ và rồi khép lại trong một tiếng vang lớn ở giọng La giáng trưởng.

 

Chương III

Chương III là một minuet với phần trio theo truyền thống các bản giao hưởng nhưng nó mang hơi hướng của một điệu nhảy cổ điển quý tộc kiểu cũ, tương đối khác biệt với những thay đổi trong bối cảnh cuối thế kỷ 18 lúc bấy giờ. Phần minuet sử dụng toàn bộ dàn nhạc, mang đến cảm giác nhộn nhịp và vui tươi trong khi phần trio chủ yếu dựa vào những đoạn độc tấu của kèn gỗ và violin nhẹ nhàng, yên tĩnh mang tính tương phản.

 

Chương IV

Chương IV có hình thức sonata rondo, mang đến những chuyển động liên tục không ngừng nghỉ. Chủ đề chính của chương nhạc rất hấp dẫn đến nỗi nó trở thành một giai điệu quen thuộc rất phổ biến thời bấy giờ với tên gọi “Lord Cathcart’s Welcome Home”. Bằng tài năng tuyệt vời của mình, Haydn đã đưa các nhạc cụ “Thổ Nhĩ Kỳ” xuất hiện trở lại trong phần cuối của chương nhạc, tạo nên cảm giác cân bằng với các chương trước đó đồng thời khép lại tác phẩm trong một kết thúc thú vị và hào hứng.

 

London dường như là một miền đất lành đối với Haydn. Tại đây ông đã sáng tác nên hầu hết những bản giao hưởng tuyệt vời nhất của mình. Với sự khuyến khích của Salomon, nhà soạn nhạc thậm chí đã nghĩ đến việc định cư vĩnh viễn tại đây. Tuy nhiên, với sự qua đời đột ngột của Anton Esterházy, người kế vị là Nicholas II đã khôi phục lại các chương trình âm nhạc. Và Haydn, vốn là một nhân viên trung thành và mẫn cán đã quay về để tiếp tục thực hiện phận sự của mình.

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều